Lam Trường được Quách Phú Thành ra chào, đối đáp lưu loát với Thành Long, Lưu Đức Hoa

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Trương Học Hữu thấy thế mới bảo tôi là bạn anh ấy, tới từ Việt Nam. MC lập tức mời tôi lên giao lưu. Tôi biết tiếng Quảng Đông nên cũng nói chuyện, đối đáp lưu loát với họ’ - Lam Trường nói.
Lam Trường được Quách Phú Thành ra chào, đối đáp lưu loát với Thành Long, Lưu Đức Hoa
Ảnh minh họa

Lam Trường là một trong những ca sĩ Vpop hiếm hoi có tính quốc tế khi thường xuyên được lưu diễn nước ngoài và trình diễn chung với các nghệ sĩ lớn trên thế giới.

Tại chương trình Bài hát đầu tiên, Lam Trường đã kể lại chuyện mình đứng chung một sân khấu, đối đáp cùng Thành Long, Lưu Đức Hoa, được Trương Học Hữu nhận là bạn và được Quách Phú Thành ra chào.

Những nghệ sĩ lên chào tôi toàn người tôi hâm mộ như Quách Phú Thành

Trong một lần đi diễn tại Nhật Bản, tôi được nối máy nói chuyện với Trương Học Hữu.

Trương Học Hữu rất dễ thương. Anh ấy bảo tôi sắp tới có một chương trình kỉ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Nghệ sĩ Hong Kong, muốn mời tôi tham dự. Tôi gật đầu đồng ý ngay lập tức và cùng anh trai mình, cùng cô phóng viên kia tới Hong Kong.

Ngày hôm đó, tôi gặp gỡ không thiếu một diễn viên Hong Kong nào, từ Lương Triều Vỹ tới Thành Long, Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa.

Tôi là khách mời của Trương Học Hữu, mà Trương Học Hữu lại là hội phó của Hiệp hội Nghệ sĩ Hong Kong nên tôi vinh dự được mời vào ngồi hàng ghế thứ ba.

Bên Hong Kong rất có lớp lang. Tất cả nghệ sĩ ngồi từ bàn số 4 trở xuống phải đi lên chào ba bàn đầu, trong đó có bàn của tôi. Những nghệ sĩ lên chào tôi toàn người tôi hâm mộ như Quách Phú Thành.

Lúc đầu, tôi chỉ được mời tới tham dự chứ không chuẩn bị hát hò gì. Nhưng chương trình đang diễn ra thì Thành Long, Lưu Đức Hoa và Trương Học Hữu lên sân khấu hát.

MC đứng trên sân khấu nhìn thấy tôi ngồi ở bàn thứ ba mới ngạc nhiên hỏi xem tôi là ai mà lại được ngồi ở đó. Trương Học Hữu thấy thế mới bảo tôi là bạn anh ấy, tới từ Việt Nam. MC lập tức mời tôi lên nói chuyện giao lưu. Tôi biết tiếng Quảng Đông nên cũng nói chuyện, đối đáp lưu loát với họ.

Họ bảo tôi hát tặng họ một bài tiếng Việt Nam xem âm nhạc Việt Nam thế nào. Tôi biết đây là cơ hội hiếm có nên chọn một bài của Trương Học Hữu để hát và bày tỏ mong muốn những ai đang có mặt trên sân khấu hãy ở lại hát cùng tôi.

Thế là Lưu Đức Hoa, Thành Long và Trương Học Hữu cũng ở lại sân khấu hát chung với tôi luôn. Hát xong, người tôi cứ lâng lâng.

Tôi chỉ tiếc lúc đó không ai quay lại clip vì chưa có mạng xã hội và smartphone như bây giờ.

Tới lúc tan tiệc, phóng viên mới tới phỏng vấn tôi và hỏi có ý định lập nghiệp, ra sản phẩm hay làm chương trình tại Hong Kong không. Tôi trả lời rằng mình chỉ là khách mời bình thường, tới hát ngẫu hứng chứ không có ý định gì hết.

Đó là một kỉ niệm đẹp trong đời tôi thôi, còn về tính quốc tế của tôi phải kể tới lần tôi được hát tại Liên hoan âm nhạc Châu Á ở Hàn Quốc, trước 40 ngàn khán giả.

Tiếp đó, tôi hát tại Liên hoan âm nhạc Châu Á ở Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và có nhiều mối quan hệ. Tôi chỉ tiếc khi ấy không nghĩ đến chuyện đẩy âm nhạc của mình ra nước ngoài.

Ban đầu tôi bỏ qua, nhưng họ nói nhiều quá nên tôi ức

Nhiều người thấy tôi đi diễn nước ngoài nhiều quá mới nói tôi hát tiếng Việt không rõ lời. Tôi ức lắm.

Thời điểm đó, tôi quảng cáo cho một công ty nước giải khát rất lớn, được công ty đó đưa sang Mỹ du học âm nhạc trong 4 tháng, chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi.

Du học về, công ty đó làm cho tôi một live show lớn. Nhiều khán giả xem show xong bảo do tôi đi du học về nên hát không rõ lời. Ban đầu tôi bỏ qua, nhưng họ nói nhiều quá nên tôi ức.

Tôi không hiểu sao mọi người lại nói vậy, 4 tháng đâu phải thời gian quá dài. Muốn thay đổi cách hát phải là một khoảng thời gian dài nhiều năm.

Lâu dần tôi quen đi, không nghĩ gì nữa. Khán giả nói gì kệ họ, tôi cứ hát thôi. Tôi không cần giải thích gì hết.

Nhưng rõ ràng đến bây giờ, mọi thứ đã tự chuyển biến. Các bạn trẻ hát R&B hoàn toàn không rõ lời nhưng khán giả vẫn chấp nhận, không phản ứng dữ dội như thời của tôi nữa.

Điều tôi quan trọng nhất khi hát là cảm xúc. Hát tròn vành, rõ chữ là tốt nhưng nếu vì thế mà đánh mất cảm xúc thì không còn là nét riêng của Lam Trường nữa. Lúc đó, tôi sẽ giống một người thợ hát nhiều hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật