Nếu cuộc đời này không có messi

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ tịch Bartomeu vừa từ chức, Barca thắng Juve 2-0 ngay tại Turin, và Messi được chọn lựa là cầu thủ hay nhất trận.
Nếu cuộc đời này không có messi
Messi tỏa sáng trong chiến thắng 2-0 của Barca trước Juventus. Ảnh: Getty.

Chiến thắng ấy sẽ lại là chi tiết nữa để Messi tiếp tục trở thành tâm điểm của câu chuyện Barca hôm nay, câu chuyện mà “lỗi - phải” rất khó có thể được minh định.

Tuy nhiên, chúng ta hãy thử có một tưởng tượng “Nếu cuộc đời này chưa từng có Messi” để hình dung xem những gì đã, đang và sẽ diễn ra kế tiếp. Và một khi tưởng tượng ra kịch bản ấy, nhất thiết cần gạt bỏ những gì ấn tượng về anh ra khỏi đầu, cả yêu lẫn ghét.

Barca hiện tại sẽ như thế nào?

Victor Font, ứng cử viên chống Bartomeu gay gắt nhất, đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình bằng cương lĩnh “lấy La Masia làm trọng tâm”. Tuy nhiên, trong cương lĩnh ấy, Font cũng nhắc tới một thứ quan trọng, đặc biệt là khi nó được so sánh với những gì Bartomeu đã làm: Nếu cầu thủ muốn rời Barca, hãy để cho chuyện chia tay ấy thật êm đềm cho cả đôi bên.

Khi Font nói về chuyện chia tay này, chắc hẳn ông ta cũng lường trước được về khả năng Messi chia tay Barca. Và điều Font nói là hoàn toàn đúng. Messi với Barca là tượng đài đương đại, huyền thoại không bao giờ lỗi thời. Vậy thì tại sao khi Iniesta, Xavi, Puyol muốn rời Barca, mọi việc diễn ra đẹp đến thế, trong khi lúc Messi muốn chia tay, tất cả lại trở thành một scandal? Font đã tìm đúng yếu huyệt của Bartomeu để tấn công, và tất nhiên, Bartomeu khó lòng đáp trả lại.

Nhưng suy cho cùng, chính Font cũng hình dung ra cái viễn cảnh Barca không có Messi. Và nếu chúng ta thử mở rộng suy nghĩ của ứng viên này, để tưởng tượng ra chưa bao giờ tồn tại một danh thủ Messi trên đời, Barca hoàn cảnh hiện tại sẽ như thế nào?

Chắc chắn, Koeman sẽ không thể nào đẩy Griezmann lên chơi vị trí cao nhất của đội hình 4-2-3-1 được, vì Griezmann không giỏi khi chơi ở đó, kể cả là chơi số 9 ảo. Griezmann sẽ chơi ở ngay vị trí của Messi đã chơi đêm 28/10 ở Turin. Và vị trí trung phong sẽ thuộc về Ansu Fati. Với hàng công như vậy, Barca có thể thắng hay không?

Tất nhiên, nhiều người sẽ cho rằng Griezmann sẽ không thể nào sánh ngang với Messi được. Điều đó hoàn toàn đúng. Griezmann không bao giờ có thể được xếp cùng mâm với Messi. Tài năng của Messi không thể nào mang ra so sánh một cách phí phạm với năng lực của Griezmann. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng lên đội bóng khi chơi ở vị trí số 10, Griezmann hoàn toàn có thể thực hiện được, như anh từng đảm nhận ở Sociedad, Atletico và ĐTQG.

Hãy hình dung mối quan hệ công việc giữa Messi với Griezmann như thế này. Họ như 2 thành viên trong nhóm nhạc, mà trong đó, Messi chơi piano cực xuất sắc và chơi trống cũng cực giỏi. Griezmann chơi piano rất giỏi và chơi trống chỉ ở hạng trung bình khá. Cả nhóm nhạc, chỉ có hai người bọn họ chơi được piano và trống thôi. Vậy thì để cấu thành nhóm nhạc hay, Messi nên hy sinh để chơi trống hay cứ khư khư giữ chân piano cho mình?

Cái ví dụ đó, trong bóng đá người ta gọi là đóng góp vào lối chơi chung.

Bây giờ quay lại với hiện tại tưởng tượng không tồn tại một Messi. Ai đó có thể sẽ nói, Fati hay thật nhưng chưa ở độ chín để tới tầm có thể đảm lãnh vị trí trung phong chính thức. Cứ cho là như vậy đi, và chúng ta quay ngược kim đồng hồ lại chừng hơn một tháng. Nếu không tồn tại một Messi trên đời, có khi Luis Suarez không bị bán đi. Và hàng công của Barca sẽ là Suarez - Griezmann - Dembele - Pedri. Hàng công đó có phải là hàng công mạnh hay không?

Phải thừa nhận không có tên Messi trong đội hình, Barca vẫn có lực lượng đáng gờm ở châu Âu lúc này. Đó là thực tế không thể chối cãi. Chất lượng đào tạo của La Masia luôn là tiêu chuẩn mơ ước đối với nhiều CLB lớn nhỏ trên thế giới và uy tín của Barca luôn dư thừa để khiến bất kỳ ngôi sao nào cũng muốn gia nhập. Không Messi, ngân sách của Barca cũng khác nên việc chiêu mộ cũng sẽ dễ dàng hơn.

Và “Barca-đã-từng” sẽ ra sao?

Đóng góp của Messi cho Barca suốt 16 năm anh khoác áo đội một là không cần tranh luận. Tuy nhiên, đừng lầm lẫn với việc phải có Messi ở đó, Barca mới có các danh hiệu lẫy lừng ở thế kỷ 21 này. Và ở đây, chúng ta đang tưởng tượng. Cứ để trí tưởng tượng mở rộng mọi khả năng có thể xảy ra nhưng hãy theo những chiều hướng tích cực nhất.

Sau chức vô địch Champions League 2006 một năm, Barca chia tay Ludovic Giuly khi ở mùa 2006/07, Messi đã dần cho thấy anh là một thay thế tốt hơn cho vị trí của cầu thủ Pháp. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ điều này, Giuly là một trong số ít ỏi những cá nhân đã đưa Monaco vào đến chung kết Champions League 2004. Đó không phải là cầu thủ hạng xoàng. Và khi Barca có Ronaldinho cùng Eto’o, cầu thủ như Giuly là đủ để giúp họ có hàng công mạnh nhất nhì châu Âu.

Năm 2008, Barca bán Ronaldinho cho Milan. Ở thời điểm ấy, Ronaldinho mới 28 tuổi. Đó vẫn là độ tuổi sung sức với các cầu thủ chuyên nghiệp. Bán Ronaldinho là quyết sách đúng, bởi nó không chỉ mang lại giá trị tài chính vì đúng thời điểm, mà nó còn là việc tạo ra không gian phát triển cho Messi. Laporta là người say mê việc xây dựng một Barca lấy La Masia là nòng cốt. Và ông đã quá đúng trong quyết sách này.

Nhưng giả như không có Messi, chắc chắn Ronaldinho sẽ vẫn ở đó, để là linh hồn của hàng công Barca. Tài năng của Ronaldinho đến giờ vẫn hút hồn rất nhiều khán giả say mê bóng đá nói chung và Barca nói riêng. Ký ức những ngày anh ở Nou Camp vẫn còn đẹp, nếu không nói là đẹp đến mê hồn với những cú espaldinha (chuyền bóng bằng lưng) đầy ngẫu hứng. Và anh cũng sẽ thúc đẩy những cầu thủ trẻ của Barca phát triển, như với Messi anh từng làm.

Và sau Ronaldinho, còn nhiều những tiền đạo giỏi đã tới với Barca, như Henry, như Ibrahimovic, như David Villa… Tất cả họ, dù không ở tầm vóc của cầu thủ như Messi nhưng đều đủ sức giúp Barca tạo dựng hàng công đáng nể. Hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu Ibra không rời Barca năm 2011, và ở lại chờ đợi để sát cánh cùng Neymar sau này? Đó có phải là sự kết hợp đáng chờ đợi hay không khi một bên là kỹ thuật gia ngẫu hứng và một bên là vũ khí săn bàn tối thượng?

Trong câu chuyện tưởng tượng về bối cảnh Barca không có Messi này, sẽ rất lý thú nếu chúng ta nói về Pep Guardiola. Nhiều mỉa mai đã dồn vào Pep khi nhận định ông sẽ chẳng có nổi danh hiệu nào nếu như không có Messi trong tay. Vâng, đúng là Pep chưa từng giành được Champions League nào kể từ khi xa Messi nhưng hãy thử nhìn lại, ngoài Luis Enrique, bao nhiêu HLV rồi đến Barca và cũng không có Champions League dù họ có Messi.

Trong khi đó, thời gian vàng son rực rỡ của ĐT Tây Ban Nha là 4 năm kéo dài từ 2008 cho tới 2012 (chỉ tính trên danh hiệu). ĐTQG 2 lần vô địch EURO và một lần vô địch World Cup đó không cần có một Messi trong tay. Tuy nhiên, họ có những gì Messi đã cần tới ở thời kỳ đỉnh cao của mình: Xavi, Iniesta, Puyol, Pique, Alba, Busquets và Villa. Ở chung kết World Cup 2010, chính Iniesta là người đá vị trí tiền đạo trái của ĐT Tây Ban Nha trong đội hình không khác gì Barca mở rộng. Nếu không có Messi, Iniesta có khi đã phát triển ở vị trí thiên về tấn công hơn nhiều so với vị trí tiền vệ trung tâm mà anh gắn bó suốt thời kỳ Barca-Messi.

Nhân nhắc tới World Cup, cũng nên nhắc lại trận chung kết năm 2014. Đó là thành tích tốt nhất ở World Cup mà Messi từng có trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, một Argentina được xây dựng không dựa trên Messi (trong một tưởng tượng chưa bao giờ Messi tồn tại) liệu có khác hay không khi nền bóng đá ấy đã sản sinh ra những tiền đạo rất xuất sắc những năm qua như Tevez, Aguero, Higuain, Di Maria, Lavezzi… Kết quả lịch sử ấn định nhưng chắc chắn, hàng công Argentina vẫn là hàng công mơ ước của nhiều người.

Một khi định mệnh đã lựa chọn, có hay không có Messi thì Barca cũng sẽ lên đến đỉnh vinh quang ở những năm gắn bó với Pep. Đơn giản, khi mà họ sở hữu lứa cầu thủ vàng từng chơi với nhau gắn bó lâu năm như thế, chuyện họ không thành công mới là điều lạ lẫm. Hãy nhìn vào lịch sử bóng đá từ thập niên 90 tới nay chúng ta sẽ thấy rất rõ. Chỉ có 2 lứa cầu thủ học viện cùng lớn lên với nhau và tạo nên đội hình vàng. Lứa của Beckham ở Man United và lứa của Messi ở Barca. Và cả hai lứa ấy đều lê‌n đỉn‌h châu Âu ở ngay thời điểm mà đối thủ cạnh tranh toàn hổ báo cả.

Bởi định mệnh đã lựa chọn, đội bóng như Barca thành công, và có thiên tài dẫn dắt họ trên hàng công là chuyện tất nhiên. Còn việc thiên tài ấy là Lionel Messi, cầu thủ bé nhỏ đến từ Argentina chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Không có Messi, ắt sẽ phải có ai đó khác vươn tầm như thế để tạo ra Barca huyền ảo, và tạo ra đối trọng xứng tầm với Ronaldo ở Real.

Messi vẫn là nguồn sống của Barca. Ảnh: Getty.

Nhưng vẫn cần có Messi

Khi Messi ghi bàn vào lưới Juve ở Turin đêm 28 vừa rồi, lập tức lại có những giọng điệu dè bỉu anh cho rằng anh chỉ ghi bàn trên chấm phạt đền. Những ai ghét Messi luôn không nhìn vào dấu ấn anh là cầu thủ chơi hay nhất trận mà chỉ nhìn vào tiểu tiết khác. Và tất nhiên, cũng sẽ có những người yêu mến Messi bênh vực anh để tranh cãi lại bắt đầu.

Chúng ta là như thế, có Messi hay không có Messi, chúng ta vẫn cứ cãi nhau hàng ngày, trên đủ mọi chuyện. Chỉ có điều, cãi nhau về bóng đá và thần tượng trên sân bóng thì nó “tràng giang đại hải” hơn. Nhưng rõ ràng, chúng ta đều nhận ra trước thời của Messi, từng có nhiều siêu sao khác mà chúng ta yêu - ghét. Tại sao khi họ là đề tài, chúng ta không tranh cãi hăng hái như khi Messi là đề tài?

Cái hấp dẫn của Messi nói một cách đơn giản như ở trên thôi đã đủ thấy có sức nặng đến nhường nào. Và trong sự so sánh “liên tu bất tận” với Ronaldo, chúng ta hãy thử tưởng tượng lần nữa xem Ronaldo sẽ ra sao nếu anh đến La Liga mà không có đối thủ lớn như Messi để làm cái đích đua tranh? Không có cạnh tranh sẽ không có phát triển. Chắc chắn, Ronaldo và Messi cần nhau để phát triển suốt nhiều năm qua. Và chúng ta cần họ để chứng minh chính mình trong các cuộc cãi vã. Cái lý thú của việc chứng minh mình ấy thật ra lớn lao lắm, nhất là khi ta gặp nhiều gian khó trong đời.

Bóng đá vốn dĩ tưởng như chỉ là cuộc chơi trên sân, với 1 quả bóng, 22 người và 2 ông huấn luyện viên cùng vài chú trọng tài le te chạy đi chạy lại. Nhưng thực ra, bóng đá có sức hút hơn bởi chính những câu chuyện ngoài sân bóng ấy. Messi mang lại nhiều câu chuyện mà mỗi chúng ta đều muốn quan tâm, kể cả ta là người ghét Messi đến mấy.

Từ câu chuyện cậu bé còi cọc trở thành một siêu sao cho tới câu chuyện “trốn thuế”; từ câu chuyện Messi có chạy nhiều hay không cho tới câu chuyện burofax gần đây…, Messi mang lại cho bóng đá đời sống thực sự. Bóng đá sẽ chết nếu không có những câu chuyện đời sống như thế nếu như cầu thủ chỉ ra sân, đá xong là đi về. Tất nhiên, không phải chỉ một mình Messi mới mang lại các câu chuyện đời sống nhưng khi anh ở vị thế của một siêu sao, chuyện đời sống của anh cũng được tung ra dư luận nhiều hơn, với đa góc nhìn hơn và được mổ xẻ chi tiết hơn.

Còn với riêng Barca, họ xây dựng La Masia khá muộn, mãi tới thập niên 70 mới bắt đầu. Có thể nói, họ học hỏi và nâng tầm mô hình Hà Lan để tạo ra La Masia cho riêng mình. Tuy nhiên, cách làm của họ khoa học, tiến bộ và kiên nhẫn nên họ đã tạo ra những tài năng tuyệt vời. Song, nếu không có Messi, người ta có nhắc tới La Masia nhiều như vậy không?

Luis Enrique, Pep Guardiola, Ferrer, Amor, De La Pena từng là những danh thủ xuất sắc trên thế giới trưởng thành từ La Masia. Tuy nhiên, không ai nhắc tới lò đào tạo ấy với sự ngưỡng mộ cả. Chỉ đến khi Messi và những Xavi, Iniesta xuất hiện, La Masia mới trở thành hình mẫu, bán được công thức cho nhiều nơi. Và trong công cuộc quảng bá La Masia thầm lặng, Messi là người có công lớn nhất, nếu không nói là vĩ đại nhất.

Vì thế, vẫn phải có Messi như anh đã từng, đang ở đây và sẽ làm gì nữa chúng ta còn chưa đoán biết. Và chỉ cần nhìn vào hiện tại thôi, phải có Messi thì chủ tịch kém cỏi như Bartomeu mới phải rời ghế để Barca có cơ hội tái thiết chính mình. Nếu không là Messi, ai sẽ dám đứng lên lên tiếng và hành động? Hãy nhớ, quá khứ Barca cũng từng có một chủ tịch tai tiếng như Nunez và ở thời điểm đó, không ngôi sao nào lên tiếng cả. Chỉ khi cả tập thể đồng thanh thì họ mới dám lộ diện.

Giá trị của Messi nằm ở chính điểm này.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật