VEPR: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,8%

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam trong khoảng 2,6 – 2,8% khi việc kiểm soát dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm diễn ra thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 – 2% hoặc thấp hơn.
VEPR: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,8%
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,8%.

Đây là nhận định được viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra tại Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020, tổ chức ngày 21/10.

Còn nhiều thách thức

Ông Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng VEPR cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý III/2020, đạt 2,62%. Tính chung 9 tháng năm 2020, GDP tăng 2,12%.

Nhìn về những tháng cuối năm, ông Thế Anh cho rằng, có một số yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm. Cụ thể, đó là triển vọng mở ra từ việc thực thi Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và EVIPA), cũng như tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi. Bên cạnh đó là cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng…

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của dịch Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, thách thức của kinh tế Việt Nam còn đến từ các điểm yếu nội tại như tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng còn hạn chế, sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương, sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực đầu tư nước ngoài, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu, hiệu quả đầu tư công còn thấp, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm...

Dựa trên những yếu tố tích cực, tiêu cực đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam, VEPR đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, với kịch bản cơ sở, điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,6 – 2,8% trong cả năm 2020. Đối với kịch bản bất lợi, các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 – 2,0%.

“Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 – 2,8% trong cả năm 2020. Tuy nhiên, lưu ý rằng cả hai kịch bản nêu trên đều giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2020. Nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước trong quý IV, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề” – ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Cần tiếp tục “thúc” đầu tư công

Theo các chuyên gia, do nguồn lực ngân sách của Việt Nam còn hạn hẹp, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, nên Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn. Thêm vào đó, việc phòng chống dịch Covid-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách…

Trong bối cảnh đó, đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong những tháng cuối năm, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có…

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc giãn, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, đồng thời cần rà soát để có thể cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp, ví dụ như xem xét, ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp….

Đặc biệt theo ông Phạm Thế Anh, đẩy nhanh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cần thực hiện triệt để việc cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10%, nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra” – chuyên gia VEPR đề xuất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Ngoài ra, trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật