Làng Nôm - “báu vật” của vùng đất Hưng Yên

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Đông, làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên được nhiều người biết tới với quần thể di tích chùa Nôm, chợ Nôm và đình Nôm. Tồn tại hơn 200 năm tuổi, làng Nôm được biết tới như một “báu vật” của vùng đất Hưng Yên, quần thể di tích này vẫn giữ được nét riêng, không gian văn hóa truyền thống với những nét đặc trưng của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Làng Nôm - “báu vật” của vùng đất Hưng Yên
Cổng làng Nôm. Ảnh: Phương Anh

Xem Video: Làng Nôm "Báu vật trăm năm" của Hưng Yên (Du lịch Hưng Yên)

//

Về làng Nôm vào một chiều cuối năm, dù trời khá lạnh, nhưng khi bước chân trên những con đường gạch đỏ và cổng nhà cổ hiếm hoi còn lại xen lẫn với dãy bờ tường xây dẫn vào các ngõ ngách của làng… đem đến cho chúng tôi cảm giác rất bình yên, ấm cúng.

Làng Nôm là một quần thể di tích gồm: Chợ Nôm, đình làng Nôm, cây cầu đá, chợ Nôm cổ, các xóm ngõ dân cư với những ngôi nhà cổ tồn tại cách đây hơn 200 năm. Quần thể di tích này đến nay vẫn còn giữ được nhiều giá trị truyền thống của làng Việt Bắc Bộ với những nét kiến trúc độc đáo cổ xưa, tạo nên cảnh quan hữu tình, là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm làng Nôm là cổng làng sở hữu một kiểu kiến trúc đặc biệt. Cổng làng được xây theo kiểu bát trụ - kiểu cổng mà chỉ hoàng thân quốc thích xưa kia mới có, bao gồm 4 trụ vuông với 3 chữ trên vòm cổng: Đồng Cầu Nôm. Qua cánh cổng làng rêu phong, khung cảnh bên trong làng mang đặc trưng của làng quê cổ Việt Nam. Các khu nhà nhỏ nhắn đều nhuốm màu thời gian, hoạt động thường nhật của người dân diễn ra bình lặng, yên ả.

Theo như sử sách ghi lại, làng Nôm được hình thành từ đầu công nguyên, đến thế kỷ XV thì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc. Tại làng Nôm đã có những dòng họ sinh sống nhiều đời như: Tạ, Lê, Phùng, Đan… Hiện nay, trong làng còn nhiều ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi, nhìn rất cổ kính, rêu phong, với những kiến trúc độc đáo của thời xưa. Những ngôi nhà nơi đây là minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của làng Nôm.

Cổ kính, bình yên, cùng những giá trị văn hóa vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, làng Nôm đã trở thành điểm đến tham quan thú vị của nhiều du khách trong và ngoài nước. Có lẽ vì thế mà dù ngay cạnh Hà Nội, nơi phố phường đông vui, sự thay da đổi thịt với những công trình hiện đại mọc lên, nhưng ở làng Nôm, nét đẹp trầm mặc đó vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. 

Theo người dân địa phương, trước đây, người dân trong làng có nghề buôn đồng nát. Bà con ở đây đi mua đồng nát về bán lại cho các lò đúc đồng ở địa phương và các vùng lân cận. Nhờ chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong làm ăn buôn bán, nên làng Nôm nhờ đó mà ngày càng hưng thịnh, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển. Trải qua bao thời gian, đến bây giờ, cả nghề đồng nát, nghề đúc đồng đều bị mai một, chỉ còn vài xưởng làm đồng và thu mua đồng nát nhỏ. Mặc dù nghề cũ không còn, nếp gia trưởng cũng đã bớt đi, nhưng nhịp sống ở đây thì vẫn còn nguyên dáng vẻ hoài cổ.

Một điểm hấp dẫn khác làm nên nét đặc trưng của làng Nôm là chợ Nôm. Bác Phạm Thị Hiền, một người dân làng Nôm kể, nếu đến làng Nôm vào đúng dịp chợ phiên, sẽ được ngắm vẻ tấp nập của phiên chợ nơi đây. Chợ phiên là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân làng Nôm. Trước kia, chợ Nôm chính là phiên chợ nổi tiếng để trao đổi buôn bán nguyên liệu cho thợ đúc đồng của cả khu vực. Ngày nay, chợ Nôm không còn được sầm uất như trước, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của chợ quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những gian hàng đủ sắc màu cùng với mái ngói đỏ, loang chút rêu phong càng làm nổi bật lên vẻ đẹp của chợ Nôm.

Một góc phiên chợ Nôm. Ảnh: Phương Anh 

Bên cạnh những ngôi nhà cổ và cây cầu đá, ngôi chùa Nôm cổ kính góp phần tạo nên một không gian trọn vẹn mang đậm nét làng quê Bắc Bộ. Ngôi chùa còn có tên khác là Linh thông cổ tự. Theo nhiều tài liệu chữ Hán, chùa được xây dựng trên một đồi thông lớn, thời Hậu Lê. Tuy nhiên, qua phân tích các bức tượng đất nung trong chùa, thì nhiều nhà khảo cổ cho rằng ngôi chùa tồn tại khoảng ngàn năm rồi. Chùa Nôm có kiến trúc Á Đông đậm nét, điển hình của chùa cổ Việt Nam. Trong chùa lưu giữ hơn 100 pho tượng đất nung, điêu khắc tinh xảo. Ngôi chùa rất linh thiêng và được người dân làng Nôm trân quý.

Theo các bậc cao niên trong làng, chùa Nôm được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là "ngôi chùa có nhiều tượng đất cổ nhất Việt Nam". Chùa hiện có 122 pho tượng Phật làm bằng đất, khắc họa những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động của Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ kim cương, Thập bát La hán...

Chùa Nôm. Ảnh: Phương Anh

Làng Nôm còn có một di sản vô cùng đặc biệt, đó là cầu Nôm, chiếc cầu bắc qua sông Nguyệt Đức chảy quanh làng, nối liền làng với chợ và chùa Nôm, cũng là một hình ảnh gây ấn tượng khó quên. Đây là cây cầu đá cổ nhất vùng châu thổ sông Hồng còn lại đến ngày nay. Cầu đá làng Nôm nổi tiếng tới mức người dân khắp xa gần không ai không biết tới những câu ca dao:

Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha

Cầu Nôm gồm 9 nhịp, được ghép bởi những phiến đá xanh, nguyên khối, rộng 2m, gắn khít nhau. Những phiến đá lớn được các nghệ nhân dân gian đục đẽo rất công phu, hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ bằng các hoa văn như vân mây, đầu rồng.

Cầu Nôm. Ảnh: Phương Anh

Trọng tâm của làng Nôm là ngôi đình Tam Giang, tương truyền thờ Đức Thánh Tam Giang, là tướng dưới thời Hai Bà Trưng, có công đánh giặc cứu dân, cứu nước và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống, được vua sắc phong là “Hộ Quốc Phúc Thần”. Trước sân đình là cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tỏa bóng mát cho cả một khoảng sân rộng lớn, gần đó là giếng làng được xếp bằng những vỉa đá đã phủ rêu xanh.

Tại một hội thảo mới đây với chủ đề “Chùa Nôm, làng Nôm - Những giá trị văn hóa và lịch sử cần được bảo tồn” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Lâm phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học khẳng định “Làng Nôm và chùa Nôm là quần thể di tích mang kiến trúc độc đáo của làng Việt cổ, thể hiện đậm nét dấu ấn văn hóa của nền văn minh sông Hồng cần được bảo tồn". 

Theo các nhà khoa học, trải qua các thời kỳ lịch sử, sự tồn tại của di tích chùa Nôm cũng như quần thể di tích tôn giáo, tín ngưỡng và những công trình kiến trúc nhà cổ hiện có tại làng Nôm, đã góp phần tạo nên một thiết chế văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa làng Việt. Hơn nữa, sự tồn tại của những công trình này trong một tổng thể không gian chung của làng quê Bắc Bộ đã góp phần tạo nên những giá trị về mặt kiến trúc, cảnh quan, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa khác. Do đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa này không chỉ là việc riêng của chùa Nôm, làng Nôm.

Để phát huy những giá trị của quần thể di tích, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, mỗi người dân làng Nôm nói riêng và mỗi người dân Hưng Yên nói chung cần am hiểu lịch sử địa phương mình, trong đó có lịch sử hình thành, phát triển của chùa Nôm, làng Nôm, để có thể trở thành người hướng dẫn viên bản địa, nhằm quảng bá những giá trị văn hóa của địa phương, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật