Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việt Nam là nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á với mức cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Cùng đó Việt Nam còn là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.
Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất
Ảnh minh họa

Tăng trưởng kinh tế tại Long An đạt mức cao nhất trong ba năm gần đây

Tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra ngày 25/9/2020 tại Quảng Ninh, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Kết quả tích cực trong phòng, chống đại dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định truyền thống đoàn kết, nhân ái, ý chí kiên cường của dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác tuy chịu ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực của đại dịch Covid-19 nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển ổn định, đạt những kết quả tích cực và có nhiều điểm sáng.

Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét và thảo luận nhiều báo cáo quan trọng về kinh tế và xã hội

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. “Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Đáng chú ý, trong 11 kết quả nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2020 có 2 kết quả thuộc về ngành Công Thương được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu trong báo cáo tại phiên họp. Cụ thể, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%. Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, trong đó có ngành điện tử, dược, vật tư y tế, chế biến thực phẩm, hó‌a chấ‌t, chế biến gỗ…

“Vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nước được phát huy, là một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn ngành công nghiệp” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Cùng đó xuất khẩu tăng, xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 8 tháng tăng 15,3%. Đồng thời, các cấp các ngành chú trọng nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

“Chúng ta đã đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo bước tiến mới, thực chất với việc thông qua các Hiệp định EVFTA và EVIPA; đẩy mạnh triển khai Hiệp định CPTPP; mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhận định, các hiện định CPTPP và EVFTA góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế

Năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra trên toàn cầu có tác động rất lớn đối với đất nước ta, nhất là việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế năm 2020 đã được Quốc hội giao từ đầu năm và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Năm 2020, dự báo một số chỉ tiêu lớn của ngành Công Thương như sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 3-4% (kế hoạch tăng 8-9%); xuất khẩu ước đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019 (kế hoạch tăng 7-8%); nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm 2019. Thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 7 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 4.986 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,92% so với năm 2019.

5 kết quả nổi bật của ngành Công Thương

Báo cáo của Bộ Công Thương tại phiên họp cho biết, mặc dù kết quả của năm 2020 có ảnh hưởng tới thực hiện Kế hoạch chung của toàn giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên với những thành tích đạt được trong các năm đầu của thời kỳ kế hoạch, phát triển ngành Công Thương và tái cơ cấu ngành cơ bản đạt được các kết quả tích cực.

Thứ nhất, ngành Công Thương cơ bản đạt được các chỉ tiêu kế hoạch phát triển ngành đã đặt ra. Theo đó tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp ước tăng 7,08% (vượt mục tiêu đặt ra 6,5 - 7,0%/năm); tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 10,5% (cao hơn mục tiêu hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao là 7-8%); nhập khẩu kiểm soát tốt với thặng dư thương mại được duy trì trong suốt thời kỳ kế hoạch (Quốc hội giao nhập siêu dưới 3-3,5%); thị trường trong nước ngày càng được mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 9,1%; công tác hội nhập quốc tế về kinh tế được tăng cường với 2 FTA quan trọng đã được ký kết (CPTPP và EVFTA).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng dự Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thứ hai, quá trình tái cơ cấu ngành ngày càng đi vào thực chất và hướng vào lõi công nghiệp hóa. Công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (từ 13,7% năm 2015 lên 16,48% năm 2019 và dự kiến 16,9% trong GDP) và giảm dần ngành khai khoáng (từ 9,6% năm 2015 xuống 6,72% năm 2019 và dự kiến 6,1% trong GDP); ngành điện có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sử dụng năng lượng xanh và sạch hơn với tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; tổn thất điện năng ngày càng giảm, còn 6,5% vào năm 2019 (vượt mục tiêu là dưới 8%).

Nhằm góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng khoảng 6-6,5%, ngành Công Thương phấn đấu trong năm 2021 đạt mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8-9%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,74% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu, với mức thặng dư thương mại tương đương năm 2020…

Bên cạnh đó, xuất khẩu chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần các ngành khoáng sản và tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao (từ 41,4% năm 2015 lên 49,5% vào năm 2019); tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng nhanh (từ 28,5% năm 2016 lên khoảng 31,4% năm 2020; thị trường trong nước phát triển nhanh với sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, đưa Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử với với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 27%/năm.

Thứ ba, các cân đối lớn của ngành cơ bản được bảo đảm. Cân đối ngoại thương đạt thặng dư liên tục trong suốt thời kỳ kế hoạch và ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2019 với 10,87 tỷ USD; cân đối cung - cầu năng lượng cơ bản được bảo đảm, trong đó ngành điện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân với độ tin cậy của cung cấp nguồn điện và lưới điện với chất lượng ngày càng được cải thiện; cân đối cung cầu hàng hóa trong nước cơ bản được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, bảo đảm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ tư, hệ thống hạ tầng của ngành phát triển tương đối đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng nguồn và lưới điện được đầu tư khá toàn diện, đảm bảo cơ bản độ tin cậy về cung cấp nguồn điện và góp phần đưa được điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của tổ quốc từ vùng sâu, vùng xa tới biên cương, hải đảo và cơ bản hoàn thành công tác điện khí hóa nông thôn; hạ tầng thương mại phát triển nhanh, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, mở cửa, tạo kênh phân phối thông suốt.

Thứ năm, công tác cải cách thể chế đặc biệt được chú trọng. Bộ Công Thương đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số luật quan trọng như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Khoáng sản; Luật Điện lực; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Cạnh tranh sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…, qua đó, đã hình thành được một khung khổ cơ bản các Bộ luật điều chỉnh mọi mặt của nền kinh tế và tạo thuận lợi cho phát triển ngành Công Thương; góp phần hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, bảo đảm khung pháp lý ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

Bộ Công Thương đã cắt giảm được 880/1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 72,37%), trở thành một trong những Bộ đi đầu về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tăng “chất” cho các giải pháp tăng trưởng

Tại phiên họp, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng, kinh tế nước ta là nền kinh tế tương đối mở nên dễ bị tổn thương, nghĩa là những biến động của thế giới sẽ ảnh hướng rất nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế. Năm nay, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng toàn diện; chiến tranh thương mại làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; biến đổi khí hậu… “Điểm sáng là kinh tế hội nhập, vừa qua chúng ta đã thúc đẩy triển khai CPTPP, rồi phê chuẩn EVFTA… và đã có những tín hiệu đầu tiên rất tốt” - ông Nguyễn Mạnh Tiến nhận định.

Ông Tiến cho rằng, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi bản chất thương mại và đầu tư và có hiện tượng dòng đầu tư thương mại toàn cầu có xu hướng quay trở về các nước phát triển. Thách thức đối với chúng ta là Covid-19 còn kéo dài, thì đường đi thế nào cho đúng, con đường chúng ta chung sống với dịch như thế nào rất cần được làm rõ trong các giải pháp tới đây.

Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Lê Hải Đường - Phó viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội - chia sẻ, về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, ước thực hiện khoảng 1%, thấp hơn so với mục tiêu của năm 2020 là khoảng 7%. Vì vậy, cần đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp vào xuất khẩu 9 tháng và khả năng thực hiện những tháng cuối năm, bao gồm cả khu vực FDI và khu vực trong nước.

Đồng thời, trong thời gian tới, cần rà soát, đánh giá hiệu quả và dự báo tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia để có giải pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu hướng đến cân bằng thương mại bền vững.

TS. Đường cũng đề xuất cần chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại. Tập trung phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng mạng lưới phân phối theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước.

Nhận định tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 2% là rất thành công, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 3 mặt được rất quan trọng trong năm 2020. Trước hết, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục nền kinh tế. “Tạp chí Politico của Mỹ vừa đưa ra xếp hạng về 31 quốc gia thực hiện mục tiêu kép: “Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, Việt Nam đứng đầu trong 31 nước đó”- TS. Lực thông tin. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại của chúng ta đã hoàn thành tất cả các cuộc họp quan trọng và khả năng kiểm soát rủi ro bất ổn về tài chính tiền tệ được tăng cường.

Tuy nhiên, quan điểm của TS. Lực là vẫn cần phải “làm kỹ hơn về chất lượng tăng trưởng”. Ví dụ, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, rõ ràng từ nay về sau vấn đề chuyển đổi số rất quan trọng, do đó cần lượng hóa báo cáo thống kê như thế nào.

Bởi nếu Việt Nam thúc đẩy hành lang tốt cho phát triển kinh tế số thì GDP sẽ tăng lên 1,1 điểm phần trăm hàng năm từ nay cho đến năm 2035. Ngoài ra, cần bổ sung, đánh giá kỹ hơn về các gói hỗ trợ; tìm kiếm những động lực tăng trưởng trong thời gian tới; chọn ra thứ tự ưu tiên phát triển, trong đó ưu tiên số một là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tăng khả năng chống chịu các cú sốc từ nước ngoài...  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật