Tiêu dùng thực phẩm thông minh giữa dịch Covid-19: Thay đổi thói quen để bảo đảm an toàn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thói quen tiêu dùng thực phẩm có phần dễ dãi của một bộ phận người dân như ưa chuộng thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc hay phương pháp chế biến của từng loại thực phẩm đang dần thay đổi trước tác động lớn của dịch Covid-19.
Tiêu dùng thực phẩm thông minh giữa dịch Covid-19: Thay đổi thói quen để bảo đảm an toàn
Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP (giấy chứng nh

Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đã, đang và sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm của người dân theo hướng an toàn, thông minh.

Hạn chế lê la hè phố

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống thực hiện các biện pháp phòng dịch bằng việc sắp xếp bàn ăn bảo đảm khoảng cách tối thiểu; nhân viên chế biến thức ăn phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với khách hàng... Yêu cầu này đối với các nhà hàng lớn sẽ không có gì khó khăn, tuy nhiên với những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thì không dễ thực hiện.

Chị Trịnh Quỳnh Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước kia chị rất thích thưởng thức món ăn đường phố ở Hà Nội song từ khi có dịch, chị không dám tới những nơi này vì lo ngại hàng quán không bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch do diện tích kinh doanh nhỏ, khoảng cách ngồi quá gần, người bán hàng đa phần chưa có ý thức đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến, giao dịch với khách hàng...

Còn chị Đào Minh Trang (phố Tố Hữu, Hà Nội) chia sẻ: “Sự tiện lợi của các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố khiến tôi hay “tặc lưỡi” sử dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành như hiện nay, có lẽ tôi cần thay đổi thói quen”. Theo lời chị Trang, quán ăn đường phố là nơi có rất nhiều thực khách vãng lai, không phải khách quen, giả sử có người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì rất khó xác định nguồn lây. Chưa kể việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nguyên tắc phòng dịch tại các quán ăn đường phố thực sự đáng lo ngại. “Người bán hàng dùng tay không bốc thức ăn, bát đũa chỉ được “tráng” qua nước, cốc uống nước chạm miệng hết người này tới người khác mà không chắc đã được vệ sinh cẩn thận. dịch sẽ lây lan rất nhanh nếu không may có bệnh nhân Covid-19 ghé qua”, chị Trang nhận xét.

Quan tâm nguồn gốc thực phẩm

dịch bệnh khiến nhiều người “quay lưng” với các quán ăn hè phố, trở về với bữa cơm gia đình, với sự lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm của các cơ sở đạt chuẩn.

Kinh doanh thực phẩm sạch đã 2 năm nay, chị Cao Thị Hậu (trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết, cửa hàng thực phẩm hữu cơ của chị nhiều khi “cung không đủ cầu” bởi nhu cầu của khách hàng rất cao mà nguồn thực phẩm chất lượng lại có hạn. Thực phẩm ở cửa hàng của chị được lấy từ nhiều tỉnh, thành cả nước, có cả thực phẩm nhập khẩu, chủ yếu là các mặt hàng như thịt, rau củ quả, hải sản..., tất cả đều có xuất xứ rõ ràng. “Tuy các loại thực phẩm hữu cơ có giá thành cao hơn những loại thực phẩm thông thường nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả để bảo đảm sức khỏe cho gia đình. Để khách hàng tin tưởng, tôi công khai nguồn gốc xuất xứ, đồng thời dán tem QR code để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm cùng những thông tin cơ bản”, chị Hậu chia sẻ thêm.

Để có thể lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các chuyên gia cho rằng người dân cũng cần trang bị kiến thức về vấn đề này. Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế hoặc giấy chứng nhận VietGAP (hoặc giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác). Cũng theo ông Hùng, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm rau quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp, và nên lựa chọn thực phẩm ở những địa chỉ cung cấp uy tín.

Ông Nguyễn Duy Thịnh (viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, người tiêu dùng có thể dựa vào màu sắc để chọn thực phẩm. Theo đó, rau củ quả tươi có màu sắc tự nhiên, không bị héo úa, không có màu sắc bất thường. Hiện nay, rất nhiều thương lái vì lợi nhuận nên sử dụng hó‌a chấ‌t để rau củ quả được tươi lâu. “Thông thường, rau củ quả tươi có mùi đặc trưng của từng loại. Còn khi ngửi mà nhận thấy có mùi lạ, mùi hắc, mùi thuốc sâu hay hó‌a chấ‌t thì đó là rau củ quả có hại, cũng có thể là đã cũ và được người bán nhúng qua hó‌a chấ‌t”, ông Thịnh khuyến cáo. Ngoài ra, theo các chuyên gia, người tiêu dùng không nên chọn mua rau củ quả đã được gọt, thái sẵn và ngâm nước ở ngoài chợ, vì rất có thể đó là những loại đã hỏng hoặc để lâu, người bán muốn tận dụng những phần còn dùng được để bán.

Ở khía cạnh dinh dưỡng, bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra lời khuyên: Để nâng cao sức khỏe bản thân, chống lại sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tươi và sử dụng trong ngày; hơn nữa, cần lưu ý là càng để lâu thì lượng vitamin có trong rau củ quả càng giảm, bất kể là được bảo quản trong tủ lạnh hay ở ngoài. Bà Lâm cũng khuyến cáo, rau quả đã chế biến tốt nhất là ăn hết trong một bữa, tránh để lại ngày hôm sau hoặc đun lại nhiều lần, đặc biệt là với các loại rau hẹ, củ cải, rau diếp bởi lượng nitrat trong các loại rau này sẽ chuyển thành nitrit gây hại. Đối với những món dưa cải muối thì cần chờ thực sự chín mới ăn bởi lẽ khi chưa chín, hàm lượng nitrit tồn dư sẽ khiến c‌ơ th‌ể mệt mỏi, uể oải, thậm chí có nguy cơ gây ung thư.

Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay, việc nhìn nhận lại thói quen tiêu dùng của mình để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp là điều tốt nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình cũng như phòng dịch Covid-19.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm):

Trước khi sử dụng, rửa rau củ quả là việc quan trọng. Hiện nay, một số người dùng nước muối, pha thuốc tím hoặc các loại hó‌a chấ‌t rửa rau an toàn được quảng cáo trên thị trường để rửa thực phẩm. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này, rau xanh hoặc quả tươi chỉ được làm sạch một phần, chủ yếu là loại bỏ một số chất bẩn, hó‌a chấ‌t, vi khuẩn, còn ký sinh trùng gây bệnh thì rất khó làm sạch.

Nếu dùng nước pha với muối, thuốc tím hoặc hó‌a chấ‌t tẩy sạch có nồng độ cao thì rau xanh sau khi rửa sẽ bị bầm dập, bớt xanh tươi, mùi vị có thể thay đổi. Vì vậy, nên chọn cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn. Đó là rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch chảy mạnh, cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng lá, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng. Với các loại rau có lá nhỏ thì phải rửa nhiều lần trong chậu với nước sạch. Quả tươi cũng cần được rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch, trước khi ăn nên gọt vỏ...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật