Làm lúa kiếm 500 nghìn đồng mỗi sào để ‘yên tâm’

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau bao nhiêu công đoạn mỗi sào lúa lời được vài trăm nghìn, tôi tự hỏi người ta trồng lúa vì điều gì.
Làm lúa kiếm 500 nghìn đồng mỗi sào để ‘yên tâm’
Ảnh minh họa

Quê tôi, từng được gọi bằng cái mĩ từ, "vựa lúa của miền Trung" với cánh đồng Tuy Hòa bát ngát, cò bay thẳng cánh được tưới tắm quanh năm bởi hệ thống kênh chính Bắc, kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam xây từ thời Pháp thuộc.

Cho đến nay, hai hệ thống kênh vẫn xanh trong màu nước, lúa thóc vẫn còn bạt ngàn dù theo xu thế đô thị hóa, một phần đất đai đã được san lấp để xây dựng các công trình dân sinh công cộng hay khu dân cư. Tuy ruộng đồng bát ngát nhưng bữa nay, về đến nhà, chẳng còn nghe mấy người nói đến chuyện làm ruộng. Không phải vì họ đã tuyệt giao với đất đai mà vì làm lúa khỏe re, có gì mà kể.

Từ cày vỡ đất, băm bang, chải bờ cuốc góc đến gieo sạ đều có máy móc làm hết. Đến cái đoạn bón phân, xịt thuốc mới cần thủ công thì thôi, thuê đại đi chớ làm chi cho lấm bùn. Rồi khi thu hoạch thì dù lúa đứng hay lúa ngã đều có máy gặt đập liên hợp. Trên cái máy đó, người ta cho lúa sạch vô bao, chở vào tận bờ lớn. Từ bờ lớn, lại có xe chở về tận nhà. Về đến nhà rồi thì đổ ra phơi. Mình muốn thì hốt, không muốn thì cứ gọi người mua lúa, họ tự hốt, tự cân và trả tiền cho mình. Xong hết bao nhiêu công đoạn đó, cô tôi sẽ ngồi và lẩm nhẩm tính, cứ làm lúa mỗi năm hai vụ, năm nào lúa được mùa, mỗi sào kiếm được 400-500 nghìn đồng.

Còn như trúng gió bão, chuột bọ tiền bán lúa chỉ đủ chi phí thuê công cán, giống má, thuốc men, phân bón... Nghe ba tháng kiếm được vài trăm ngàn, tôi hỏi, ủa, vậy người ta làm lúa để làm gì?

Thì ra, làm lúa chỉ để yên tâm, để chắc mẩm mình có vài bao lúa trong nhà phòng khi đói thì cứ lấy gạo đó, nấu lên rồi ăn qua quýt với mấy thứ rau cỏ trong vườn. Quan trọng là có cơm, còn thì ăn với gì chẳng được. Chỉ có một số rất ít người làm lúa để làm giàu. Mà ở làng tôi, số này chỉ đếm trên đầu ngón tay và chính họ cũng thừa nhận là thay vì thuê mướn, họ tự làm từ đầu đến cuối, kiểu như lấy công làm lời để khỏi phải đi làm thuê cho người khác.

Tôi từng hỏi vài người, tại sao cứ nhất nhất phải trồng cây lúa mà không trồng cây gì khác có giá trị kinh tế cao để người dân có thu nhập, không còn nghĩ đến cái đói. Người có chức sắc nói rằng, vì chúng tôi là vựa lúa miền Trung, phải đảm bảo an ninh lương thực cho cả vùng nên dù thế nào cũng quyết giữ cây lúa... Câu trả lời ấy tôi cho là chưa thỏa đáng.

Mới đây, khi về một xã làm nông nghiệp, thấy báo cáo có khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở những cây trồng mới nên tôi muốn được tìm hiểu thêm để viết bài. Tuy nhiên, câu trả lời lại là đa số, những mô hình đó đều đã tạm dừng, không còn triển khai nữa. Vì sản phẩm có làm tốt đến đâu thì không có đầu ra vẫn chịu.

Điều này khác hoàn toàn với cây lúa, dù là cây truyền thống nhưng có bao nhiêu vẫn được tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tôi tán đồng vô cùng với câu trả lời này. Năm 2015, khi đến Phú Yên, GS Nguyễn Lân Dũng có làm việc với Sở Khoa học- Công nghệ. Khi bàn về hướng phát triển cho nông nghiệp Phú Yên, GS cho rằng nền nông nghiệp cần phát triển theo hướng: "Ứng dụng kỹ thuật mới, phát triển những cây trồng mới giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng cây lúa, cây chủ lực của vùng đồng bằng Tuy Hòa không mạnh bằng miền Nam vì căn bản, đất ở vùng đồng bằng ven biển, trung du như Phú Yên phù hợp hơn với những cây họ đậu".

Biết vậy nhưng người dân trên cánh đồng Tuy Hòa vẫn một lòng chung thủy với cây lúa. Dù rằng, thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, Phú Yên vẫn chưa có được những giống lúa hiệu quả cho năng suất chất lượng cao và có khả năng xuất khẩu. Với tình hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất những cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với chế biến là rất khó khăn, nhất là khó về đầu ra.

Vì vậy, khi những khẩu hiệu rần rần qua đi, người ta lại quay về với cây lúa, dù ít lợi nhuận, giá trị không cao. Đơn giản vì trồng lúa thì bán được, còn trồng những cây khác thì không. Và có cảm giác, người làm lúa quê tôi chỉ để yên tâm chứ không thể nghĩ đến phát triển kinh tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật