Đông Nam Á nín thở giữa tâm dịch

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bóng đá Việt Nam, Thái Lan và nhiều nước Đông Nam Á khác đang phải nghĩ cách đối phó với dịch Covid-19 trong lần bùng phát thứ hai năm nay.
Đông Nam Á nín thở giữa tâm dịch
Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot đeo khẩu trang khi điều hành các phiên họp. Ảnh: FAT.

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ hai này, Thái Lan dẫn đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm mới, và là một trong 5 nước đứng đầu châu Á, cũng như lọt top 20 thế giới.

Tuy nhiên, LĐBĐ Thái Lan (FAT) không vì thế mà chểnh mảng trong việc chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Họ đã làm việc với Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao, xin suất đặc cách cho HLV Akira Nishino cùng khoảng 80 cầu thủ nước ngoài được nhập cảnh.

Trước đó, FAT cùng các CLB Thai League đều thống nhất rằng giải đấu số một Thái Lan sẽ trở lại vào tháng 9. Để đạt đúng kế hoạch, các đội cần hội quân từ tháng 8, và việc nhập cảnh ngoại binh, như yêu cầu của FAT, là điều không thể tránh.

Với cá nhân HLV Nishino, FAT từng nhiều lần đánh tiếng muốn nhà cầm quân người Nhật trở lại xứ chùa vàng sớm hơn. Nhưng do những rào cản từ chính Nhật Bản và chính phủ Thái Lan, họ chưa được như ý.

Lần này, khi ở thế chân tường và không thể lùi kế hoạch, lãnh đạo bóng đá Thái Lan mới tìm mọi cách để đội tuyển có nguồn lực mạnh nhất. Ngoài HLV Nishino, FAT cũng muốn các cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài như Chanathip có mặt trong danh sách đội tuyển tại vòng loại World Cup 2022.

Thực tế, không riêng gì Thái Lan, nhiều nước Đông Nam Á khác cũng phải gánh chịu hậu quả từ đợt bùng phát lần này. Malaysia và Philippines đều đang lo chống dịch, thậm chí một số quan chức còn đề xuất khả năng lùi AFF Cup 2020 sang năm 2021 để tiện việc tổ chức cũng như nâng cao chất lượng giải đấu.

Trong nguy có cơ, và Myanmar đã tranh thủ chuyện các nước láng giềng bị dịch bệnh ảnh hưởng để hưởng lợi.

Theo tinh thần chỉ đạo của LĐBĐ châu Á (AFC), các trận còn lại của AFC Champions League và AFC Cup mùa này có thể được chuyển hết về một quốc gia, giống như châu Âu đã làm với các giải đấu của họ để dễ bề kiểm soát dịch bệnh. Hiện Myanmar chưa bùng phát dịch trở lại, và CLB Yangon United - cùng bảng với TP.HCM - đã xin đăng cai tổ chức toàn bộ 3 vòng còn lại.

Yangon đang cạnh tranh quyết liệt với TP.HCM cho vé đi tiếp. Họ từng hòa 2-2 trên đất Myanmar, và xác định sẽ có chuyến đi khó khăn tới Việt Nam vào tháng tới ở trận lượt về. Tuy nhiên, do TP.HCM đã có bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, còn V-League đang tạm hoãn, AFC nghiêng về phương án chuyển địa điểm thi đấu để đảm bảo an toàn cho cầu thủ.

Tại giai đoạn lượt đi, cả hai đại diện Việt Nam là TP.HCM và Than Quảng Ninh phải đá đủ 3 trận sân khách. Đó là vào tháng 3, khi đại dịch đang hoành hành dữ dội trong nước.

Nếu không thể đá một trận nào trên sân nhà, TP.HCM và Quảng Ninh sẽ gặp bất lợi không nhỏ trên hành trình châu lục, dù chính TP.HCM đang đứng đầu bảng đấu.

Covid-19 đã thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống, và bóng đá, cho tới lúc này cũng không thể là ngoại lệ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật