Không quân Nhật gặp sức ép không ngừng từ máy bay Trung Quốc xâm nhập

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lực lượng phòng không Nhật Bản tiến hành gần 1.000 chuyến xuất kích ngăn chặn máy bay nước ngoài xâm nhập vùng trời trong năm 2019, nhiều hơn bất cứ quốc gia phương Tây nào.
Không quân Nhật gặp sức ép không ngừng từ máy bay Trung Quốc xâm nhập
Máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải Y-9 của Trung Quốc do phi công Nhật Bản chụp lại. Ảnh: Lực lượng phòng không Nhật Bản.

Ít nhất 2 lần mỗi ngày, các phi công chiến đấu cơ Nhật Bản lại nghe tiếng còi báo động vang lên. Từ phòng chờ, các phi công lao ra máy bay, sẵn sàng đánh chặn những cuộc xâm nhập không xác định nguồn gốc vào vùng trời Nhật Bản, theo CNN.

Trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 3 vừa qua, Lực lượng phòng không Nhật Bản đã 947 lần phải ngăn chặn các vụ xâm nhập trên không. Thủ phạm trong hầu hết vụ xâm nhập là máy bay thuộc Không quân Trung Quốc.

Các cuộc đụng độ với máy bay Trung Quốc

Trung tá Takamichi Shirota là phi công điều khiển chiến đấu cơ trong Lực lượng phòng không Nhật Bản. Shirota cho biết Nhật Bản đang đứng trước sức ép ngày càng gia tăng từ các vụ xâm nhập trên không, chủ yếu từ Trung Quốc và Nga.

"Số chuyến bay ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng trời đang gia tăng nhanh chóng trong 10 năm qua, đặc biệt ở khu vực vùng trời Tây Nam. Khoảng 70% hoạt động ngăn chặn của lực lượng phòng không hàng năm diễn ra tại khu vực này", Trung tá Shirota nói.

Tây Nam Nhật Bản là khu vực bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chuỗi đảo không có người sinh sống hiện thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Khu vực Tây Nam cũng bao gồm đảo Okinawa, nơi đặt căn cứ không quân Kadena của Mỹ. Nơi này được mệnh danh là "Hòn đá tảng Thái Bình Dương", nơi nhiều máy bay Mỹ xuất kích để bay tới vùng trời phía trên Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền 90% diện tích.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hồi tháng 3 công bố một bản đồ cho thấy hành trình các chuyến bay từ phía Trung Quốc và Nga, dẫn tới các hoạt động can thiệp của máy bay chiến đấu Nhật Bản.

Các chuyến bay của Trung Quốc được đánh dấu màu đỏ. Trên bản đồ, chúng dày đặc tới mức biến biển Hoa Đông, vùng nước giữa Nhật Bản và Trung Quốc, trở thành biển màu đỏ.

Trong tổng số 675 lần tiêm kích Nhật Bản xuất kích ngăn chặn trong năm vừa qua, máy bay Trung Quốc chưa lần nào đi vào không phận phía trên lãnh hải 12 hải lý của Nhật Bản được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Mặc dù vậy, Tokyo tuyên bố các máy bay Trung Quốc thường xuyên xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản.

Gánh nặng không ngừng

Trung tá Shirota năm nay đã 40 tuổi là chỉ huy Phi đội tiêm kích chiến thuật 204 của Lực lượng phòng không Nhật Bản, đóng quân tại căn cứ Naha trên đảo Okinawa. Shirota và các phi công trong đơn vị của mình duy trì tình trạng báo động 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, chỉ để ngăn chặn hoạt động xâm nhập của máy bay Trung Quốc.

Dù chưa xảy ra vụ nổ súng nào giữa máy bay hai nước, Trung tá Shirota thừa nhận công việc của các phi công Nhật Bản luôn căng thẳng.

"Chúng tôi luôn túc trực trong trạng thái căng thẳng. Tình trạng tương tự xảy ra khi đã ở trên không. Luôn phải duy trì cảnh giác cao độ, bởi chúng tôi không bao giờ biết sẽ đối mặt điều gì khi ở trên không. Chúng tôi có thể chỉ quan sát họ rời đi, hoặc có thể phải đối đầu với họ", Trung tá Shirota nói.

Theo CNN, không quốc gia phương Tây nào tiến hành ngăn chặn các cuộc xâm nhập trên không có tính chất thù địch nhiều bằng Nhật Bản. Tổng số chuyến bay ngăn chặn mà không quân 27 quốc gia thành viên của NATO ở châu Âu tiến hành năm 2019 chưa bằng 50% các chuyến bay của Lực lượng phòng không Nhật Bản.

tiêm kích F-15J của Nhật Bản. Ảnh: Getty.

"Trong 12 tháng của năm 2019, máy bay NATO cất cánh khoảng 430 lần để ngăn chặn các máy bay không xác định bay vào hoặc bay gần không phận NATO", Trung tá Michael Wawrzyniak thuộc Không quân Đức cho biết.

Ở bên kia Đại Tây Dương, máy bay Mỹ và Canada, thuộc Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), tiến hành trung bình chỉ 7 hoạt động ngăn chặn tính từ năm 2007. Thậm chí, số vụ ngăn chặn trên không bằng 0 vào một số năm, Đại tá Cameron Hillier, người phát ngôn NORAD, cho biết.

Nhà phân tích Peter Layton của viện nghiên cứu Griffith Asia, cựu phi công thuộc Không quân hoàng gia Australia, cho rằng sức ép trên không mà Trung Quốc gây ra cho Nhật Bản là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Bắc Kinh.

"Tôi tin rằng Trung Quốc đang tìm cách khiến Lực lượng phòng không Nhật Bản mất cân bằng và khả năng phản ứng, làm hao mòn các máy bay và phi hành đoàn, tạo ra áp lực thường nhật lên phía những người đang kiểm soát quần đảo tranh chấp", ông Layton nói.

Trong một bài viết năm ngoái, chuyên gia Layton cho rằng Trung Quốc đang gây sức ép nhằm đẩy Lực lượng phòng không Nhật Bản tới giới hạn.

"Điều đáng quan ngại là Trung Quốc có số tiêm kích nhiều gấp 6 lần Nhật Bản, và có thể tăng cường hoạt động xâm nhập nếu thấy thích hợp. Tuổi thọ của phi đội F-15J Nhật Bản giờ hầu như phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc", ông Layton nói.

Nỗ lực mở rộng phi đội tiêm kích

Bất chấp gánh nặng quân sự, Nhật Bản tin rằng cần có phản ứng kịp thời mỗi khi xuất hiện máy bay xâm nhập. Mức độ phản ứng của Nhật Bản trước sự đe dọa từ Trung Quốc cũng đang được tăng cường.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết máy bay Nhật Bản giờ cất cánh gần như ngay khi máy bay Trung Quốc rời khỏi căn cứ ở đại lục trong phạm vi bao phủ của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, Nhật Bản chỉ triển khai lực lượng khi máy bay Trung Quốc cho thấy đường đi hướng về phía vùng trời Nhật Bản.

Trong sách trắng quốc phòng năm 2020 mới công bố, Tokyo nhấn mạnh sức ép của Bắc Kinh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phác thảo tiêm kích F-3 Nhật Bản đang phát triển. Ảnh: CNN.

Nhật Bản đang phát triển máy bay tiêm kích tàng hình F-3, đồng thời mua nhiều tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo. Đây là các khí tài có năng lực tương đương hoặc vượt trội so với máy bay chiến đấu mà Trung Quốc đang sở hữu.

Mặc dù vậy, dự án phát triển tiêm kích F-3 vẫn cần nhiều năm để hoàn tất, trong khi việc nhập khẩu F-35 cũng cần thời gian để giúp phi đội này đạt tới số lượng đủ sức đương đầu với lợi thế quân số của Trung Quốc trong khu vực. Trong thời gian đó, Lực lượng phòng không Nhật Bản cùng các phi công như Shirota tiếp tục phải căng mình.

"Nhật Bản được bao quanh bởi đại dương. Nguy cơ xâm nhập có thể đến từ trên không hoặc trên biển. Nếu vụ xâm nhập từ trên không, nó sẽ xảy ra rất nhanh chóng", Trung tá Shirota nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật