Tin Ngư nghiệp: Cá trỏng Nghệ An chạm mức giá kỷ lục

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá cá trỏng (cá cơm) tăng kỷ lục lên 17.000 đồng/kg, tạo điều kiện cho ngư dân Nghệ An tăng thêm thu nhập sau mỗi chuyến biển.
Tin Ngư nghiệp: Cá trỏng Nghệ An chạm mức giá kỷ lục
Cá trỏng được đóng đầy khay trên mỗi con tàu sau những chuyến biển. Ảnh: Quang An

Xem Video: Xăng tăng giá, tàu cá… nằm bờ

Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu trong những ngày này luôn nhộn nhịp tàu cá về, những khay cá đầy ắp được vận chuyển vào bờ, thương lái thu mua ngay tại chỗ. Trong đó sản phẩm cá trỏng tăng giá kỷ lục, khiến bà con ngư dân phấn khởi.

Lão ngư Hồ Sỹ Hậu, ở xã Quỳnh Nghĩa cho hay, chuyến biển vừa qua tàu của lão đánh bắt được 11,1 tấn hải sản các loại, trong đó cá cơm được hơn 5 tấn, còn lại là cá tạp.

Do cá cơm tăng giá từ 10.000 lên 14.000 đồng/kg, thậm chí 17.000 đồng/kg (loại tươi ngon) nên có lãi cao.

Ông Chu Văn Tấn - Trưởng Cảng cá Lạch Quèn cho biết thêm: Mặc dù giá cá trỏng tăng khá mạnh trong thời gian qua, nhưng sản lượng đánh bắt được không nhiều.

Nguyên nhân có thể do thời tiết nắng nóng kéo dài, biển không được đổi dòng, nên cá ít. Do vậy, số lượng tàu đánh bắt được từ 10 tấn trở lên/chuyến rất ít, phần lớn từ 3 - 5 tấn. 

Theo ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), cá trỏng trước đây thương lái chỉ mua với giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng nay tăng lên 17.000 đồng/kg là cao kỷ lục.

Tuy nhiên, để có giá 17.000 đồng/kg, đòi hỏi cá phải tươi, đều con. Còn lại phổ biến từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, vẫn cao hơn trước nhiều giá.

"Dịp này là mùa đánh bắt cá trỏng, lại được giá, nên bà con ngư dân tích cực bám biển để có thêm thu nhập. Cá trỏng được các doanh nghiệp thu mua về chế biến phơi khô chủ yếu để xuất khẩu" - ông Phan Văn Hải cho hay.

Nguyên nhân sản phẩm cá trỏng tăng giá trong thời gian này, theo một số thương lái nhận định, do các nước Trung Quốc, Lào... tăng cường nhập loại cá này để dự trữ trong quá trình phòng dịch Covid-19, nên nhu cầu tăng cao.

Quảng Ngãi: Ấm no ở "xóm cá chuồn"

Khu dân cư (KDC) số 19 và 20, thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn), hầu hết người dân nơi đây đều mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá chuồn cồ, ở ngư trường Trường Sa. Vì thế, nhiều người thường gọi hai KDC này bằng cái tên dân dã là... “xóm cá chuồn”.

 Nghề lưới chuồn ở thôn Định Tân, xã Bình Châu đem lại việc làm cho lao động nhàn rỗi.

Người dân ở “xóm cá chuồn” bảo, nghề lưới chuồn là nghề cha truyền con nối, gắn bó với họ đã mấy mươi năm nay.

Tuy nhiên, nghề lưới chuồn bây giờ khác với thời trước ở chỗ, nếu như ngày trước, ngư dân địa phương chỉ đánh bắt cá chuồn nhỏ ở vùng lộng, thì hơn hai mươi năm nay ngư dân mạnh dạn đóng thuyền lớn đi đánh bắt cá chuồn cồ (loại có kích thước to gấp 3 - 4 lần cá chuồn thường) ở tận ngư trường quần đảo Trường Sa. 

Nhẩm tính về thời gian gắn bó với nghề lưới chuồn của gia đình, bà Bùi Thị Tập cho biết: “Các thế hệ trong gia đình tôi đã làm nghề lưới chuồn được 60 năm nay. Đầu tiên là chồng tôi, tiếp sau đó là đến các con. Tôi có 3 người con, thì cả 3 đứa đều nối nghiệp cha làm nghề lưới chuồn.

Đứa lớn và đứa giữa vừa sắm được tàu riêng sau hơn mười năm tích cóp, còn đứa út thì vẫn đang làm bạn chài trên tàu lưới chuồn của các anh trai”.

Nhiều thành viên trong gia đình cùng làm nghề lưới chuồn là “điểm chung” tại “xóm cá chuồn”. Là nghề truyền thống tại làng chài, nên hầu hết các gia đình ngư dân ở đây, nhà nào cũng có từ 2 - 3 thành viên theo đuổi nghề lưới chuồn.

Theo lão ngư Dương Văn Diên, một ngư dân làm nghề đánh bắt cá chuồn cồ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1988, thì so với các nghề biển khác, nghề cá chuồn có thu nhập khá ổn định, vì sản lượng và giá cá ít khi biến động.

Sau 17 - 20 ngày vươn khơi, mỗi tàu thường đánh bắt được 5 - 6 tấn, còn tàu nào "trúng mánh" thì được 8 - 10 tấn. Vào tháng 10 - 12 âm lịch, giá cá chuồn cồ dao động từ 60 - 70 nghìn đồng/kg, mỗi tàu thu về tầm 300 - 500 triệu đồng.

Các tháng còn lại, dù giá cá chỉ còn phân nửa, nhưng mỗi ngư dân trên tàu cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển.

Ngư dân làm nghề lưới chuồn tại thôn Định Tân thường bắt đầu mùa đánh bắt từ giữa tháng 10 âm lịch, đến tháng 6 âm lịch năm sau. Khi ngư trường truyền thống có gió Tây Nam xuất hiện, cũng là lúc ngư dân về bờ, nghỉ biển tầm 3 tháng để bảo dưỡng tàu và lưới cụ.

Đó cũng chính là thời điểm mà các lao động nhàn rỗi tại “xóm cá chuồn” bước vào mùa ăn nên làm ra.

"Tôi nhận vá lưới cá chuồn thuê với giá một ngày là 170 nghìn đồng. Công việc này thuận tiện ở chỗ, chúng tôi vừa được làm việc tại xóm, vừa có thể linh động thời gian để đón con, đón cháu, chăm lo cho gia đình”, bà Lê Thị Cùng chia sẻ. 

Gần 30 phụ nữ tại “xóm cá chuồn” đã hình thành nên các đội vá lưới chuồn, chuyên nhận vá lưới thuê cho các chủ tàu, thuyền viên tại đây.

Công việc này không chỉ mang lại thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng cho mỗi chị em vào mùa cao điểm khi tàu cá chuồn nằm bờ, mà còn tạo việc làm và thu nhập đều đặn từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng vào các tháng còn lại.

Khánh Hoà: 187 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, thông báo đến từng chủ tàu cá về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân đảm bảo các quy định được cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 561 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, vẫn còn 187 tàu chưa lắp đặt thiết bị theo quy định. Trong đó, TP. Nha Trang 74 tàu, Ninh Hòa 59 tàu, Vạn Ninh 33 tàu, Cam Lâm 2 tàu, TP. Cam Ranh 19 tàu.

Với những khó khăn trong hoạt động khai thác thủy sản hiện nay, nhiều ngư dân mong muốn tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ lắp đặt, và cước phí sử dụng dịch vụ giám sát hành trình trên tàu cá.

Bình Thuận: Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Từ đầu năm đến nay, hoạt động khai thác hải sản của huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cơ bản ổn định, sản lượng khai thác ước hơn 25.000 tấn, đạt 42,38% kế hoạch năm và bằng 99,8% so cùng kỳ năm 2019.  

Tuy Phong đã thực hiện nghiêm nhiệm vụ chống khai thác IUU gắn với thực hiện tái cơ cấu lại nghề cá trên địa bàn huyện; tổ chức vận động các chủ tàu có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tính đến cuối tháng 6 đã có 189 (2 tàu vỏ sắt)/291 tàu đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ gần 65%. Số lượng tàu cá có chiều dài 15m trở lên tăng 28 chiếc so cuối năm 2019 do đóng mới, cải hoán, mua bán. Ngoài ra, công tác quản lý tàu cá đánh bắt vùng biển xa khá chặt chẽ, không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tàu giã cào bay hoạt động sai tuyến giảm đáng kể.

Từ đầu năm đến nay đã xử lý 14 trường hợp vi phạm khai thác hải sản trên biển, giảm 35 trường hợp so với cùng kỳ 2019.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật