Cây chuối giúp cuộc sống người dân vùng đất U Minh đổi thay

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mô hình trồng chuối xen canh cây ăn trái của HTX cây ăn trái K21 (xã An Minh Bắc, U Minh Thượng, Kiên Giang) không chỉ góp phần cải tạo đất mà còn giúp các hộ nông dân thoát nghèo, từng bước vươn lên.
Cây chuối giúp cuộc sống người dân vùng đất U Minh đổi thay
Nhờ trồng chuối, nhiều hộ dân tại xã An Minh Bắc vươn lên khá giàu (Ảnh:Internet)

Xem Video: Giá chuối sẽ tăng cao trong thời gian tới

Thực hiện chủ trương bảo vệ, khôi phục rừng tràm nguyên sinh và hình thành vùng đệm U Minh Thượng với quy mô hơn 14.000ha, gần 3.500 hộ dân thuộc 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận (huyện U Minh Thượng) được Nhà nước cấp đất, cho vay tiền làm vốn sản xuất.

Tuy nhiên, người dân gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào khai thác đất đai, bởi vùng đất gần như chỉ có lau sậy, làm được 1 vụ lúa, vừa đủ gạo ăn thì đất lại tiếp tục nhiễm phèn.

“Khởi nghiệp” với cây chuối

Cuộc sống khó khăn, bữa đói bữa no đã thôi thúc người dân tìm hướng đi với các loại cây trồng khác. Được biết đến là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, lại chịu được đất phèn, cây chuối được người dân An Minh Bắc đưa vào trồng. Bất ngờ, cây chuối lại mở ra hướng đi mới cho bà con.

Bà Đỗ Thị Tua (67 tuổi, ngụ ấp An Hòa) gắn bó 25 năm với vùng đất An Minh Bắc, kể: “Hồi mới được cấp đất, làm lúa vụ đầu tiên còn có gạo ăn, vụ kế thất trắng vì phèn tấn lên. Khó khăn quá nhiều hộ nản bỏ đi, vợ chồng tôi động viên nhau quyết tâm bám trụ, chuyển qua trồng chuối. Trời không phụ người, cây chuối chẳng những sinh trưởng, phát triển tốt, mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình tôi và các hộ khác”.

Sau nhiều năm “khởi nghiệp” với cây chuối, đến nay, diện tích chuối của bà con xã An Minh Bắc chẳng những ổn định mà còn từng bước cải thiện tình trạng nhiễm phèn nặng của đất. Nhờ đó, bà con có thể trồng xen canh, đa dạng hóa các loại cây ăn trái khác.

Mô hình trồng chuối xen canh cây ăn trái của HTX cây ăn trái K21 góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh:Internet)

Đa dạng hóa cây trồng

Đơn cử như mô hình của HTX cây ăn trái K21, ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, HTX có 30ha xoài, bưởi được trồng xen trên liếp chuối, trong đó có khoảng 20ha đã cho trái.

Ông Lê Hoàng Nam - Phó Giám đốc HTX cây ăn trái K21 có 500 gốc bưởi được trồng trên liếp chuối cho biết: Ban đầu, gia đình ông cũng chỉ trồng chuối, về sau đất được cải thiện, thấy bưởi phù hợp với vùng đất Kinh 5, ông đưa 20 gốc bưởi vào trồng thử nghiệm.

Kết quả, bưởi không chỉ cho trái ngọt lịm mà còn ít sâu bệnh, được thị trường yêu thích. Năm 2016, ông Nam mở rộng quy mô vườn bưởi lên 500 gốc, dự kiến cuối năm nay, những gốc bưởi này sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài bưởi, ông Nam còn trồng xoài Đài Loan, nuôi cá đồng và 2 bờ chuối cho thu nhập 30 triệu đồng/tháng, tổng lợi nhuận gia đình ông thu về hơn 250 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Lợi (82 tuổi), thành viên HTX, cũng là một trong những nông dân khởi phát cho phong trào đa dạng hóa cây trồng ở nơi tưởng chỉ có chuối mới trụ được, chia sẻ: “Nhà 10 đứa con nên gia đình tôi được Nhà nước cấp 6ha đất. Nhờ mô hình trồng cây ăn trái xen canh chuối, nuôi cá và ốc bươu, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập không dưới vài trăm triệu, cuộc sống ổn định, khá giả hơn nhiều”.

Được biết, xã An Minh Bắc hiện có 2.890 ha diện tích lúa, 296 ha mía, xoài 65 ha, rau màu 249 ha, chuối 1.239 ha, cây ăn trái 407 ha, tôm 1.146 ha và nuôi trồng thủy sản 2.712 ha. Với tổng diện tích này, trong năm 2019, tổng giá trị sản xuất thu nhập của xã An Minh Bắc trên 665 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân đầu người đến nay lên gần 47 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục định hướng cho nông dân nuôi cá nước ngọt, trồng màu, cây ăn trái xen canh chuối. Bên cạnh đó, Huyện và chính quyền địa phương cũng sẽ hỗ trợ mở rộng đường cho ấp Kinh 5 ra 3,5m, đồng thời tráng nhựa để kết nối ấp với khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng, Khu Di tích lịch sử an ninh khu IX, khuyến khích người dân khai thác tiềm năng sẵn có để đa dạng sản phẩm từ chuối như rượu chuối, chuối khô, chuối ngào đường, dưa chuối… để phục vụ du khách, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật