Sơn La xuất 10 tấn thanh long sang Nga, gần 30 tấn nhãn sang Trung Quốc

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 25-7, tại huyện Sông Mã, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn La năm 2020. Ngay sau Hội nghị, lô nhãn gần 30 tấn đã được khởi hành xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Sơn La xuất 10 tấn thanh long sang Nga, gần 30 tấn nhãn sang Trung Quốc
Ảnh minh họa

Xem Video: Nông sản Việt "rộng cửa" nhập khẩu sang Trung Quốc 

Huyện Sông Mã là nơi có vựa nhãn lớn nhất tỉnh Sơn La, với hơn 7.500 ha, sản lượng ước đạt hơn 30.000 tấn. Để đẩy mạnh việc tiêu thụ, xuất khẩu nhãn, tỉnh Sơn La đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhãn cho nhãn Sơn La và vùng nhãn Sông Mã; chỉ đạo ngành nông nghiệp & PTNT triển khai việc cấp mã số vùng trồng cho 2.400 ha, với 92 mã, trong đó cấp 34 mã vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia, 58 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ đầu vụ đến nay, huyện Sông mã đã xuất khẩu được 80 tấn nhãn sang Trung Quốc. Vụ nhãn năm nay, tỉnh Sơn La phấn đấu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu 75.000 tấn quả tươi, trong đó xuất khẩu hơn 8.500 tấn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng, cho biết: “Qua Hội nghị ngày, Sơn La tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nhãn tới bạn hàng trong và ngoài nước. Khẳng định nhãn Sơn La và nhãn Sông Mã đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe để xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong thị trường nội địa. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các tuần hàng, tham gia các hội chợ trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc và tại một số tỉnh của Trung Quốc. Tới đây, tỉnh sẽ đưa một số nhà máy, cơ sở chế biến hoa quả đi vào hoạt động, thúc đẩy tiêu thụ nhãn và hoa quả cho bà con nhân dân…”

Trong sáu tháng đầu năm nay, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, phát triển thương mại điện tử. Do đó sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị xuất khẩu xoài và nhãn ước đạt 52 triệu USD.

Thời điểm này mới bắt đầu vụ nhãn, việc tiêu thụ năm nay có dấu hiệu tốt, được mùa, được giá. Tỉnh Sơn La hiện đang tích cực kết nối với các cơ quan, bộ, ngành liên quan, các tổ chức thương mại của Trung Quốc, các doang nghiệp, HTX xuất khẩu trên địa bàn để rà soát và kiểm soát chặt việc tiêu thụ nhãn.

Dự Hội nghị có đại diện Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT; Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương.

Sơn La chính thức xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga

10 tấn thanh long ruột đỏ của huyện Thuận châu, tỉnh Sơn La vừa lên đường xuất khẩu sang thị trường Nga. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân, mở ra tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nông sản tới những thị trường “khó tính” trên thế giới.

Thuận Châu là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La đi đầu trong thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả chất lượng cao. Trong những năm vừa qua, huyện Thuận Châu đã phát triển được 3.300 ha cây ăn quả các loại; trong đó, có 26 ha thanh long ruột đỏ cho thu hoạch. Tổng sản lượng quả thanh long dự kiến trong năm 2020 đạt trên 200 tấn.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện sẽ phát triển chuỗi thanh long ruột đỏ lên 150 – 200 ha. Huyện xác định xuất khẩu là định hướng chính, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, huyện Thuận Châu sẽ xây dựng hệ thống mã số vùng trồng và thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Cùng với đó, huyện Thuận Châu sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham dự chuỗi các sự kiện như hội chợ, tuần hàng, lễ hội quả của tỉnh Sơn La và các tỉnh khác trong cả nước để giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn đến người tiêu dùng.

Cùng với thanh long, tỉnh Sơn La hiện có trên 77.000 ha trồng các loại cây ăn quả như nhãn, na, xoài, bơ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Sơn La đã xuất bán được trên 120.000 tấn quả các loại. Trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng tỉnh Sơn La đã chuyển hướng thị trường, coi thị trường trong nước là chủ đạo trong tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh thương mại điện tử để kết nối với các đối tác để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm nông sản.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật