Đại gia sản xuất xăng dầu lỗ tiếp 1.900 tỷ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù có lãi trở lại trong tháng 6, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn phải gánh khoản lỗ 1.900 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 4.200 tỷ.
Đại gia sản xuất xăng dầu lỗ tiếp 1.900 tỷ
Phân xưởng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng.

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong quý II tiếp tục lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. BSR là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi cung ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng cả nước.

Trong quý II, doanh thu thuần của BSR là 13.740 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thấp hơn giá vốn khiến BSR lỗ gộp 1.880 tỷ đồng. Dù nguồn thu từ hoạt động tài chính tăng thêm 160 tỷ, các chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với cùng kỳ, BSR vẫn phải chịu khoản lỗ sau thuế 1.900 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, khoản lỗ ròng của BSR đã lên tới 4.230 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần sụt giảm 38% còn 31.730 tỷ đồng. Năm trước, doanh nghiệp lãi sau thuế 110 tỷ trong quý II và 700 tỷ đồng sau 6 tháng.

Ban lãnh đạo BSR cho biết giá dầu thô xuống thấp kỷ lục, giảm từ 31,8 USD/thùng bình quân tháng 3 xuống 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.

Do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 trong quý II khiến việc đi lại bị hạn chế, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Đồng thời, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 4 và 5, giá sản phẩm xăng A92, A95, xăng máy bay JetA1, dầu DO thấp hơn giá dầu thô làm BSR tiếp tục lỗ.

BSR cho biết đã áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp để giải quyết khó khăn khách quan như nỗ lực giải phóng hàng, giảm áp lực tồn kho, đàm phán hàng bán gửi kho, tối ưu hóa công tác giao nhận dầu thô, điều chỉnh linh hoạt công suất, chế độ vận hành theo nhu cầu thị trường, tận dụng cơ hội mua các lô dầu thô trong nước với giá thấp.

Ban lãnh đạo BSR khẳng định với các giải pháp đã thực hiện cùng với giá dầu thô bắt đầu hồi phục từ tháng 5, tình hình sản xuất kinh doanh của BSR bắt đầu khởi sắc từ tháng 6. Tính riêng trong tháng 6, BSR đã có lãi 1.400 tỷ đồng nhưng chưa thể bù đắp khoản lỗ của 2 tháng trước.

Trước tình hình khó khăn năm nay, đại hội cổ đông thường niên của BSR cuối tháng 6 quyết định không chia cổ tức năm 2019 để giữ lại lượng tiền mặt dự trữ thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.

Cổ phiếu BSR đang niêm yết trên sàn UPCoM với thị giá 6.800 đồng chốt phiên 22/7. Năm nay, BSR dự kiến chuyển sang niêm yết trên sàn HNX khi đủ điều kiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật