Chợ Bến Thành đìu hiu hậu Covid-19

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chợ Bến Thành, theo quan niệm một số người Sài Gòn là “khu chợ Tây”, mấy tháng nay đìu hiu, ế ẩm vì dịch Covid-19 làm vắng bóng khách Tây.
Chợ Bến Thành đìu hiu hậu Covid-19
Tại các cửa vào chợ Bến Thành không khí khá đìu hiu, mặc dù đã có khoảng 60% số quầy sạp hàng của tiểu thương trong chợ mở cửa chờ khách. Ảnh: Minh Sáng.

Xem Video: TP Hồ Chí Minh: Chợ Bến Thành đìu hiu sau mùa dịch Covid-19

//

Với vị trí đắc địa là 4 mặt tiền nằm ngay trung tâm Quận 1, TP Hồ Chí Minh, chợ Bến Thành lẽ ra phải là khu chợ hoạt động náo nhiệt và sôi nổi, ấy thế mà thực trạng mấy tháng qua hình ảnh về khu chợ này thì hoàn toàn ngược lại. 

Chợ vắng vì thiếu khách Tây

Chẳng biết từ lúc nào, trong quan niệm của một số người Sài Gòn luôn xem chợ Bến Thành là “khu chợ Tây”. Theo một số tiểu thương, có lẽ một phần vì thời gian trước chủ yếu du khách Tây ghé thăm mua sắm.

Thế nhưng, mấy tháng qua tại khu chợ này “bói” cả ngày cũng chẳng thấy bóng khách, cả ta cả Tây, chỉ vì tình hình của dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang còn diễn biến phức tạp khiến các đường bay thương mại quốc tế đều đóng băng.

Đã mấy tháng qua chợ Bến Thành vắng bóng khách. Ảnh: Minh Sáng.

Chợ Bến Thành có diện tích hơn 13.000m2, kinh doanh chủ yếu các mặt hàng quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang... Ngoài ra còn có các mặt hàng thực phẩm, hoa, trái cây tươi.

Trước kia mỗi lần đi qua khu chợ này, người ta đều phải chậm tay lái vì sự tấp nập, đông đúc của những đoàn khách du lịch Tây - ta ra vào thường xuyên, ấy thế nhưng giờ đây chỉ vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khu chợ nổi tiếng này đang ế ẩm, đìu hiu… Mấy tháng qua, nhiều sạp hàng vẫn cửa đóng then cài, một số tiểu thương còn đặt bảng cho thuê sạp.

Qua quan sát của PV NNVN, nhiều dãy sạp kinh doanh buôn bán bên trong chợ Bến Thành đến nay vẫn chưa thể mở trở lại, nhất là với những sạp bán đồ lưu niệm, hàng sơn mài thủ công mỹ nghệ đều đóng cửa im ỉm suốt mấy tháng qua do không có khách du lịch nước ngoài.

Chính vì thế mà tại những đại lý thu đổi ngoại tệ xung quanh khu vực chợ cũng đang nằm “án binh bất động” chờ đến ngày khách Tây xuất hiện.

Chợ vắng khách nên trẻ em có đủ chỗ tung tăng vui đùa. Ảnh: Minh Sáng.

Bên trong chợ, tại các khu vực mua sắm quần áo, khu ăn uống, hoa quả... cũng đều chịu chung cảnh buôn bán đìu hiu, ế ẩm. Cả ngày chỉ lác đác số ít du khách đeo khẩu trang, đi dạo quanh chợ chứ không có mấy người dừng lại mua hàng. 

Chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh, một số con em của tiểu thương theo mẹ ra chợ đang chạy tung tăng chơi đùa thoải mái giữa các dãy sạp hàng trống vắng bóng khách; còn các nhân viên bán hàng ngồi túm tụm tán gẫu, thỉnh thoảng ngáp dài.

Nhiều tiểu thương trong chợ than vãn, đây là những ngày lịch sử “nghỉ dịch” dài nhất, hàng loạt sạp phải đóng cửa, hoặc muốn cho thuê lại cũng không ai có nhu cầu.

Một trong những tiểu thương có thâm niên kinh doanh mấy chục năm tại chợ Bến Thành, bà Trần Thị Nhục (Dì Ba - Minh), chủ sạp 934 chuyên kinh doanh mặt hàng gia dụng tâm sự: “Mặc dù mùa dịch bán hàng ế ẩm, nhưng ngay từ nhỏ tôi đã quen với chợ không thể nghỉ được, hàng ngày vẫn ra sạp hàng để ngồi ngóng khách mong bán được chút nào vui chút ấy. Mình ra chợ cũng nhằm cho khách biết sạp mình vẫn đang hoạt động chứ không bị “chết dịch” thì mất mối”.

Bà Nhục (Dì Ba - Minh) buồn bã kể về tình hình kinh doanh ảm đạm sau mùa dịch Covid-19. Ảnh: Minh Sáng.

Theo lời bà Nhục, trong mùa dịch Covid vừa qua, con cháu cứ khuyên bà nghỉ ở nhà để phòng dịch, nhưng vì nghỉ sẽ rất nhớ nghề nên hàng ngày bà vẫn bám chợ.

Tuy nhiên, có ngày đi bán chỉ thu được 30 ngàn đồng, tối mịt mới về đến nhà thì bị chồng và con cháu sợ lây dịch nên chạy trốn né tránh khiến bà buồn tủi ứa nước mắt…

Tiểu thương thông thạo ngoại ngữ

Mỗi khi nghĩ đến Sài Gòn, ai cũng nhớ ngay tới hình ảnh chợ Bến Thành. Nơi đây từ lâu được xem là biểu tượng của mảnh đất Nam kỳ. Không chỉ là nơi buôn bán, chợ Bến Thành như một minh chứng lịch sử hào hùng chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của thành phố, là điểm giao lưu văn hóa xưa và nay.

Tính đến nay, chợ Bến Thành đã hơn 100 tuổi. Tất cả các mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, từ thực phẩm hàng ngày như củ hành, trái ớt, bó rau đến những món hàng xa xỉ như đồ điện tử, vải vóc, giày dép, quà lưu niệm... đều được tìm thấy ở đây.

Tại chợ, các mặt hàng thực phẩm, hoa quả đều được niêm yết giá, riêng các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ thì không có bảng giá sẵn, nếu muốn mua khách hàng phải đến hỏi trực tiếp tiểu thương.

Có khoảng 80% tiểu thương và nhân viên bán hàng ở các quầy sạp trong chợ Bến Thành nói được ít nhất hai ngoại ngữ trở lên và giao tiếp khá trôi chảy với khách Tây. Ảnh: Minh Sáng.

Nét đặc biệt mà chỉ riêng chợ Bến Thành có chính là ở những người tiểu thương, người bán ở đây ăn mặc thời thượng với khả năng ngoại ngữ đủ mọi thứ tiếng.

Nhân viên bán hàng thuê của sạp số 1027 kinh doanh trái cây tươi Ngọc Hảo chia sẻ: “Em đã bán hàng cho chủ sạp ở đây được hơn chục năm, trước đây hàng ngày giao tiếp với du khách nước ngoài nhiều nên em đã tích lũy được kha khá vốn từ ngoại ngữ để giao tiếp với khách Tây.

Hiện em có thể chào bán hàng được bằng 5 - 6 thứ tiếng nên cũng khá thuận lợi khi bán hàng, nhưng mấy tháng rồi chẳng gặp ông bà Tây nào, cứ đà này chắc lại quên sạch cách nói…”.     

Theo một nhân viên ban quản lý chợ, có đến 80% tiểu thương và nhân viên bán hàng ở các quầy sạp trong chợ nói được ít nhất hai ngoại ngữ trở lên và giao tiếp khá trôi chảy với khách Tây.

Do đó, khi khách nước ngoài đến chợ Bến Thành họ cảm thấy khá thú vị khi có thể giao tiếp, trao đổi mua sắm hàng quà khá dễ dàng bằng tiếng bản ngữ của mình.

Do vắng khách Tây, các đại lý thu đổi ngoại tệ cũng tạm đóng cửa chờ khách. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Đạt, Đội trưởng đội nghiệp vụ - Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết: “Đến nay có khoảng 60% sạp hàng tiểu thương đã mở cửa bán lại sau dịch Covid-19, nhưng do lượng khách du lịch quốc tế gần như không có nên việc kinh doanh còn khá ảm đạm, các tiểu thương chỉ hoạt động cầm chừng và gặp nhiều khó khăn”.

Theo anh Đạt, chợ dường như tập trung hết tất cả những nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn. Từ hàng hóa đến thực phẩm, đâu đâu cũng là những món quen thuộc với người dân, vì điều này mà trước kia chợ đón nhiều khách Tây đến tham quan và mua sắm. Trước tình trạng đìu hiu của chợ Bến Thành hiện tại, nhiều người tỏ ra tiếc nuối, hoài niệm...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật