Hải Phòng: Những nỗi niềm, thân phận ở xóm chài Tam Bạc trước ngày bỏ nước lên bờ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, toàn bộ hộ dân xóm chài mom Thủy đội sẽ phải lên bờ “nhường chỗ“ cho dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2. Đứng trước thông tin trên, cả xóm chài nháo nhác, hoang mang.
Hải Phòng: Những nỗi niềm, thân phận ở xóm chài Tam Bạc trước ngày bỏ nước lên bờ
Ảnh minh họa

Xem Video: Hải Phòng: Những nỗi niềm, thân phận ở xóm chài Tam Bạc trước ngày bỏ nước lên bờ

Lênh đênh xóm chài

Nằm dọc con sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến mom Thủy đội có một xóm chài nghèo với 46 hộ dân. Bám trụ nơi góc sông gần nửa thế kỷ, mỗi gia đình nơi đây có những hoàn cảnh và xuất thân khác nhau nhưng tựu chung ở sự nghèo và cơ cực.

Xóm chài Tam Bạc trước ngày có lệnh di dời

Muốn vào được xóm chài phải trèo qua một hàng rào sắt cao ngang bụng người lớn, đi trên những cây cầu gỗ bắc tạm bợ để vào những chiếc thuyền xi măng đã được cải tạo thành nhà ở - nơi cư trú của mỗi hộ dân nơi đây.

Cụ Nguyễn Thị Ái đang mong mỏi ngày lên bờ với giấy xác nhận nhân thân

Mọi sinh hoạt của người dân đều ở trên thuyền nên rất ô nhiễm, mỗi khi nước cạn, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Vậy mà gần 200 con người của 46 hộ với ba, bốn thế hệ vẫn ngày ngày bám trụ nơi đây.

Là người đặc biệt nhất nhì xóm chài, cụ Nguyễn Thị Ái, 74 tuổi, sống gần trọn đời ở xóm chài này chưa từng nhìn thấy cái giấy tờ tùy thân nào. Mỗi khi ai hỏi quê cụ ở đâu, bố mẹ là ai là cụ chỉ biết lắc đầu, kêu "không biết".

Cụ Ái bị tàn tật từ nhỏ ở bàn chân nên đi lại rất khó khăn. Tuy có 2 con trai nhưng cụ Ái cũng không nhờ vả được gì vì cuộc sống của 2 người con vất vưởng, khó khăn trăm bề. Cuộc sống của cụ Ái gần như trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà chùa và những người hảo tâm.

Cụ Tưới một mình nuôi 3 đứa cháu không khỏi lo lắng về tương lai sắp tới

Cùng cảnh lấy thuyền nan làm nhà, cụ Lê Thị Tưới năm nay gần 70 tuổi được cả xóm thương và lo vì ở tuổi đáng lẽ được nhàn, cụ vẫn phải một nách trông 3 đứa cháu trai "cho bố nó đi làm". Chồng cụ Tưới mất sớm. Một mình nuôi 4 người con, trong đó 2 con bị giông lốc năm 1984 cuốn phăng, không tìm thấy xác. 

Cô con gái bị ung thư mất sớm để lại cho cụ 1 cháu trai. Đến anh con trai sau khi lấy vợ, sinh được 2 con thì vợ cũng bỏ đi vì không chịu nổi cảnh nghèo khó. Vậy là mình cụ Tưới phải gồng gánh 3 đứa cháu. Cụ Tưới rầu ruột nói: "Giờ chẳng còn giấy tờ gì để khẳng định mình là mình nữa. Toàn bộ giấy tờ bị mất trong vụ đắm thuyền rồi. Cuối tháng này lên bờ, chẳng biết sẽ ra sao?".

Ngoài 2 cụ Ái và Tưới, xóm chài còn có cụ Nguyễn Thị ph‌ò gần 80 tuổi. Cụ ph‌ò là người bám trụ lâu nhất ở đây. Khi chồng mất sớm, cụ ph‌ò một mình bươn chải nuôi 5 người con. Nay về già, mang nhiều bệnh tật, cụ ph‌ò phải nằm một chỗ, mọi hoạt động đều trông chờ vào con trai là Nguyễn Văn Long.

Xóm chài đứng ngồi không yên lo nghĩ về tương lai sắp tới

Chỉ về phía cuối xóm chài, anh Long kể: "Trước đây, nơi này toàn lau với sậy, chưa có đường đi và nhà ở. Việc đánh bắt giờ cũng khó khăn hơn vì tôm cá gần như không còn. Có hôm chèo thuyền đi cả ngày chẳng bắt được con nào. Kiếm ăn đủ qua ngày đã là quá vất vả rồi. Dân chài nơi đây không đủ điều kiện ăn bữa sáng nên họ phải ăn trưa vào tầm 9 giờ rồi đi làm. 

Đám trẻ ở đây hầu hết chỉ học hết lớp 5 ở trường Tình Thương trong Tòa Giám mục và được trợ cấp toàn bộ từ sách vở, bút mực, gạo... Hầu hết học xong tiểu học là chúng phải nghỉ ở nhà đi lượm ve chai, sắt vụn, chài lưới vì kinh tế không đủ nuôi học tiếp"..

Chị Lưu Thị Tâm, 51 tuổi – "công dân năng động" nhất nhì xóm chài cho biết: "Mới đây, 2 vợ chồng gom góp mua được chiếc thuyền, sửa sang thành nhà ở với tổng giá trị hơn 80 triệu. Vật dụng trong nhà đều do người khác thương mang cho. Hàng ngày, đi bán hàng trên sông, tôi chỉ kiếm được từ 50-100 nghìn. Anh Dũng chồng tôi thì đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy, không nề hà gì nên đồng có đồng không. Cả 2 chúng tôi đều sinh ra và lớn lên ở mom sông này. Vì đời bố mẹ không có giấy tờ tùy thân nên đến đời mình cũng chẳng có giấy tờ gì. Vì thế, chúng tôi cứ về ở với nhau, không đăng ký kết hôn và không làm giấy khai sinh cho con được".

Mong thành phố sớm có phương án hỗ trợ cụ thể

Theo kế hoạch, trước ngày 31/7, thành phố sẽ tiến hành di dời xóm chài trên sông Tam Bạc (phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) để thực hiện dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2. Theo đó, chính quyền phường Minh Khai đã vận động các hộ dân quê quán ở đâu thì quay về đó tiếp tục sinh sống hoặc được tạo điều kiện cho thuê nhà với giá rẻ.

Theo hướng dẫn của phường, một số hộ gia đình đã về quê xin được giấy chứng nhận không có nhà đất nộp cho chính quyền phường và chờ giải quyết.

Chính quyền đang vận động những ngư chài có quê nên quay về ổn định cuộc sống

Theo nguyện vọng tâm tư của các hộ dân xóm chài, họ mong chờ thành phố sớm tạo điều kiện về nhà, đất để ổn định nơi ăn, chốn ở cũng như việc học hành của con em mình. Với những trường hợp không có giấy tờ tùy thân như cụ Ái, cụ Tưới…, xóm chài mong muốn thành phố và các cấp chính quyền xem xét tạo điều kiện cấp giấy tờ xác nhận nhân thân để khi chết còn được chôn và đi thuê nhà.

"Từ khi biết thông tin thành phố sắp cho di dời, chúng tôi lo lắng đứng ngồi không yên, chẳng thiết làm ăn gì cả, không biết rồi sẽ đi đâu về đâu. "Căn nhà" chúng tôi mới tu bổ, cải tạo, giờ vứt bỏ hết rất đau xót. Mong các cấp chính quyền cấp nhà, đất cho dân hoặc là cho trả góp, chứ thuê nhà thì chúng tôi không có khả năng thanh toán", chị Tâm lo lắng.

Trao đổi với Báo Gia đình và Xã hội, ông Đoàn Hồng Thắng - Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho biết: "UBND phường đang đề xuất thành phố xem xét đối với những hộ dân xóm chài hiện không có nhà ở nào khác để có cơ hội được thuê nhà, đảm bảo an sinh. 

Đối với những hộ đến từ địa phương khác có đất có nhà, chúng tôi vận động họ về lại quê hương, ổn định cuộc sống. Thực tế, các hộ xa quê đều có đăng ký hộ khẩu tại quê trước khi đi. Chính quyền phường có làm việc với các địa phương đó để phối hợp hỗ trợ công dân của họ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật