Người cấy hàng trăm mẫu lúa ở Hưng Yên

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Nguyễn Xuân Đoàn (sinh năm 1978), Giám đốc Công ty Công nghệ phát triển nông nghiệp xanh ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch (Khoái Châu) đã thuê 100 mẫu ruộng của nhiều hộ dân ở xã Trung Hòa (Yên Mỹ) để cấy lúa. Tất cả các công đoạn sản xuất lúa trên cánh đồng 100 mẫu này được áp dụng các biện pháp cơ giới hóa.
Người cấy hàng trăm mẫu lúa ở Hưng Yên
Gieo mạ khay bằng máy

Xem Video: Nông dân sáng chế máy cấy lúa tự động 

//

Từ thất bại và thành công ban đầu...

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, anh Đoàn tiếp tục theo học ngành Quản trị kinh doanh và trải qua nhiều công việc. Tình cờ năm 2012 khi mua máy gặt lúa đa năng cho một dự án ở tỉnh Thái Nguyên, anh biết đến phân bón viên nén nhả chậm và say mê tìm hiểu. Năm 2013, anh thành lập Công ty Công nghệ phát triển nông nghiệp xanh chuyên kinh doanh phân bón viên nén nhả chậm, loại phân bón mà cả vụ lúa chỉ cần sử dụng một lần thay cho ba lần bón lót, bón thúc, bón đón đòng theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, do người dân đã quen với tập quán canh tác cũ nên sản phẩm này của anh không được ưa chuộng và tiêu thụ khá chậm.

Trong quá trình đi tìm đầu ra cho sản phẩm phân bón, anh nhận thấy tình trạng nông dân không thích làm ruộng gia tăng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vốn sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn nên khi nhìn nhiều diện tích ruộng đất bị bỏ hoang hóa, anh Đoàn rất tiếc và có ý định tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa hàng hóa.

Nghĩ là làm, vụ xuân năm 2019 sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, anh Đoàn thuê lại 20ha ruộng bỏ hoang ở 2 xã Tân Việt và Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ) để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong canh tác. Do nhiều diện tích ruộng nông dân bỏ hoang đã lâu nên anh phải mất nhiều thời gian và chi phí cải tạo. 

Đầu tư lớn, tuy nhiên, vụ lúa đầu tiên, anh Đoàn đã gặp thất bại do thời tiết mưa bão và dịch bệnh, khiến anh thua lỗ khoảng 300 triệu đồng. Nhưng thất bại này không làm anh Đoàn nản chí, anh quyết tâm thuê ruộng và tiếp tục thực hiện mơ ước.

Ít ai nghĩ rằng, cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ mọc ngang người ở cánh đồng thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa ngày nào giờ đây đã được anh Đoàn cải tạo, canh tác thành đồng lúa xanh mướt trải rộng khoảng 100 mẫu. Cánh đồng này, được anh Đoàn thuê lại của người dân trong thôn từ cuối năm 2019 và bắt đầu canh tác từ vụ xuân năm nay.

Với diện tích ruộng này, anh cấy chủ yếu là giống Nếp thơm Hưng Yên (khoảng 80%); giống Bắc thơm 07 chiếm 10% và giống lúa nếp địa phương chiếm khoảng 10% diện tích.

Tất cả các công đoạn sản xuất lúa, từ làm đất, bón phân, gieo mạ, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch, vận chuyển, phơi, sấy thóc đều được anh Đoàn thực hiện bằng cơ giới hóa.

Máy cấy với công suất từ 2,5 - 3ha/ngày

Khác với canh tác truyền thống, anh Đoàn sử dụng phân viên nén nhả chậm bón xuống ruộng ngay sau công đoạn làm đất. Với loại phân bón này, anh chỉ cần bón 1 lần duy nhất là cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa trong suốt chu kỳ sinh trưởng, phát triển, giúp tiết kiệm được công lao động và không lãng phí phân bón.

Với diện tích ruộng lớn, anh Đoàn gieo mạ khay và cấy bằng máy để bảo đảm chất lượng mạ và thời vụ cấy. Mỗi chiếc máy cấy nhỏ có thể cấy từ 1 - 1,2ha/ngày, máy to cấy được từ 2,5 - 3ha/ngày nên anh Đoàn chỉ mất khoảng 15 ngày là cấy xong 100 mẫu ruộng. Việc gieo mạ khay, cấy bằng máy còn có ưu điểm là bảo đảm tuổi mạ, bảo đảm khoảng cách, tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian rất nhiều so với cấy tay hoặc gieo vãi. 

Tận mắt chứng kiến những thiết bị bay được điều khiển từ xa phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Anh Nguyễn Văn Hướng, người quản lý của công ty cho biết: Để sử dụng thiết bị này, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được pha sẵn cho vào chiếc bình đặt trong máy và người nông dân chỉ việc đứng trên bờ điều khiển bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, máy sẽ tự động phun thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ phun sương. Sử dụng máy phun thuốc trừ sâu kiểu này cho thấy sự ưu việt hơn hẳn so với phương pháp sử dụng bình phun truyền thống, những hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, giúp giảm thiểu lượng nước cần dùng để pha thuốc mà vẫn bảo đảm trải đều bề mặt ruộng, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, với diện tích 100 mẫu ruộng, chúng tôi chỉ mất 1/2 ngày là có thể phun xong toàn bộ, tiết kiệm chi phí nhân công, giảm hao hụt thuốc bảo vệ thực vật, lại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa để phun thuốc bảo vệ thực vật

Đối với công đoạn thu hoạch lúa, anh Đoàn cũng sử dụng những máy gặt đập liên hợp nên thời gian thu hoạch nhanh và giảm tỷ lệ hao hụt, rơi vãi thóc.

Ông Đỗ Trọng Hoạch, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa cho biết: “Từ năm 2019, khi Công ty Công nghệ phát triển nông nghiệp xanh triển khai mô hình sản xuất lúa hàng hóa với diện tích lớn ở địa phương, xã đã giúp công ty tích tụ ruộng đất bằng cách vận động những hộ dân có diện tích ruộng bỏ không và những hộ cấy lúa nhưng hiệu quả thấp cho công ty thuê lại ruộng của gia đình. Việc sản xuất lúa trên cánh đồng liền thửa rộng hàng trăm mẫu thuận lợi hơn trong việc điều tiết thủy lợi và áp dụng cơ giới hóa vào canh tác. Chính vì vậy, năng suất, chất lượng lúa cũng như hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống”.

Đến ước mơ đại điền...

Nghe anh Đoàn say mê chia sẻ về quy trình, kỹ thuật chăm sóc mới thấy hết tâm huyết và am hiểu của anh về cây lúa đến mức nào. Khoảng cách từ nhà anh (xã Dạ Trạch - Khoái Châu) tới cánh đồng lúa (xã Trung Hòa - Yên Mỹ) khá xa nhưng hầu như mỗi ngày anh đều chạy xe đi thăm đồng. Quá trình từ khi gieo mạ, cấy lúa, sinh trưởng, phát triển của cây đều được anh ghi chép cẩn thận...

Khi tôi thắc mắc, vì sao anh lại chọn cây lúa để làm giàu trong khi nhiều người đã từ bỏ vì hiệu quả kinh tế thấp, anh Đoàn chia sẻ: Một trong những hạn chế lớn nhất của nông dân cấy lúa hiện nay là mỗi hộ thường chỉ có dăm, ba sào ruộng. Vì diện tích manh mún nên khó đưa máy móc và khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất mà chủ yếu nông dân canh tác lúa theo cách thủ công, truyền thống, dựa trên kinh nghiệm là chính. Do đó, lợi nhuận thu về rất thấp, chủ yếu chỉ “lấy công làm lãi”, thậm chí có khi còn chịu lỗ nếu như phải thuê mướn nhiều công lao động hoặc lúa hỏng do thời tiết, dịch bệnh...

Còn đối với chúng tôi, dù diện tích lúa hàng trăm mẫu nhưng chỉ cần 1 người quản lý chung và 1 cán bộ bảo vệ thực vật thường xuyên ở cánh đồng theo dõi lúa, kịp thời phát hiện sớm sâu, bệnh để phòng, trừ. Thời điểm cần nhiều nhân lực nhất là khi cấy lúa cũng chỉ có tối đa 20 lao động làm việc.

Lúa thu hoạch xong được bán ngay tại ruộng cho những đơn vị đã liên kết nhận bao tiêu sản phẩm. Vụ xuân vừa qua, lúa phát triển tốt, năng suất thu hoạch đạt từ 2 - 2,2 tạ/sào. Anh tính toán, mỗi sào lúa có thể mang lại lợi nhuận từ 350.000 - 400.000 đồng.

Ngoài thuê ruộng cấy lúa, hiện anh Đoàn còn làm dịch vụ cung cấp mạ khay, máy cấy cho khoảng 300 mẫu ruộng ở Hưng Yên, Bắc Ninh với giá trọn gói 300.000 đồng/sào.

Anh Đoàn cho biết: “Với mơ ước xây dựng thương hiệu gạo để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, tôi mong muốn có thể mở rộng diện tích mô hình sản xuất lúa hàng hóa. Đồng thời, tôi dự định mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ xây dựng một trung tâm sản xuất mạ khay để cung cấp mạ khay, máy cấy cho khoảng 1.000ha ruộng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tôi hiện nay là việc tích tụ ruộng đất, chính vì vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ tôi về vốn cũng như khoa học kỹ thuật để tôi tiếp tục đầu tư”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật