Phía sau chuyến công du viễn Đông của đặc phái viên Mỹ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ trưởng Ngoại giao kiêm đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegu‌n đang thực hiện chuyến công du hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo về những nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Phía sau chuyến công du viễn Đông của đặc phái viên Mỹ
Ông Stephen Biegu‌n và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi tại cuộc gặp ngày 10/7.

Chuyến công du được thực hiện trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên căng thẳng, sau khi văn phòng liên lạc liên Triều ở biên giới bị phá hủy trong một vụ nổ mà Seoul cho là do Bình Nhưỡng tiến hành, đồng thời Triều Tiên tuyên bố tái bố trí quân đội ở Khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền hồi giữa tháng 6 vừa qua.

Cánh cửa đàm phán vẫn mở…

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ngày 10/7, ông Stephen Biegu‌n đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng nước chủ nhà Toshimitsu Motegi để thảo luận về tình hình Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Triều Tiên từ chối những lời kêu gọi nối lại đàm phán. Sau đó, ông cũng có các cuộc gặp riêng rẽ với Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và ông Shigeru Kitamura - Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản.

Trước đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc, ông Stephen Biegu‌n đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với hợp tác liên Triều và tái khẳng định Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào.

Tại buổi làm việc hôm 9/7 với Cố vấn an ninh quốc gia mới được bổ nhiệm của nước chủ nhà Suh Hoon, ông Stephen Biegu‌n đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Seoul. Trong khi Cố vấn Suh Hoon đánh giá cao và kêu gọi đặc phái viên Stephen Biegu‌n tiếp tục những nỗ lực nhằm khởi động lại tiến trình ngoại giao với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cũng tuyên bố Washington “rất hy vọng” tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng, bao gồm một cuộc gặp thượng đỉnh nữa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu thích hợp. Còn trong phát biểu tại Seoul hôm 8-7, ông Stephen Biegu‌n khẳng định rằng cánh cửa đối thoại vẫn mở vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đã chỉ định một đối tác đối thoại”, song kêu gọi Bình Nhưỡng “phá bỏ lối tư duy cũ”.

Ông nhấn mạnh: “Mục đích của chuyến thăm lần này là gặp các đồng minh thân cận, chứ không tìm cách gặp gỡ giới chức Triều Tiên như một số nguồn tin đưa. Tầm nhìn chung của chúng tôi là tạo ra một nền hòa bình lâu bền, góp phần thay đổi các mối quan hệ trên Bán đảo Triều Tiên, loại bỏ vũ khí hạt nhân và mang lại tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên”.

Liên quan tới vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng cho rằng, chìa khóa đang nằm trong tay Mỹ nhằm phá bỏ thế bế tắc của các cuộc đàm phán. Quan chức này nói: “Triều Tiên và Mỹ là những bên liên quan chính trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Mỹ đang giữ chìa khóa để phá vỡ thế bế tắc hiện tại. Và như Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta không chỉ nên nói, mà còn cần phải hành động. Phía Mỹ cần thể hiện sự chân thành và có những hành động cụ thể để giải tỏa những lo ngại chính đáng và hợp lý của Triều Tiên. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng cho việc giải quyết chính trị vấn đề Bán đảo Triều Tiên”.

Về phía Triều Tiên, ngày 10/7, bà Kim Yo-jong, thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và là em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh nữa với Mỹ là “không cần thiết” và “vô ích” đối với Triều Tiên chừng nào Washington vẫn không thay đổi lập trường đàm phán.

Bà nêu rõ: “Đây là ý kiến cá nhân của tôi, nhưng trong năm nay sẽ không diễn ra bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào giữa Mỹ và Triều Tiên. Chừng nào không có sự thay đổi mang tính quyết định trong lập trường của Mỹ, một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ là không cần thiết và vô ích trong năm nay và trong tương lai, ít nhất là đối với chúng ta”.

Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong nhấn mạnh điều này không có nghĩa là Triều Tiên sẽ không phi hạt nhân hóa. Bà khẳng định: “Chúng ta không nói rằng chúng ta sẽ không phi hạt nhân hóa, mà là chúng ta không thể phi hạt nhân hóa lúc này”. Bà kêu gọi Washington thực hiện “những bước đi quan trọng” và từ bỏ “chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng.

… Và hi vọng hòa bình được duy trì

Giới quan sát đang cảnh báo về một sự tuột dốc trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, vốn bắt đầu từ ngày 9/6 vừa qua, sau khi giới chức Triều Tiên cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc liên quan đến vụ những kẻ đào ngũ Triều Tiên phát tán truyền đơn chống Bình Nhưỡng. Mặc dù Seoul tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy các giải pháp, song phía bên kia lại chọn cách phớt lờ. Bình Nhưỡng đã chặn đứng tất cả các đường dây liên lạc với Seoul (trừ các mối liên hệ giữa các đơn vị đặc biệt).

Triều Tiên còn được cho là đã đánh sập tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong, vốn được mở ra vào năm 2018 để thúc đẩy hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Sự việc này khiến người ta đặt câu hỏi rằng vì sao tất cả những điều trên lại xảy ra vào lúc này và chúng có thể gây ra hậu quả gì?

Vậy tình trạng căng thẳng hiện nay sẽ dẫn tới đâu và các nhân tố bên ngoài đang làm gì? Tổng thư ký Liên hợp quốc đã hối thúc Mỹ và Hàn Quốc hợp tác nỗ lực để bình thường hóa mối quan hệ liên Triều. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố tương ứng, theo hướng khiển trách Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và điều phối viên của Hạ viện Nga về hợp tác với Triều Tiên Kazbek Taisaev đã bày tỏ hy vọng rằng hòa bình sẽ được duy trì.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ, các nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc đang hành động với một lập trường thống nhất giữa hai nước về tình hình Bán đảo Triều Tiên, vốn được đề cao trong Tuyên bố chung của các ngoại trưởng hai nước vào ngày 4/7/2017.

Hành động nối tiếp hành động, từng bước dỡ bỏ trừng phạt phụ thuộc vào sự tiến triển trong đối thoại là những gì mà Nga và Trung Quốc đưa ra trong đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên, nguyên tắc này xuất phát từ thực tế rằng Triều Tiên quan tâm đến những tiến triển như vậy chứ không phải ngược lại. Vì lý do đó, các bộ ngoại giao của các quốc gia cần phải vạch ra chiến lược của mình với một tầm nhìn có thể khiến phương án này dễ dàng được thực thi và gia tăng hiệu quả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật