Hiệu quả từ vốn vay thoát nghèo

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với tổng dư nợ đạt hơn 4.730 tỷ đồng, đến nay, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội có 3.925 tổ phụ nữ tiết kiệm và vay vốn, với 131.733 hộ gia đình vay. Hội phụ nữ cơ sở đã thường xuyên khảo sát, lựa chọn thành viên vay vốn đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn phù hợp, bảo đảm công khai, dân chủ.
Hiệu quả từ vốn vay thoát nghèo
Nhờ nguồn vốn vay, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) đã có điều kiện mở rộng xưởng may.

Thông qua hoạt động ủy thác, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã thực sự trở thành điểm tựa hỗ trợ, giúp hàng nghìn phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu...

Vươn lên nhờ vay vốn

Được hỗ trợ vay vốn từ năm 2015, chị Nguyễn Thị Tuyết, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) đã đầu tư mở rộng xưởng may của gia đình. Hiện nay, xưởng may của chị có gần 20 lao động làm việc. Ngoài ra, chị Tuyết còn đào tạo nghề cho nhiều chị em trong xã mở cửa hàng may riêng, có thu nhập ổn định. “Đang trong lúc khó khăn về vốn thì tôi được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn vay, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm xưởng may của gia đình tôi cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, từ đó có điều kiện trang trải cuộc sống, phát triển sản xuất”, chị Tuyết chia sẻ.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) trước đây cũng thuộc diện khó khăn, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Từ ngày được Hội Liên hiệp phụ nữ xã giúp đỡ vay vốn, chị đã đầu tư nuôi bò sữa, dần tăng thu nhập và vươn lên làm giàu. Chị Duyên cho biết: “Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Tôi rất vui khi thoát cảnh nghèo khó”.

Ngoài chị Tuyết, chị Duyên, 5 năm qua, thông qua nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã giúp hơn 11.400 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động... Đặc biệt, từ nguồn vốn vay, nhiều chị em năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế thoát nghèo và vươn lên làm giàu với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ…

Nâng cao chất lượng quản lý vốn

Song song mục tiêu huy động vốn, tăng trưởng dư nợ cho vay, việc sử dụng nguồn vốn ủy thác cũng được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chú trọng nâng cao. Vì vậy, dư nợ ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng lên. Việc hoàn trả vốn gốc và lãi phần lớn đều đúng hạn, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp (0,03%).

Tuy vậy, vẫn còn một số chị em trên địa bàn thành phố vẫn chưa hiểu rõ chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; một số hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả chưa cao... Khắc phục hạn chế này, các cấp hội đều có những giải pháp phù hợp. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội bám sát tình hình hộ vay, phối hợp với ngân hàng, chính quyền địa phương tìm biện pháp giải quyết phù hợp với từng trường hợp nợ quá hạn. Nhờ vậy, các món nợ xấu từng bước được xử lý dứt điểm, dư nợ tín chấp tăng dần từng năm. Đến tháng 5-2020, dư nợ đạt hơn 315,6 tỷ đồng, cho 7.504 hộ vay, tăng 200% so với năm 2015.

Còn tại quận Nam Từ Liêm, Hội Liên hiệp phụ nữ quận có sáng kiến tuyên truyền, vận động hộ vay và người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm dân cư. Việc này đã nhận được sự hưởng ứng từ các tổ chức hội với số người tham gia và số tiền gửi ngày càng lớn. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Hằng Nga cho hay: “Nhờ nguồn vốn này, Hội Liên hiệp phụ nữ 10 phường trên địa bàn đã tạo việc làm cho 2.336 lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập để thoát nghèo. Đáng chú ý, nguồn vốn còn giúp 342 hộ cải tạo, nâng cấp 351 căn nhà, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên”.

Bên cạnh đó, để vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ sử dụng đúng mục đích, các cấp Hội Phụ nữ thành phố cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay. Thành hội cũng tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác tại 100% quận, huyện, thị xã; tăng cường hoạt động tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và tổ trưởng tổ vay vốn. Hiệu quả của hoạt động ủy thác đã tác động tích cực đến chất lượng công tác Hội và phong trào phụ nữ, nâng tỷ lệ thu hút hội viên tham gia, phát huy vai trò, vị thế của chị em trong gia đình và xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, năm 2020 và những năm tiếp theo, các cấp Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc tiếp tục kiểm tra, giám sát thường xuyên để quản lý tốt nguồn vốn, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế, giúp chị em từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật