Khoảng cách Nam - Bắc ở Trung Quốc ngày càng nới rộng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoảng cách kinh tế giữa miền Nam thịnh vượng và miền Bắc của Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng, làm phức tạp chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Khoảng cách Nam - Bắc ở Trung Quốc ngày càng nới rộng
Khoảng cách kinh tế giữa hai miền Nam - Bắc Trung Quốc ngày càng lớn. Ảnh: Nikkei.

Tổng sản phẩm khu vực (GRP) của các tỉnh và thành phố nằm ở phía nam "đường Tần Lĩnh - Hoài Hà" là ngang bằng với phía bắc vào năm 1960, nhưng miền Nam đã vượt lên miền Bắc: cao hơn 57% vào năm 2017 và cao hơn 83% vào năm 2019.

"Đường Tần Lĩnh - Hoài Hà" này, gần như trùng với vĩ tuyến 33, được các nhà địa lý học xem là đường phân chia Trung Quốc thành phía bắc và phía nam. Hai khu vực khác nhau rất nhiều về khí hậu, văn hóa và lối sống, theo Nikkei Asian Review.

Khoảng cách ngày càng nới rộng

Miền Bắc Trung Quốc bao gồm 15 tỉnh, thành và khu tự trị, như Bắc Kinh và Liêu Ninh. Miền Nam Trung Quốc bao gồm 16 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm Thượng Hải và Quảng Đông. Trong khi nền kinh tế miền Bắc vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước, miền Nam đã phát triển nhanh hơn nhờ khu vực tư nhân mạnh mẽ.

Tổng sản lượng kinh tế của các khu vực phía bắc năm 2019 là 34,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,93 nghìn tỷ USD), trong khi đó ở phía nam là 63,8 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Khoảng cách này dự kiến gia tăng trong những năm tới vì đại dịch Covid-19 làm giảm giá dầu thô, thêm một cú đấm đối với kinh tế phía bắc, nơi chiếm phần lớn sản lượng dầu của Trung Quốc. Hơn nữa, miền Bắc còn chịu những tác động từ sự sụt giảm quy mô dân số.

Yếu tố chính khác khiến khoảng cách nới rộng là việc miền Bắc điều chỉnh số liệu đối với GRP. Đầu năm 2020, khi các tỉnh công bố GRP 2019, họ cũng sửa đổi các số liệu cho năm 2018. Các sửa đổi dựa trên kết quả của Tổng Điều tra Kinh tế Toàn quốc lần thứ 4, được công bố vào tháng 11/2019.

GRP thường được điều chỉnh tăng lên sau cuộc điều tra kinh tế vì cuộc điều tra này bao gồm các doanh nghiệp nhỏ không được đưa vào tính toán ban đầu. Tuy nhiên, 14 tỉnh thành đã sửa đổi số liệu thống kê của họ theo hướng giảm xuống, nói rằng họ làm như vậy theo hướng dẫn của Cục Thống kê Quốc gia.

Cách giải thích hợp lý nhất cho việc này dường như là những khu vực đó đã thổi phồng con số ban đầu của họ và sửa lại chúng.

Trong số 14 tỉnh thành chỉnh sửa số liệu theo hướng giảm xuống, 12 tỉnh thành là ở phía bắc. Tổng cộng, phía bắc đã điều chỉnh giảm 7%, trong khi phía nam điều chỉnh tăng 4%.

Khoảng cách Bắc - Nam bắt đầu nới rộng từ năm 2013, theo một bài báo được viết bởi Chen Zhang và những người khác. Chen là giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Hai khu vực tăng trưởng với tốc độ gần như nhau từ năm 2007 đến 2012, trong đó miền Bắc chiếm khoảng 43% GDP của Trung Quốc. Trong năm khu vực tăng trưởng nhanh nhất, bốn khu vực nằm ở phía bắc.

Tuy nhiên, trong suốt 5 năm tính đến năm 2017, miền Nam đã vượt miền Bắc về mức tăng trưởng trung bình hàng năm 1,1 điểm, theo các nhà nghiên cứu. Miền Bắc góp phần vào 88% suy thoái kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Biểu đồ: Nikkei.

Sự khác biệt về cơ cấu kinh tế là lý do khác dẫn đến khoảng cách. Các công ty nhà nước chiếm 33% sản lượng công nghiệp của miền Bắc năm 2011, so với 21% ở miền Nam.

Các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hó‌a chấ‌t là xương sống của miền Bắc, trong khi tăng trưởng của miền Nam được thúc đẩy chủ yếu bởi khu vực tư nhân.

Từ năm 2007 đến 2012, các công ty nhà nước là những nơi hưởng lợi chính từ gói kíc‌h thí‌ch 4 nghìn tỷ nhân dân tệ của chính phủ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, về cơ bản là thúc đẩy nền kinh tế ở miền Bắc.

Tuy nhiên, sau năm 2013, các công ty nhà nước bắt đầu phải hứng chịu hậu quả từ việc chi tiêu vô độ, cung thừa so với cầu trong khi nợ nần gia tăng. Để giải quyết khoảng cách cung - cầu ngày càng tăng, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty cắt giảm năng lực sản xuất than và thép.

Nền kinh tế miền Bắc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu. Miền Bắc chiếm 90% sản lượng dầu thô của Trung Quốc. Theo giáo sư Chen, giá dầu thô trong nước đã giảm 51% trong giai đoạn 2013-2016.

Điều này đã khiến nền kinh tế của miền Bắc sụt giảm 0,4 điểm. Mặt khác, miền Nam, nơi nhập khẩu 90% lượng dầu mà họ tiêu thụ, đã có thể tiết kiệm 270 tỷ USD trong việc mua dầu.

Việc giá dầu tụt dốc do đại dịch năm nay có thể sẽ khiến miền Bắc tiếp tục gặp khó khăn kinh tế.

Khác biệt về tư duy và văn hóa

Nhân tố quan trọng khác đằng sau khoảng cách Bắc - Nam là sự khác biệt trong tư duy của chính quyền địa phương và văn hóa kinh doanh. Hui Xinan, Bí thư đảng ủy địa cấp thị Duy Phường, thuộc tỉnh Sơn Đông ở phía bắc, từng gây xôn xao khi ông chỉ trích văn hóa kinh doanh của miền Bắc sau khi đi thăm 5 thành phố ở phía nam năm 2019.

"[Người dân ở miền Bắc Trung Quốc cẩu thả trong công việc", ông Hui nói. "Chúng ta hài lòng với hiện trạng và quá coi trọng thể diện trong khi không chú ý nhiều đến thực chất".

Miền Nam Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, lớn gần gấp đôi miền Bắc về quy mô kinh tế. Ảnh: Nikkei.

Nhận xét thẳng thắn của ông đã thu hút sự chú ý, dẫn đến nhiều làn sòng chỉ trích văn hóa kinh doanh của miền Bắc trên mạng. "Ở Sơn Đông, việc sẽ chẳng thành nếu không có một bữa nhậu. Ở phía nam, một tách cà phê là tất cả những gì bạn cần", một người than thở.

Quản lý một công ty kinh doanh hàng may mặc ở Thiệu Hưng, thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, cho biết: "Ở Sơn Đông, nhiều quan chức địa phương tham nhũng. Họ đề nghị bán thông tin nội bộ cho tôi". Mặt khác, "tại Chiết Giang, [ở phía nam], các quan chức địa phương rất muốn giúp đỡ và hợp tác với khu vực tư nhân. Rất khác biệt", ông nói.

Một quan chức từ chính quyền trung ương - người đã đi thăm tỉnh Liêu Ninh ở phía bắc và tỉnh Chiết Giang ở phía nam - rất ngạc nhiên khi nhìn thấy sự khác biệt ở các quan chức chính quyền địa phương.

Quan chức thành phố ở Liêu Ninh đã triệu tập đội ngũ lãnh đạo của các công ty địa phương và sai họ đi khắp nơi. Tuy nhiên ở Chiết Giang, quan chức đã thể hiện sự tôn trọng đối với lãnh đạo các công ty và cảm ơn họ rất nhiều vì sự hợp tác của họ trong chuyến thăm.

"Các quan chức địa phương ở phía bắc không thay đổi gì so với thời kinh tế kế hoạch. Họ hành xử như các công ty là cấp dưới của chính quyền", ông nói thêm.

Liên minh Châu Âu đang đối mặt với những thách thức về chính sách kinh tế vĩ mô do khoảng cách kinh tế, các nước phía bắc như Đức có nền kinh tế mạnh mẽ hơn, trong khi các nước phía nam như Hy Lạp và Italy đang gặp khó khăn.

Trung Quốc cũng có thể gặp phải vấn đề tương tự. Chẳng hạn nếu Bắc Kinh xử lý chính sách tiền tệ dựa theo thành tích kinh tế của miền Nam, chính sách này có thể làm suy yếu thêm các tỉnh thành bắc.

Khoảng cách Bắc - Nam dự kiến ngày càng lớn, gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật