Vĩnh Phúc: Huy động tối đa nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ nay đến cuối năm 2020, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân nhằm đạt được các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020 ở mức cao nhất.
Vĩnh Phúc: Huy động tối đa nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020
Vĩnh Phúc sẵn sàng quỹ đất sạch tại các KCN để hút đầu tư.

Tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” để thúc tăng trưởng

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, nhiều năm gần đây luôn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá, thu ngân sách tăng đều qua từng năm, các mặt kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, khiến hầu hết các chỉ tiêu không đạt hoặc có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra, tiềm ẩn nhiều hệ lụy không tốt cho nền kinh tế địa phương.

Đặc biệt, một số nội dung quan trọng như thu – chi ngân sách, thu hút đầu tư, đầu tư công… bộc lộ nhiều vấn đề nan giải, cần khẩn trương có hướng giải quyết.

Theo ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch thường trực UND tỉnh Vĩnh Phúc, nửa đầu năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 35,44 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 3 ngành sản xuất thì chỉ duy nhất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, còn lại ngành công nghiệp ‑ xây dựng, trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc giảm 5,24%, riêng công nghiệp giảm tới 6,59%, các ngành dịch vụ ước giảm 4,04%...

Trước tình hình đó, ngày 20/6 vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy KTXH năm 2020. Đây là cuộc họp chưa có tiền lệ, được coi như một “hội nghị Diên Hồng” của tỉnh từ tái lập đến nay khi triệu tập toàn bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tham dự, thảo luận và đề xuất các giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Với quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ, 9 huyện, thành phố trong tỉnh đã ký cam kết, khẳng định sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm; công tác bồi thường GPMB, xử lý vi phạm đất đai, xây dựng hạ tầng cơ sở hoàn thành đạt tỷ lệ cao nhất.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ, sau khi họp bàn, đề xuất các giải pháp khắc phục, tỉnh thống nhất mục tiêu nhất quán và kiên định của địa phương là tiếp tục duy trì, đảm bảo thực hiện tốt việc phòng chống dịch; đảm bảo công tác an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

“Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục duy trì sức căng chống dịch Covid-19 như giai đoạn đầu “chống dịch như chống giặc”; không để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thờ ơ, thỏ‌a mã‌n hay chùng xuống, đứng ngoài hay lợi dụng việc chống dịch để thực hiện các  mưu cầu lợi ích cá nhân. Đặc biệt, sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng phát triển”, bà Hoàng Thị Thúy Lan nói.

Bốn điểm nghẽn sẽ được tập trung tháo gỡ

Với kết quả GRDP nửa đầu năm giảm 2,7% và mục tiêu GRDP năm 2020 ước tăng khoảng 3-4% so năm 2019, Vĩnh Phúc xác định rất nhiều khó khăn phía trước.

Khẳng định 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững bao gồm phát triển kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội, hướng tới mục tiêu trung tâm là con người và đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường, với mục tiêu tiếp tục ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được kết quả ở mức cao nhất, bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Vĩnh Phúc sẽ tập trung cao độ để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm của tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Một là, nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công. Cụ thể là cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thẩm định dự án ở các sở, kiên quyết cho thu hồi các dự án chậm triển khai, kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, xây dựng phương án bổ sung nguồn lực cho những nơi có thể hấp thụ vốn...

Hai là, tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu cụm công nghiệp, khu đô thị, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển kinh tế xã hội; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai...

 

Ba là, đẩy mạnh thu ngân sách, giải quyết dứt điểm các khoản chi đã có trong kế hoạch, chi chuyển nguồn..., bằng việc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các nguồn thu, quản lý chặt đối tượng; thu hết các khoản nợ tồn đọng; giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc về thuế...

Cuối cùng là làm tốt công tác cán bộ bằng cách tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra công vụ, đẩy mạnh kiểm soát trách nhiệm thực thi, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, thờ ơ, vô cảm với công việc, sẵn sàng điều chuyển những vị trí không đảm đương được công việc được giao...

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Về các giải pháp trong các lĩnh vực cụ thể, một trong những lĩnh vực được tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên là sản xuất công nghiệp. Ông Lê Duy Thành cho biết, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất trong KCN, đề xuất thu hồi đối với các trường hợp sử dụng không hiệu quả để phục vụ kêu gọi đầu tư.

Đồng thời, chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thu hút các dự án vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cơ khí, điện tử, công nghệ cao.

Thực hiện thu hút đầu tư theo quy hoạch, gắn với phát triển bền vững, tập trung vào các KCN đang hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy KCN, ưu tiên phát triển các KCN thu‌ộc đị‌a bàn huyện Bình Xuyên (KCN Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc).

Vĩnh Phúc thực hiện thu hút đầu tư tập trung vào các KCN đang hoạt động.

Một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19 là giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ tạo đà tăng trưởng cho các ngành nghề khác. Ông Lê Duy Thành cho biết, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020.

Trên thực tế, năm 2020, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh là 6.624,5 tỷ đồng, trong đó, gần 6.475 tỷ đồng là vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương và 149,7 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương.

Toàn tỉnh đã phân bổ chi tiết gần 6.340 tỷ đồng cho các ngành, địa phương theo kế hoạch. Đến 31/5/2020, toàn tỉnh mới giải ngân hơn 1.352 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch; lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6/2020 ước đạt hơn 1.703 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất một số giải pháp cụ thể như tiếp tục thực hiện rà soát các công trình, dự án đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được phép kéo dài thời hạn thanh toán sang năm 2020; Đề nghị thu hồi nguồn vốn đã bố trí cho các dự án chưa có nhu cầu sử dụng 100% vốn để bổ sung cho các dự án khác có nhu cầu nhằm đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch...

Đồng thời, lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa của tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư, nhất là tiến độ thực hiện dự án và công tác GPMB để hoàn thành kế hoạch đầu tư công được giao năm 2020.

Đặc biệt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng, nhất là các công trình, dự án lớn, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 từ các công trình, dự án không thể giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân cao hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật