Đến tháng 10, TP.HCM sẽ giải ngân 80% vốn đầu tư công

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ tịch TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân 80% vốn đầu tư công trong tháng 10 và kiến nghị Chính phủ thay đổi quy định về chuyển tỷ lệ vốn đầu tư công trung hạn giữa 2 giai đoạn.
Đến tháng 10, TP.HCM sẽ giải ngân 80% vốn đầu tư công
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HMC.

Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm được tổ chức sáng 2/7.

"Thành phố xác định nỗ lực quyết tâm nhiều hơn vì sự chậm lại của thành phố sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định và đặt ra 8 giải pháp phát triển thành phố trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đặt mục tiêu hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân của thành phố phải trên 80%.

Chủ tịch TP.HCM nhắc lại Điều 89 Luật Đầu tư công 2019 quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20%.

"Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương. Kiến nghị Thủ tướng quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, theo đó, quy định vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng với kỳ trung hạn 2026-2030", Chủ tịch Phong kiến nghị.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thành phố và các địa phương sớm triển khai thẩm định nguồn vốn cũng như khả năng cân đối vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Báo cáo về tình hình 6 tháng đầu năm, người đứng đầu TP.HCM cho biết tình hình kinh tế - xã hội quý II chuyển biến tốt hơn quý I. Theo Tổng cục thống kê, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 1,02%. Tuy nhiên, Chủ tịch Phong cho biết theo tính toán của TP.HCM thì tỷ lệ tăng GRDP của thành phố phải là 2% vì về quy mô, thành phố đóng góp trên 25% GDP cả nước và 27% tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm.

Nhiều khu vực, ngành kinh tế tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như tổng doanh thu dịch vụ giảm 22,3%, lưu trú ăn uống giảm 47,3%, du lịch lữ hành giảm 71,2%. Hơn 2.500 doanh nghiệp phải giải thể, hơn 8.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Thu ngân sách Nhà nước hơn 163.000 tỷ, đạt 40% dự toán, giảm 14,4% so với cùng kỳ.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, thành phố phấn đấu đến tháng 9/2020 sẽ hỗ trợ 90% doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và duy trì họp tổ công tác đầu tư hàng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, trong kỳ họp HĐND tháng 7/2020, UBND TP dự định trình HĐND thành phố điều chỉnh chương trình kích cầu đầu tư, nâng mức hỗ trợ lãi suất cho mỗi dự án từ 100 tỷ lên 200 tỷ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân và chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Bên cạnh khó khăn, tình hình kinh tế TP.HCM cũng có nhiều điểm sáng. Khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18.000 tỷ, đạt 43% kế hoạch vốn, gấp 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ y tế tăng 11,6%, tài chính ngân hàng 7,8%...  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật