Người đàn ông bán vé số âm thầm thi đậu công chức huyện với số điểm cao khiến cả làng xôn xao

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhắc đến những người đi bán vé số, chúng ta dễ liên tưởng ngay tới những mảnh đời mưu sinh vất vả. Họ kham khổ, lấm lem, ít học và nhọc nhằn.
Người đàn ông bán vé số âm thầm thi đậu công chức huyện với số điểm cao khiến cả làng xôn xao
Ảnh minh họa

Xem Video: Sài Gòn_Chồng Tây, Vợ Việt Hơn 20 năm lang thang bán vé số ở Sài Gòn

Vậy mà diệu kỳ làm sao, ngay tại tỉnh Sóc Trăng, có người đàn ông bán vé số khiến cả làng xôn xao vì thi đậu công chức với số điểm cao đáng nể.

Anh tên là Kim Thái (39 tuổi) người dân tộc Khmer, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Khoang Tang, huyện Long Phú. Vì nhà đông anh em nên cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh “nghèo rớt mồng tơi”, nhưng lớn lên anh vẫn cần mẫn, chịu khó đi học.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp THPT, anh nộp hồ sơ và thi đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng. Học được 2 năm, anh Thái phải bỏ lỡ ước mơ làm thầy giáo vì gia đình không còn khả năng lo cho anh theo học. Bên cạnh đó cha mẹ lại già, các em còn nhỏ tuổi không ai làm ra tiền để kiếm sống.

Năm 2001, anh Thái kết hôn, sinh con rồi đi làm thuê, làm mướn đủ nghề, khi thì vác lúa thuê, khi thì đào đất mướn. Ngày cô con gái bước vào tuổi đi học, anh Thái quyết định đi bán vé số dạo để có thêm thu nhập.

Thời ấy, lúc nào anh cũng ấp ủ ước mơ, một ngày nào đó sẽ quay lại giảng đường. Khi cuộc sống gia đình có phần tạm ổn, năm 2009, anh Thái quyết định đăng ký học đại học ngành Luật hệ đào tạo từ xa của Trường đại học Cần Thơ.

Anh Thái vừa đi bán vé số vừa tranh thủ học bài (Ảnh: Báo )

Trên chiếc xe máy cũ kỹ, hằng ngày anh Thái đi khắp nơi trong huyện để bán vé số, từ trong xóm đến chợ thị trấn Long Phú, không ai mà không biết chàng bán vé số dạo Kim Thái.

Những lần đi bán vé số, anh thường mang chiếc cặp to tướng trên người, nhiều người ngạc nhiên hỏi đi bán vé số gì mà mang cặp to vậy, anh Thái cười đùa và bảo: “Đó là kiến thức của tôi”.

Theo anh Thái, do lịch học của anh mỗi tuần chỉ rơi vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật nên những ngày còn lại anh phải đi bán vé số ở khắp nơi trong vùng mới có thể dành dụm được tiền đóng học phí cho mình và tiền ăn học cho con.

Nhiều người cũng bắt gặp anh chàng bán vé số ngồi quán cà phê, hay ngồi ghế đá ở một gốc cây cổ thụ nào đó với cuốn sách, cuốn tập trên tay để học bài trong lúc vắng khách.

Căn nhà của anh Thái chứa rất nhiều sách (Ảnh: Báo )

Ông trời không phụ lòng người tốt, năm 2015, anh Thái nhận được tấm bằng đại học từ xa, với kết quả loại khá khiến gia đình, vợ con, hàng xóm của anh vỡ òa niềm vui, niềm tự hào.

Thời gian này anh cũng được nhận vào làm tại UBND thị trấn Long Phú với vị trí Phó trưởng ban bảo vệ dân phố, anh Thái cũng nhận được nhiều giấy khen do Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng trao tặng với danh hiệu đạt loại giỏi trong lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Tuy nhiên, do đồng lương không đủ sống nên anh quay lại với nghề bán vé số, mới có thể chăm lo đủ cho cả gia đình. Đến cuối năm 2017, khi Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỳ thi tuyển công chức, anh Kim Thái bảo với vợ là anh nộp đơn để thử vận may của mình thế nào.

Được vợ động viên hết lời, anh càng quyết tâm cao. Kết quả thi tuyển công chức của anh đạt tổng cộng 233 điểm. Sau lần thi “cá chép vượt vũ môn”, anh Thái phấn khởi tâm sự: “Khi nào được UBND H.Long Phú sắp xếp vào làm việc thì tôi sẽ không đi bán vé số nữa mà phải dốc hết tâm trí vào làm để hoàn thành công việc tốt hơn”

Anh Thái nghỉ mệt sau một ngày vất vả (Ảnh: Báo )

Có lẽ trong cuộc sống, hiếm có tấm gương nào được như anh Thái, bản lĩnh và ý chí vô cùng. Ngẫm xã hội ngoài kia, biết bao kẻ cũng dang dở chuyện học, nhưng mấy ai đủ dũng cảm để tự tin quay lại.

Rơi vào hoàn cảnh phải bán vé số nuôi gia đình, hẳn người đàn ông với niềm đam mê chữ nghĩa cũng một thời đau khổ, nhưng chẳng còn cách nào khác, anh phải dẹp bỏ “cái tôi” để mưu sinh, thoát nghèo.

Nhưng nào anh có sĩ diện bao giờ, anh luôn tranh thủ nạp thêm kiến thức, nhét thêm con chữ vào đầu mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.

Ai không hiểu lại tưởng anh làm màu. Nhưng chính cái sự ham học hỏi ấy, đã khiến anh đổi đời.

Lại nói, anh bắt đầu thi tuyển, học hành khi tuổi đã cao. Đến người trẻ đôi lúc còn oải vì khó nhằn vậy mà anh Thái làm một cách ngon ơ, mềm mượt.

Nào mấy ai biết, thi công chức là chuyện khó chứ đâu đùa. Bạn phải là người có bằng cấp rõ ràng (trước đó anh Thái đã đậu Đại học), sau đó phải trải qua một kỳ thì căng não về hệ thống Pháp Luật, chính trị, tiếp nữa là phần thi ngoại ngữ, sau cùng là tin học.

Anh Thái trân trọng những bằng khen như kỷ niệm đẹp (Ảnh: Báo )

Vậy mới nói, đậu công chức đã khó, đậu với số điểm cao còn khó gấp bội lần. Và anh Thái chính là kỳ tích khiến xóm nghèo tự hào, ngưỡng mộ, vui lây.

Nhưng nể nhất chính là thái độ sống của người đàn ông ấy, trước khi có việc làm chính thức, anh vẫn vui vẻ đi bán vé số mưu sinh.

Đời anh, chưa bao giờ thấy xấu hổ vì bản thân là người có ‘chữ nghĩa’ mà phải đi làm công việc chân tay. Bởi chính anh hiểu hơn ai hết, lao động chân chính là vinh quang, nghề nghiệp không phân biệt sang hèn.

Sau cùng, chỉ mong lắm từ câu chuyện này, những bạn trẻ và cả những ‘bạn già’ như chúng ta, hãy lấy đó làm gương mà phấn đấu.

Sự học chưa bao giờ là muộn, ước mơ không được phép dở dang. Cuộc đời mỗi người chỉ có 1 lần, hãy sống sao cho xứng đáng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật