Vi phẫu hồi sinh cánh tay bị liệt cho anh tài xế bị tai nạn giao thông

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa thực hiện vi phẫu hồi sinh cánh tay bị liệt do tổn thương đám rối cánh tay cho bệnh nhân sau tai nạn giao thông. Đó là trường hợp của anh T.Q.K. 33 tuổi, quê ở Cần Thơ.
Vi phẫu hồi sinh cánh tay bị liệt cho anh tài xế bị tai nạn giao thông
Ca phẫu thuật đầu tiên của bệnh nhân K., anh phải trải qua 4 ca phẫu thuật để phục hồi từng bộ phận

Xem Video: phẫu thuật thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam

6 tháng trước, anh K. đang là một tài xế cho một công ty tại Cần Thơ. Trong một lần chạy xe từ công ty về quê ngoại ở Kiên Giang thì chẳng may gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, hậu quả khiến anh bị chấn thương nặng vùng cánh tay. Anh K. được chuyển lên TPHCM phẫu thuật xử lý lắp inox để bảo tồn cánh tay gãy, tuy nhiên vì có tổn thương thần kinh đám rối cánh tay nên cánh tay trái anh K. bị liệt hoàn toàn.

Những tháng ngày đó, với anh K. cuộc sống như bế tắc. Từ một thanh niên khỏe mạnh công việc ổn định, nay phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân, công việc cũng mất.

Anh K. tâm sự: “Sau giờ làm tôi chạy xe máy về quê chơi, vì quãng đường xa cộng thêm hơi mệt nên tôi chạy mới nửa đường thì ngủ gục hồi nào không hay, rồi té xuống đường. Mới lúc chiều còn khỏe mạnh, bỗng tích tắc biết mình bị liệt cánh tay, rồi công việc cũng mất luôn, thời gian đó tôi như bị trầm cảm…”

6 tháng trôi qua, sức khỏe anh K. đã dần hồi phục chỉ duy nhất cánh tay là không thể tự chủ. Sau khi tìm hiểu và hỏi han nhiều người, anh K. tìm đến bệnh viện S.I.S Cần Thơ, với mong muốn điều trị dứt điểm mà không cần lên tới TPHCM xa xôi, tốn kém, vì anh K. biết gia đình mình còn rất nhiều khó khăn.

Tại đây, qua khai thác bệnh sử và kiểm tra, các bác sĩ xác định anh K. bị liệt tay trái do tổn thương đám rối cánh tay hậu quả của tai nạn giao thông. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành phương pháp mổ vi phẫu chuyển thần kinh và chuyển cơ để từng bước hồi sinh cánh tay lại cho anh K..

Theo ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại, bệnh viện S.I.S: “Trường hợp của bệnh nhân K. phải trải qua 4 ca phẫu thuật để phục hồi từng bộ phận. Bắt đầu từ vùng vai (để có thể nâng lên xuống vai) đến vùng khuỷu tay (để có thể gập duỗi), sau đó đến cổ tay và cuối cùng là bàn tay (để có thể cầm nắm). Mỗi lần phẫu thuật cách nhau khoảng 6 tháng, như vậy bệnh nhân cần ít nhất một năm rưỡi nữa để phục hồi hoàn toàn chức năng. Tuy thời gian dài, nhưng đó là giải pháp tốt nếu không cánh tay bệnh nhân sẽ trở thành “vật thừa vướng víu”, khi đó buộc phải cắt bỏ cánh tay”.

Trước hoàn cảnh khó khăn của anh K., bệnh viện đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân để anh có cơ hội phẫu thuật sớm.

Sau ca phẫu thuật đầu tiên, hiện anh K. đã có thể nâng cánh tay theo y lệnh của bác sĩ.

Anh phấn khởi nói: “Mình cảm giác được cánh tay dần ấm lên, có thể nâng lên hạ xuống vùng bả vai rồi, cảm thấy nó không vô dụng như mấy tháng trước. Mong muốn lớn nhất là tôi có thể hồi phục lại, để trở lại cuộc sống như trước đây. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân, bệnh viện S.I.S và bác sĩ Trung đã giúp đỡ, để có thể phẫu thuật suôn sẻ…”

Bác sĩ Trung thông tin thêm: Đối với trường hợp bệnh nhân bị tổn thương cánh tay kèm liệt, nguyên nhân hàng đầu thường không phải do tổn thương đám rối mà có thể do tổn thương cột sống cổ hoặc chấn thương sọ não cũng có thể dẫn đến liệt.

Chính vì thế, khi bệnh nhân có biểu hiện liệt vùng tay chân thì bệnh nhân nên đến ngay các bệnh viện có chuyên khoa về thần kinh, chấn thương chỉnh hình để được khám và chẩn đoán tốt nhất. Nếu “bỏ sót” vấn đề này, khả năng phục hồi thấp và thời gian kéo dài. Trong khi, bệnh nhân được phẫu thuật sớm trong 3 tháng đầu, thì khả năng phục hồi cao và thời gian ngắn. Khi đó bệnh nhân chỉ cần trải qua 2 ca phẫu thuật, một là để chuyển thần kinh; hai là chuyển cơ để phục hồi vận động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật