Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên nhiều mô hình vượt trội trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Người dân xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) sử dụng máy thu hoạch chè. Ảnh: THÙY PHƯƠNG

Về lĩnh vực thủy lợi, Chương trình xây dựng các mô hình nổi bật như: Gia tăng mực nước ngầm trong đồi cát từ 2,5 đến 4 m phục vụ nước tưới và nước sinh hoạt; giảm giá thành đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác công trình nước sạch, thủy lợi nội đồng; tiết kiệm nước tưới 20 đến 30%, đồng thời tăng năng suất cây trồng hơn 10%; giúp nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng hiệu quả 5 đến 7 lần.

Trong lĩnh vực môi trường nông thôn đã xây dựng các mô hình: Tổ chức quản lý tổng hợp chất thải ở xã xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, cho hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp tự nguyện phí vệ sinh môi trường của người dân được nâng cao, doanh thu phí vệ sinh môi trường ở các xã tăng gấp 2 đến 3,5 lần, tạo điều kiện ổn định công việc và tăng thêm thu nhập cho công nhân thu gom rác 30 đến 70%. Mô hình đã trình diễn các giải pháp công nghệ, tổ chức quản lý môi trường phù hợp với điều kiện cấp xã, có thể mở rộng ứng dụng cho các xã. Có nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình liên kết ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè xanh chất lượng cao ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang đã tăng năng suất chè gần 30%; tăng giá trị sản phẩm chè chế biến 20 đến 26,2%; tăng thu nhập bình quân trên 1 ha gần 30%. Ngoài ra còn có mô hình liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và quản lý trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sắn nhằm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt bình quân năng suất từ 35 đến 40 tấn/ha.

* Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, trọng tâm là cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Nhờ đó, đến nay Sóc Trăng đã có 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa, 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; hơn 26% thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 10,39% ở mức độ 4. Tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, giải quyết 1.334 loại thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp tỉnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của tỉnh đạt hơn 90%. Theo kết quả khảo sát, có 99,6% số tổ chức, cá nhân hài lòng với dịch vụ và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại trung tâm.

Để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, Sóc Trăng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành; triển khai thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, trong đó tập trung hoàn thiện các quy định về phân cấp trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, ngân sách... Chất lượng các văn bản quy phạm Pháp Luật được nâng lên, phù hợp với quy định của T.Ư và tình hình thực tế của tỉnh. Ngoài ra, Sóc Trăng đã đẩy mạnh việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy gắn với thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bước đầu đã thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian. Nhờ đó, chất lượng cán bộ, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn theo ngạch, chức danh là 99,6%; tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn là 93,6%, tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn là 99,5%. Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của Sóc Trăng đã tăng thêm 5 bậc, đứng ở thứ hạng 19 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật