Hóa điện tăng cao bất thường: Dân được thoải mái kiểm tra

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
EVN cho biết, người dân sử dụng điện được thoải mái kiểm tra công tơ điện nếu như nghi ngờ độ chính xác.
Hóa điện tăng cao bất thường: Dân được thoải mái kiểm tra
Nhiều hộ gia đình phản ánh tiền điện tăng cao bất thường trong tháng 6/2020.

Xem Video: Điện lực Hà Nội lý giải hóa đơn điện tăng cao

//

Hoá đơn điện tháng 6/2020 của nhiều hộ gia đình miền Bắc tăng đột biến gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần tháng trước, dù đã được "hỗ trợ vì Covid-19".

Anh Bùi Đăng Khoa (34 tuổi, ngụ tại TP. Hà Nội) khi nhận được hóa đơn tiền điện của gia đình thấy "giật mình" bởi số tiền cao gấp 4 lần tháng trước.

"Tháng nóng thì người tiêu dùng cũng biết sử dụng điện năng như thế nào để tiết kiệm. Nếu có tăng thì họ cũng phải dè chừng, đâu có thể mà tăng gấp 4-5 lần như vậy. Vì người dân đã tính toán số tiền hợp lý chi trả hàng tháng.

Cứ mỗi lần tăng gấp bốn, gấp năm lần, thì điện lực lại đổ thừa là do tháng nóng. Không ai dại mà sử dụng nhiều như vậy, nên coi lại nhân viên ghi số điện, và đồng hồ như thế nào? - anh Khoa bày tỏ.

Gia đình anh Khoa có 5 thành viên, tháng 4/2020 vì cách ly xã hội, cả gia đình anh phải về quê, tiền điện cũng tăng hơn mấy chục nghìn so với 1 tháng trước đó, mặc dù chỉ sử dụng điện nửa tháng.

Đến tháng 5/2020 thì tiền điện gia đình anh Khoa tăng lên gấp đôi so với tháng 3/2020, và đến tháng 6/2020 thì tăng tới gấp 4 lần. "Nhà tôi có 2 vợ chồng, 2 con nhỏ và 1 mẹ già. Ngày thường, vợ chồng tôi đi làm từ sáng tới tối mới về, hai con cũng đi học. Mẹ ở nhà chủ yếu chỉ sử dụng quạt. Tối chỉ có phòng con là mở điều hòa nhưng cũng lên tới hơn 700 số điện. Trong khi năm ngoái, hai con chưa đi học, mùa nóng điều hòa bật như cả ngày nhưng cũng không tới mức đó" - anh Khoa bày tỏ.

Còn anh Nguyễn Văn Hải (44 tuổi, ngụ Vạn Phúc, TP. Hà Nội) cho biết: "Từ ngày thay cái công tơ điện tử tiền điện tăng dần đều. Tôi đã thử lắp thêm công tơ trong nhà thì có chênh lệch nhau hỏi bên điện lực họ trả lời chênh nhau là do tiêu hao đường dây từ công tơ vào trong nhà trong khi dây bọc chứ không phải trần".

Nhiều hộ dân ở TPHCM cũng phản ánh với Tiền phong, mấy tháng qua, dù lượng điện tiêu thụ không thay đổi hoặc tăng không đáng kể so với trước nhưng hoá đơn tiền điện tăng rất cao. Anh Lê Minh Uy (ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8) cho biết, anh ở một mình và nhà chỉ dùng 1 máy lạnh, 1 tủ lạnh và 2 bóng đèn. Cả năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, trung bình mỗi tháng anh đóng khoảng 400-450 nghìn đồng tiền điện. Nhưng từ tháng 3 đến nay, mỗi tháng anh phải đóng gần 1,1 triệu đồng tiền điện.

“7h sáng tôi đã ra khỏi nhà và 10-11h đêm mới về đến nhà. Máy lạnh thì đi ngủ mới bật, tới 6h sáng là tắt, chỉ có tủ lạnh là cắm xuyên suốt. Tôi không hiểu vì sao mọi thiết bị đều dùng như cũ mà tiền điện lại tăng gần gấp 3”, anh kể. Khi phản ánh với ngành điện lực, anh Uy được giải thích rằng, do nắng nóng nên tiền điện tăng nhiều. Tuy nhiên, theo anh Uy, mọi hoạt động dùng điện trong nhà anh không có gì bất thường.

Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (chung cư Lê Thành, quận Bình Tân) cho biết, bình thường mỗi tháng nhà chị chỉ đóng 150-160 ngàn đồng tiền điện nhưng hai tháng gần đây, tiền điện tăng hơn 100 ngàn đồng/tháng. Nhà chị Vân không có máy lạnh, thiết bị điện chỉ có 3 bóng đèn, 1 tủ lạnh và 1 quạt. “Tôi đi làm suốt ngày, không hiểu tại sao tiền điện lại tăng. Thậm chí, có tháng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tôi về nhà người thân ở Tây Ninh chơi 2 tuần và tắt hết các thiết bị điện nhưng tiền điện vẫn tăng, rất khó hiểu”, chị nói.

Lý giải về việc tiền điện nhiều hộ gia đình tăng cao trong tháng 6/2020, thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua, dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng rất cao.

Theo EVN, vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc, miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa nhiệt độ) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến tiền điện tăng.

Số liệu thống kê của EVN cho thấy đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng Năm cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Đặc biệt trong số này, có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng Tư.

Về độ chính xác của điện kế (công tơ) và cách ghi chỉ số điện, theo đại diện EVN, các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Hiện tại các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa.

Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Đại diện EVN khẳng định, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được Đơn vị Điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ.

Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật