Lâm cơn bĩ cực
Những ngày sống trong dịch COVID -19 vừa qua, hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới đều lâm cơn bĩ cực và hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines cũng chung số phận.
Chia sẻ, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hầu như các hãng hàng không trên thế giới đều không còn tiền trên tài khoản. dịch COVID-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới. Trong đó, phần tiền vé khách đã mua phải hoàn lại vì hủy chuyến bay cũng “rất kinh khủng”. Riêng với VNA, phần tiền vé phải hoàn trong tháng 2-3/2020 lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng. “Đây là việc mất máu rất đột ngột”, ông Hiền nói.
Do dịch bệnh, VNA dự kiến sản lượng khai thác năm nay sẽ giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/năm (sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng). Trong đó, riêng chi phí cố định hằng tháng của VNA lên tới 2.100 tỷ đồng/tháng, chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng/tháng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các hãng VNA đang nắm nhiều cổ phần, như Jetstar Pacific dự kiến sản lượng và doanh thu cũng giảm tương ứng 64% so với cùng kỳ năm trước, lỗ 1.200 tỷ đồng; Hãng hàng không K6 (Cambodia Angkor Air) dự kiến giảm sản lượng và doanh thu khoảng 27%, lỗ 14,5 triệu USD. Các công ty thành viên khác của VNA cũng giảm lợi nhuận hơn 1.700 tỷ đồng, dự kiến VNA sẽ mất số tiền cổ tức tương đương 636 tỷ đồng. “VNA lỗ nặng nhưng vẫn trụ được, vì trước dịch, hãng có tiềm lực tài chính mạnh, khi có tích cóp hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt”, ông Hiền nói thêm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch Phát triển VNA chia sẻ thêm, việc phục hồi của hãng sẽ mất nhiều thời gian, khi toàn cầu vẫn còn trên 50% máy bay nằm đất. Với VNA, dù đã khôi phục toàn bộ mạng đường bay nội địa, thậm chí mở thêm 13 đường bay trong nước mới, với hệ số ghế được lấp đầy mỗi chuyến bay lên tới 85%. Tuy nhiên, doanh thu chưa thể bù đắp được chi phí, do hãng áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá vé, cùng đó là chi phí cố định khoảng 2.100 tỷ đồng/tháng, dù bay hay không bay vẫn trả. “Nhờ có hoạt động bay nội địa, mỗi tháng hãng có thêm nguồn thu 500-600 tỷ đồng bù chi phí cố định”, ông Trung nói.
Không chỉ VNA và Jetstar Pacific, các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng đối mặt không ít khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, khi kết thúc quý I/2020 vừa qua, mỗi hãng công bố số lỗ lần lượt là 989 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng.
Chờ bơm vốn
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), toàn ngành hàng không thế giới giảm doanh thu 419 tỷ USD do dịch COVID-19; dự kiến cả năm nay các hãng lỗ 84 tỷ USD. Dự kiến năm 2021, ngành này vẫn lỗ 16 tỷ USD và phải tới giữa 2022 hàng không mới thực sự phục hồi về quy mô như năm 2019. Một tính toán cũng cho biết: Các hãng hàng không cần 250 tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ. Hiện tại, một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Singapore… đã tung các gói hỗ trợ hãng hàng không, chính phủ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Dù vậy, vẫn có một số hãng đã tuyên bố phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản.
Còn tại Việt Nam, với VNA, ông Trần Thanh Hiền cho biết, từ tháng 2/2020 tới nay, VNA đã cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm lương... nhờ đó tiết kiệm chi phí khoảng 4.500 tỷ đồng; các đối tác cho thuê máy bay giảm hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay năm 2020-2021. “Nếu không có bơm vốn của Chính phủ, thì tháng 8/2020 hãng sẽ hết tiền” ông Hiền nhấn mạnh.
Hãng hàng không này cũng đã kiến nghị Chính phủ (vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước) hỗ trợ cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng, trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi. Và kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, cổ đông nhà nước có thể giao 1 đơn vị mua phần cổ phần này (như SCIC). Quy mô phát hành cổ phiếu được cân đối với phương án vay, đảm bảo tổng số vốn bổ sung cho VNA khoảng 12.000 tỷ đồng. Về trung dài hạn, VNA kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025. “VNA không xin tiền từ ngân sách nhà nước, mà chỉ xin hỗ trợ vay và sẽ trả”, ông Hiền nói thêm.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất với VNA chuyển giao 30% cổ phần đang sở hữu tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho VNA. VNA đang đàm phán với Qantas và báo cáo Chính phủ Việt Nam về việc tiếp nhận chuyển giao vốn từ Qantas sang VNA. Về dài hạn, VNA dự kiến sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới cho Jetstar Pacific. Dù đã qua nhiều lần tái cơ cấu, nhưng Jetstar Pacific Airlines vẫn lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng. Năm 2018-2019, sau nhiều năm thua lỗ, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu có lãi, nhưng dịch COVID-19 đẩy hãng vào thế khó khăn hơn.
Về mở lại các đường bay quốc tế, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế trên cơ sở cho phép của Chính phủ Việt Nam và các nước. Hãng đang khai thác thường lệ đường bay chở khách từ Hà Nội/TPHCM đi Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 5 chuyến/tuần, dự kiến sẽ tăng lên 14 chuyến/tuần vào tháng 7/2020 để chở khách Việt Nam sang Hàn Quốc. Vietnam Airlines cũng đã sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngaykhi được phép.