92,75% đại biểu tán thành thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 18-6, với 92,75% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
92,75% đại biểu tán thành thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Dự án Luật (ảnh: Quốc hội)

Luật được thông qua gồm 11 Chương, 101 Điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Luật được áp dụng đối với các bên trong hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về 5 nhóm lĩnh vực đầu tư PPP, tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP vì một số luật hiện hành cũng đang quy định áp dụng đầu tư theo phương thức PPP.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống Pháp Luật, tại Điều 99 cũng đã đề xuất sửa đổi một số điều khoản tại một số luật liên quan để thống nhất lĩnh vực đầu tư theo quy định của Luật PPP.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đầu tư PPP đối với các dự án có quy mô tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng và giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các dự án này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung theo hướng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Pháp Luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng.

Quy định này phù hợp với nhiều địa phương, các lĩnh vực đầu tư khác nhau nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu.

Riêng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý thì không khống chế tổng mức đầu tư tối thiểu do loại dự án này không có cấu phần xây dựng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật được thông qua qui định Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của Pháp Luật về kiểm toán nhà nước; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước.

Dự thảo Luật không quy định cụ thể về nội dung kiểm toán là kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động hay kiểm toán tài chính. Thời điểm kiểm toán, nghiệp vụ kiểm toán và kế hoạch kiểm toán thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật