Đỏ mắt tìm giảng viên đại học

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giảng viên đủ chuẩn được xem là nguồn lực trọng yếu của các cơ sở giáo dục ĐH. Không ít đơn vị chấp nhận chi một khoản tiền lớn để có được giảng viên hay nhân sự chủ chốt. Thế nhưng có nhiều vị trí tìm hoài không thấy.
Đỏ mắt tìm giảng viên đại học
Xu hướng tuyển giảng viên nước ngoài gặp không ít khó khăn về tài chính với các trường. Ảnh minh họa

Khó tuyển tiến sĩ đầu ngành

Với quy mô trên 1.400 cán bộ, giảng viên, nhân viên, ít ai biết Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM (TDTU) trước đây cũng từng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những vị trí nhân sự/giảng viên để hội đủ tiêu chuẩn hoạt động của một ngành đào tạo theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU, một số ngành lúc đầu rất khó tuyển giảng viên, nhân sự có trình độ tiến sĩ (TS) như: Mỹ thuật công nghiệp, Nhà hàng - Khách sạn, quan hệ lao động, Quản lý Thể thao và Sự kiện…

"Có một số ngành học theo quy định phải có TS đầu ngành, nhưng trong nước chưa đào tạo trình độ TS ngành này nên tìm kiếm nhân sự rất khó. Trong quá trình đào tạo, nhà trường từng bước tạo điều kiện để GV, SV mới tốt nghiệp đi học tại các nước có đào tạo đúng chuyên ngành. Đến nay, nhà trường cơ bản giải quyết xong tình trạng thiếu TS thuộc hàng hiếm" - Hiệu trưởng TDTU cho biết.

Xu thế hội nhập thế giới ngày càng diễn ra sâu rộng, kéo theo việc dịch chuyển nguồn nhân lực, trong đó có lực lượng giảng viên các trường ĐH. Tuyển được nhân sự phù hợp đã khó nhưng để họ chịu ở lâu dài cũng là vấn đề nan giải. Điều này lý giải cho việc một giảng viên thời gian trước làm ở trường A nhưng sau đó lại trở thành giảng viên cơ hữu của trường B.

Tháng 10/2019, Trường ĐH Hoa Sen TPHCM (HSU) loan tin TS Franco Gandolfi (Hiệu trưởng và Giám đốc điều hành tại ĐH Quốc tế Manipal, Kuala Lumpur, Malaysia) về làm việc chính thức tại trường với vị trí Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị. Theo thông tin nhà trường cung cấp, TS Franco Gandolf có hơn 32 năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý cấp cao ngành giáo dục tại một số trường cao đẳng và đại học trên thế giới. Tuy nhiên, mới đây đại diện HSU cho biết TS Franco Gandolfi không còn là nhân sự cơ hữu của trường nữa mà chỉ tham gia với vai trò thỉnh giảng.

Chia sẻ về việc thu hút nhân lực cho đơn vị, PGS.TS Thái Bá Cần – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen cho rằng: Đơn vị tập trung vào hai vấn đề lương và môi trường làm việc.

"Chúng tôi xây dựng được văn hóa gắn kết nhân viên của trường với tập đoàn; tạo nhiều phúc lợi cho nhân viên trong tập đoàn; những cá nhân tài năng có chế độ đãi ngộ khuyến khích đặc biệt để thu hút nhân tài. Đồng thời, áp dụng chế độ lương theo KPI của từng ứng viên. Từ khi áp dụng chính sách này, số lượng TS, PGS của tập đoàn tăng lên nhiều; có cả GV nước ngoài tham gia giảng dạy, quản lý…" - PGS.TS Thái Bá Cần cho biết.

ThS Grant Brownlee Ackermann (quốc tịch Mỹ) giảng dạy tại LHU. Ảnh: NTCC

Bài toán thu nhập

Theo TS Trương Vĩnh An - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), thời gian qua một số ngành: Công nghệ Thông tin, Nhiệt rất khó tuyển. Lý do, học xong người ta đi làm bên ngoài thu nhập cao hơn đi dạy. Do đó, việc tạo ra môi trường để thu hút cực kỳ quan trọng.

Giảng viên có trình độ ít, nhu cầu cao, với các cơ sở GDĐH công lập hoạt động theo mô hình tự chủ ,cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực không kém phần khốc liệt. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), để thu hút và giữ chân người tài, lương và môi trường làm việc là hai vấn đề then chốt. Do hoạt động theo mô hình tự chủ nên trường xây dựng được mức lương phù hợp với từng vị trí của các ứng viên; đồng thời tạo lập môi trường làm việc để người lao động yên tâm công tác.

"Những trường ĐH công lập tự chủ có thuận lợi trong việc xây dựng bảng lương và thỏa thuận mức lương với người lao động. Đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ vướng cơ chế nên rất khó. Nhờ làm truyền thông tốt, thời gian đầu toàn trường chỉ có 5 PGS đến nay lên gần 50 người; TS có 50 người nay trên 150 người" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Mặc dù là cơ sở GDĐH tư thục thuộc tỉnh Đồng Nai, nhưng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU) hiện có 17 giảng viên nước ngoài đang làm việc và giảng dạy. Phần lớn giảng viên ngoại quốc theo dạy tại LHU thuộc các chuyên ngành liên quan đến ngôn ngữ. Nhà trường tuyển dụng thông qua thông báo, mối quan hệ với các văn phòng đại sứ quán và giới thiệu của giảng viên đã theo học tại nước ngoài hay hoạt động hợp tác quốc tế.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, trước đây trường khó tuyển TS ngành Ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung… do chưa có đào tạo trong nước. Để tuyển dụng nhân lực thuộc hàng hiếm này phải có chế độ đãi ngộ tốt hơn so với các nhóm khác, như tạo điều kiện về thời gian làm việc, mức lương, phụ cấp… Cơ chế mở đồng thời mang tính thúc ép giảng viên của khoa phải nâng cao trình độ. Nhà trường có chính sách giảng viên đi học nhưng vẫn hưởng 100% lương.

Để thu hút, giữ chân giảng viên, trường có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ học nâng cao trình độ, kĩ năng giảng dạy; Hỗ trợ Bảo hiểm nhân thọ cho cấp quản lý; Tạo môi trường làm việc thân thiện và cơ sở vật chất hiện đại; Có văn bản mô tả công việc cho từng bộ môn được đăng tải công khai, ứng viên có thể dễ dàng xem thông tin để biết phù hợp hay không; Đánh giá năng lực giảng viên theo thực tế để tổ chức nâng cao trình độ kịp thời. - ThS Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông (ĐH Nguyễn Tất Thành)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật