Cô gái xứ Nghệ khởi nghiệp với băng vệ sinh vải ‘made in Việt Nam’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khởi nghiệp với sản phẩm vốn được coi là “tế nhị” của phụ nữ - băng vệ sinh - song Minh Ngọc (26 tuổi) đang chứng minh với đam mê, tâm huyết đủ nhiều sẽ được đền đáp thành công.
Cô gái xứ Nghệ khởi nghiệp với băng vệ sinh vải ‘made in Việt Nam’
Minh Ngọc có hơn 3 năm kinh doanh sản phẩm băng vệ sinh vải tại Việt Nam.

Đón phóng viên vào một trong những ngày nắng nóng kỷ lục tại Hà Nội, Minh Ngọc mời Báo lên văn phòng công ty mang tên Green Lady Vietnam trò chuyện.

Căn phòng chỉ rộng khoảng 12 m2, sạch sẽ, trưng bày đủ loại băng vệ sinh vải sặc sỡ và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe kỳ kinh nguyệt phụ nữ. Đây cũng là “đại bản doanh” của Ngọc cho và cộng tác viên làm việc mỗi ngày.

Tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương Hà Nội, cô gái xứ Nghệ cách đây vài năm không hề nghĩ mình sẽ khởi nghiệp kinh doanh, mà lại còn với sản phẩm băng vệ sinh - vật dụng vẫn bị nhiều người ngại ngùng khi nhắc đến.   

Vậy mà hơn 3 năm qua, Minh Ngọc cùng các cộng sự đang dần thay đổi được thói quen tiêu dùng của một bộ phận phái đẹp trong ngày “đè‌n đ‌ỏ”, vừa giúp họ chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn, vừa giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Trong suốt buổi trò chuyện, nữ founder hăng say kể về những dự án, sản phẩm tâm huyết của mình cũng như mong mỏi về việc truyền tải một lối sống xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn cho phụ nữ Việt.

Hóa ra sản phẩm ngày “đè‌n đ‌ỏ” có nhiều loại như vậy

Minh Ngọc lần đầu biết tới băng vệ sinh vải khi tham gia khóa học Thiết kế cộng đồng sinh thái (Eco-village Design Education) ở Thái Lan năm 2016. Khi đó, trong một buổi nói chuyện giữa các thành viên nữ, người điều phối giới thiệu về chiếc băng vệ sinh vải có thể tái sử dụng sau khi giặt sạch.

Bất ngờ xen thích thú bởi trước đó chỉ biết tới băng vệ sinh thông thường, Ngọc hào hứng đặt mua luôn từ một hãng của Ấn Độ để trải nghiệm.

“Lúc đó, mình còn đùa với bạn là chưa bao giờ mong một tháng có 2 lần đến kỳ như vậy để được thử sản phẩm mới. Khi dùng thì mình thấy thoải mái, dễ chịu đồng thời cảm giác nhẹ nhõm vì không phải xả rác ra môi trường nữa”, Ngọc kể.

Trung bình, một người phụ nữ sử dụng từ 5.000-10.000 sản phẩm vệ sinh dùng một lần trong suốt cuộc đời, theo Pandiahealth. Trong đó, một chiếc băng vệ sinh thông thường có thời gian phân hủy lâu tương đương 4 túi ni lông.

Nhận thấy lượng rác khổng lồ từ kỳ kinh nguyệt phụ nữ có thể xả ra môi trường, Ngọc nảy ra ý tưởng đem băng vệ sinh vải về giới thiệu ở Việt Nam và chia sẻ trải nghiệm của mình cho các bạn nữ.

Băng vệ sinh vải có thể tái sử dụng sau khi giặt sạch.

Nghĩ là làm, 9X cùng một người bạn Campuchia lên kế hoạch xin quỹ thực hiện dự án và quỹ Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tài trợ ở cả hai nước.

Ban đầu, Ngọc không chủ đích kinh doanh mà chỉ hướng đến mục tiêu giới thiệu cho nhiều người dùng vì có trải nghiệm tốt và cũng để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, càng làm càng thấy thú vị, càng muốn triển khai nhiều hơn, năm 2017, 9X quyết định thành lập công ty để phân phối sản phẩm này tại quê hương.

Băng vệ sinh vải “made in Vietnam”

“Ban đầu, nhập khẩu sản phẩm từ Ấn Độ thấy tốt rồi nhưng mình nghĩ có thể sửa tốt hơn, phù hợp với người Việt hơn đồng thời muốn tự mình làm chủ thay vì phụ thuộc vào sản phẩm nơi khác mãi. Vì vậy, mình quyết định nghiên cứu, tự sản xuất”, Ngọc nói.

Với niềm tin đó, cuối năm 2017, 9X bắt đầu tìm vải, thiết kế và tìm nơi gia công. Nói thì dễ, bắt tay vào làm là một quá trình khác. Ngọc từng cùng bạn rong ruổi qua các làng vải ven Hà Nội trong nhiều ngày nhưng không tìm được loại vải ưng ý vì một chiếc băng có nhiều lớp, mỗi lớp lại yêu cầu loại vải phù hợp với chức năng.

Đến nay, sau nhiều lần cải tiến, Ngọc tự hào mình có thể cho ra thị trường băng vệ sinh vải “made in Vietnam 100%”.

Không chỉ vậy, băng vải của cô còn có điểm tiện lợi hơn một số sản phẩm tương tự trên thế giới như có đường mở lõi ở mép, có thể thêm bớt miếng lót tùy nhu cầu đồng thời dễ vệ sinh và phơi khô hơn.

Minh Ngọc mất nhiều thời gian để hoàn thiện sản phẩm băng vệ sinh vải "made in Vietnam 100%".

Để so sánh, băng vệ sinh vải hoạt động như băng thường, với thời gian sử dụng 4-6 tiếng, độ thấm hút tương đương, kích thước tương đương chỉ khác nhau ở chỗ sau khi dùng, băng vải có thể giặt và tái sử dụng, không thải rác ra môi trường.

Bên cạnh đó, bề mặt băng vải gần như không có tác động từ các chất hóa học lên da như băng thường như chất tẩy trắng, tạo mùi nên người có da nhạ‌y cả‌m cũng dễ sử dụng.

“Tất nhiên thử thách ở băng vệ sinh vải ở việc giặt, còn lại, nhiều người dùng chia sẻ với mình họ cảm nhận sự thông thoáng hơn loại thường”, Ngọc cho biết.

Hiện mỗi tháng, Ngọc bán được từ vài chục đến một trăm chiếc băng vệ sinh vải, con số còn khiêm tốn song Ngọc tự hào nó ổn định, và tỷ lệ khách quay lại mua sau khi sử dụng cao. Mỗi chiếc băng vải có giá 90.000-160.000 tùy loại và có thể sử dụng 2-3 năm.

Ngoài ra, Green Lady Vietnam còn là nơi phân phối nhiều sản phẩm liên quan đến kỳ kinh nguyệt như cốc nguyệt san, xà phòng giặt, xịt thảo dược, thuốc xông, trà… Nhóm khách hàng của cô là phụ nữ 22-35 tuổi, sống tại các thành phố lớn và có điều kiện kinh tế ổn định, quan tâm đến môi trường và các sản phẩm lành tính.

Ngoài băng vệ sinh vải tự sản xuất, Green Lady Vietnam là nơi phân phối nhiều sản phẩm hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe trong kỳ kinh nguyệt.

Chuyện “tế nhị” không còn khó nói

Sản phẩm hay, tích cực với môi trường là vậy, con đường để Ngọc đem băng vệ sinh vải đến người dùng không hề dễ dàng. Thậm chí ban đầu, dù được nhiều bạn bè khen ngợi ý tưởng, không có ai mua ủng hộ cô chiếc băng vải nào vì còn tâm lý ngại, phiền.

“Lúc làm, mình mới nhận ra để chuyển từ dùng băng vệ sinh thường sang băng vải là phải thay đổi cả nhận thức, lối sống chứ không chỉ đơn giản mua về dùng. Không dễ như việc chuyển qua dùng túi vải, ống hút tre, băng vệ sinh phải giặt, phơi rồi tính toán dùng loại nào, đó là lựa chọn khó, cần nhiều nỗ lực”, Ngọc nói.

Tuy nhiên theo nữ founder, việc tính toán ấy nghe có vẻ mệt nhọc nhưng sẽ giúp người dùng hiểu về bản thân, hiểu về kinh nguyệt của mình hơn chứ không chỉ là nhu cầu dùng sản phẩm hay vấn đề môi trường nữa.

Minh Ngọc hy vọng có thể khiến nhiều phụ nữ hiểu về sức khỏe bản thân, thay đổi lối sống trở nên thân thiện với môi trường hơn qua các sản phẩm của mình.

Cũng từ tâm lý ngại ngùng, ít chia sẻ của nhiều khách hàng, Minh Ngọc còn tổ chức các lớp học, buổi workshop chia sẻ các giá trị sống xanh và kiến thức sinh sản cho nữ giới.

Điều cô gái sinh năm 1994 muốn hướng tới không chỉ về sản phẩm mà còn là việc phụ nữ có thể chủ động, tự tin hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình.

“Dùng sản phẩm nào cũng được, miễn là phù hợp với c‌ơ th‌ể. Hiểu nhầm là một chuyện, định kiến là một chuyện khác, nên hiểu kinh nguyệt để hiểu và thông cảm cho phụ nữ hơn. Phải chia sẻ với nhau nhiều hơn, nói về nó nhiều hơn, càng chia sẻ càng thấy nó phong phú, đa dạng”, Ngọc bày tỏ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật