Vì sao chứng khoán trong nước đột ngột giảm mạnh?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi chạm mốc 900 điểm, VN-Index hôm nay mất 3,6%, mức giảm mạnh nhất từ tháng 4. Chuyên gia cho rằng việc thị trường điều chỉnh là diễn biến phù hợp sau giai đoạn tăng nóng.
Vì sao chứng khoán trong nước đột ngột giảm mạnh?
VN-Index điều chỉnh mạnh sau giai đoạn tăng điểm liên tục từ đầu tháng 4. Ảnh: VNDS.

Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay chứng kiến phiên giao dịch giảm mạnh nhất từ đầu tháng 4. Trong phiên sáng, VN-Index duy trì được sắc xanh nhưng áp lực bán tăng đột ngột trong phiên chiều kéo thị trường giảm sâu. Đóng cửa phiên 11/6, VN-Index mất 33 điểm, giảm 3,6% còn 867 điểm.Thị trường đóng cửa với độ rộng tiêu cực.

Trên sàn HoSE, có tới 312 mã giảm giá và chỉ 82 cổ phiếu tăng điểm. Trong nhóm VN30, không có cổ phiếu nào chốt phiên với sắc xanh. Ngoại trừ NVL (Novaland) và SBT (Thành Thành Công – Biên Hòa) giữ nguyên mốc tham chiếu, 28 mã còn lại đi xuống gồm 10 mã giảm kịch biên độ.

Các mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường hôm nay lần lượt là BID (BIDV), GAS (PV Gas), VIC (Vingroup), CTG (Vietinbank), VCB (Vietcombank). Trong đó, VIC giảm 3%, VCB giảm 2%, 3 cổ phiếu còn lại cùng giảm sàn.

Phiên giao dịch hôm nay xác lập kỷ lục mới về thanh khoản. Hơn 707 triệu cổ phiếu được sang tay trên sàn HoSE, con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Tổng giá trị giao dịch đạt 9.998 tỷ đồng.

Trao đổi với Zing, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, cho rằng việc thị trường điều chỉnh giảm mạnh là diễn biến phù hợp khi chứng khoán tăng quá mạnh trong 2 tháng rưỡi vừa qua.

Ông Khánh nhấn mạnh mức tăng của thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua không tương đồng với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ông ví von “thị trường chứng khoán như tên lửa còn nền kinh tế mới chỉ đi bằng chiếc xe đạp”.

Theo vị chuyên gia, khi thị trường trải qua xu hướng tăng dài, việc điều chỉnh giảm rất cần thiết. Chứng khoán trong nước từ đầu tháng 4 đã tăng quá nóng trong thời gian dài mà hầu như chưa có sự điều chỉnh đúng nghĩa. Nhiều nhà đầu tư cũng đang mong đợi chứng khoán giảm giá để mua vào vì nhiều người vẫn đứng ngoài thị trường trong giai đoạn vừa qua.

“Việc chứng khoán tăng liên tục trong 2 tháng rưỡi vừa qua khiến động thái chốt lời diễn ra mạnh hơn. Những người đã mua vào, cầm sẵn cổ phiếu chỉ đợi có biến động sẽ bán ngay. Sáng nay thị trường vẫn tốt nhưng về gần cuối phiên, lực bán tăng lên nên thành hiệu ứng người này đẩy người kia bán ra”, ông Khánh nhận định.

Bên cạnh đó, thị trường thế giới hôm nay cũng tác động tiêu cực. Các chị trường châu Á đồng loạt mất điểm trong phiên chiều nay.

Chứng khoán Mỹ đã giảm 2 phiên liên tiếp và chỉ số tương lai cũng đang giảm khá mạnh.

Phân tích sâu hơn, chuyên gia tài chính này cho biết từ đầu năm đến nay có hơn 130.000 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư tổ chức mở mới thấp nhất trong vòng 2 năm.

Trên thị trường, lực đỡ chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước trong khi nhà đầu tư tổ chức và đặc biệt khối ngoại liên tục bán ròng.

Do đó, bệ đỡ của thị trường trở nên thiếu bền vững khi dòng tiền chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. “Khi các nhóm nhà đầu tư không cùng quan điểm thì thị trường vẫn tăng trong xu hướng ngắn hạn nhưng hài hạn thì rất khó. Hơn nữa, khi vùng giá ngày càng cao, dòng tiền chỉ từ một nhóm sẽ rất khó đỡ được thị trường”, ông Khánh nói.

Vị chuyên gia nghiêng về xu hướng tiêu cực trong thời gian tới của chứng khoán. Theo ông, thị trường có thể tiếp tục giảm. Nếu chứng khoán tăng điểm trở lại, đó sẽ là cơ hội để nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu, thu về tiền mặt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật