Thủ tướng: Không thể đổ lỗi dự án đường sắt Cát Linh cho khóa trước

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhắc đến những vấn đề bất cập, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng thừa nhận việc giải quyết không dễ dàng song, không thể đổ lỗi cho khóa trước.
Thủ tướng: Không thể đổ lỗi dự án đường sắt Cát Linh cho khóa trước
Ảnh minh họa

Dự án Cát Linh - Hà Đông tiếp tục là cái tên được nhắc đến nhiều trong phiên thảo luận tại tổ chiều 8/6 về tình hình kinh tế xã hội. Không chỉ có các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận đây là dự án bất cập, khó giải quyết, rất mất thời gian.

Cố gắng vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội

Khái quát bức tranh chung về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến thành quả Việt Nam từ một đất nước thiếu ăn, nợ nần chồng chất, đã vượt qua nhiều thác ghềnh để tiến bước. Đến nay, chúng ta đã có những chiến thắng vang dội, có tên trên bản đồ thế giới, được thế giới biết đến và ca ngợi.

Theo người đứng đầu Chính phủ, 2019 là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Trung ương, Đảng, Quốc hội giao và “chưa bao giờ có tích lũy lớn như thế”.

“Từ một nước phải vay ngân hàng trả lương, ta đã có tích lũy toàn diện. Trước đây chúng ta toàn huy động sức dân, nhưng nay lần đầu tiên ta hỗ trợ cho dân với con số 100.000 tỷ đồng (gồm gói an sinh 62.000 tỷ hỗ trợ cho đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các hỗ trợ khác về điện, nước, viễn thông)”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với những bất cập chưa được giải quyết, không thể đổ lỗi cho khóa trước hay khóa sau mà phải cùng nhau chịu trách nhệm. Ảnh: Hải Quân.

Song, trong quá trình của sự phát triển ấy, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều bất cập không dễ dàng gì giải quyết được. Ông điểm đến những dự án thua lỗ hay tuyến đường sát Cát Linh - Hà Đông đang khiến dư luận có nhiều ý kiến.

Dù nói không dễ giải quyết các bất cập này, người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm “không thể đổ lỗi cho khóa trước hay khóa sau”, bởi theo ông, khóa trước cũng đều là “những người ngồi đây cả”, cũng đều là thành viên Chính phủ, là ủy viên Trung ương và phải cùng chịu trách nhiệm.

Ông thẳng thắn thừa nhận công tác điều hành qua các thời kỳ có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ, không khắc phục nổi... Về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng nói “giải quyết rất khó khăn, mất thời gian”.

“Ai cũng biết vấn đề an toàn là quan trọng nhất nhưng nhà thầu Trung Quốc không bàn giao hồ sơ an toàn cho Việt Nam, nói qua, nói lại, thảo luận đi, thảo luận lại mãi. Một số phái đoàn ở Bắc Kinh cũng tới thảo luận, hy vọng tới đây có thể bàn dứt điểm được. Cố gắng trước Đại hội Đảng, tàu đường sắt có thể chạy được thì… may mắn”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Ông lưu ý việc khắc phục những tồn tại phải chặt chẽ, đúng Pháp Luật, đừng để mất cán bộ rồi giờ tiếp tục mất cán bộ nữa do sơ suất vận dụng Pháp Luật. Nhắc tới con số gần 1 nhiệm kỳ qua đã có gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý vì sai phạm, Thủ tướng cho rằng đó là cái giá phải trả rất lớn.

“Mất lao động, mất cán bộ, mất rất nhiều thứ”

Thảo luận tại tổ đại biểu Hải Phòng về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Thuận Hữu (Tổng biên tập báo Nhân Dân) góp ý báo cáo cần nêu các giải pháp giải quyết tồn đọng lớn gây bức xúc, đặt ra rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

Đó là các dự án nghìn tỷ đắp chiếu như Gang thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình…

“Chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng đắp chiếu nằm đấy càng mất, càng thất bại. Ta mất cả lao động, mất cả cán bộ, mất rất nhiều thứ…”, ông Hữu nói.

Đại biểu Thuận Hữu đưa ra dẫn chứng nhức nhối nhất được gọi là “kỳ tích thế giới”, đó chính là tuyến đường sắt trên cao, đầu tư mất rất nhiều tiền, mất nhiều thời gian, nhưng không biết bao giờ sử dụng được. Ảnh: Việt Linh.

Ghi nhận tâm huyết của Thủ tướng và sự quyết liệt của Chính phủ, song ông Hữu cho rằng các bộ, ngành lại chưa “cùng nhìn về một hướng” khiến đưa việc này ra lại ách tắc việc khác, cơ chế nhiều vướng mắc.

“Khi đặt vấn anh quyết cái đó anh có chịu trách nhiệm không thì không ai dám quyết. Như Nhiệt điện Thái Bình chỉ còn một chút nữa thôi nhưng không xử lý được, vẫn đắp chiếu. thiệt hại mỗi ngày mở mắt ra tính mất một chiếc xe Camry. Gang thép Thái Nguyên cũng thế. Chúng tôi rất đau khổ”, ông Hữu chia sẻ.

Đại biểu này tiếp tục đưa ra dẫn chứng nhức nhối nhất được gọi là “kỳ tích thế giới”, đó chính là tuyến đường sắt trên cao, đầu tư mất rất nhiều tiền, mất nhiều thời gian, nhưng không biết bao giờ sử dụng được.

“Người ta nói gần xong rồi, chỉ còn chạy thử nữa thôi mà giờ mắc mớ đủ thứ. Họ đòi 50 triệu USD để vận hành thử, nhát dao đó chém vào lòng tin của dân. Dự án đó nếu không xử lý nhanh thì sẽ biến thành bảo tàng đường sắt. Dân bức xúc ghê gớm lắm khi tiền nhiều, vốn cứ đội liên tục”, ông Hữu nêu quan điểm. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật