Hàng triệu khẩu trang xuất ngoại: DN lo trở ngại xin chứng chỉ chất lượng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, vấn đề xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường EU, Mỹ là trở ngại lớn, đây có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp mất tiền môi giới để có được; song, vô hình lại rơi vào “bẫy“ của những đối tượng này.
Hàng triệu khẩu trang xuất ngoại: DN lo trở ngại xin chứng chỉ chất lượng
Năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam rất lớn. Ảnh: C.Ngô

30 triệu khẩu trang y tế xuất sang Bắc Mỹ

Hai chuyến bay charter chở 30 triệu khẩu trang y tế Việt Nam đã lên đường sang Bắc Mỹ vào đầu tháng 6.

Lô hàng do hãng logistics ITL thực hiện, xuất phát từ ngày 3.6 với 15 triệu chiếc khẩu trang y tế đầu tiên đi Bắc Mỹ - một trong những điểm nóng nhất thế giới về dịch COVID-19.

Lô hàng thứ 2 với 15 triệu chiếc khẩu trang còn lại cũng đã xuất phát từ Hà Nội đến Bắc Mỹ vào rạng sáng ngày 6.6. Lô hàng được chứa trong gần 12.000 thùng, tương đương 220 tấn.

Nhiều tháng nay, những công nhân thuộc các phân xưởng sản xuất của Công ty cổ phần y tế Danameco (doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế có quy mô lớn, chuyên cung ứng cho các bệnh viện và cơ sở y tế) "tay kim, tay máy", làm việc không nghỉ để hoàn thiện các đơn hàng, nhất là sau khi đơn vị này chuyển hướng xuất khẩu, đến những thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Hải Trọng - Chủ tịch Công ty cổ phần y tế Danameco cho biết, do nhu cầu khẩu trang y tế tăng mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp của ông đã chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng năng lực sản xuất khẩu. Từ ngày 15.5 đến nay, Danameco tăng sản lượng lên tới 7-8 triệu khẩu trang/ngày, không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu.

Theo ông Trọng, đến thời điểm này, nhu cầu trong nước đã ổn định, cho nên đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế Việt Nam bước ra thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khẩu trang cần hết sức lưu ý về chất lượng.

"Tôi được biết có nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lớn, nhưng lại thuê gia công những đơn vị nhỏ lẻ ở ngoài, không ai kiểm soát chất lượng, phòng ốc, nhà xưởng có đảm bảo vệ sinh? Nếu như Bộ Y tế không làm tốt khâu kiểm tra chất lượng thì hậu quả rất nguy hiểm khi các nước ồ ạt trả khẩu trang, lúc đó sẽ mất uy tín", ông Trọng cho hay.

Đáng lưu ý, theo nguồn tin của Lao Động, một doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang cho biết, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang nhận được không ít lời mời chào từ các "cò xuất khẩu".

"Cò khẩu trang" hứa trong 2 tuần sẽ thu xếp được chứng chỉ chất lượng từ phía EU cho doanh nghiệp, thay vì mất 1-2 tháng tự làm các thủ tục. Tuy nhiên, giá của mỗi lần giao dịch lớn, từ 1-2 tỉ đồng. Trên thực tế, đã có doanh nghiệp chi tiền để có được chứng chỉ chất lượng.

Trở ngại khi xin chứng chỉ chất lượng khẩu trang

Trả lời phóng viên Lao Động, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, có tình trạng như doanh nghiệp phản ánh. Bởi, một số doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang sang EU, nhưng chứng chỉ chất lượng CE không có giá trị, xuất sang Mỹ nhưng chứng chỉ FDA không được phía đối tác công nhận.

"Hiện nay, vấn đề xin chứng chỉ chất lượng vào thị trường EU, Mỹ là trở ngại lớn, đây có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp mất tiền môi giới để có được; song, vô hình lại rơi vào "bẫy" của họ", ông Hải nói.

Nói về chiến lược xuất khẩu khẩu trang, ông Hải cho rằng, qua dịch COVID-19, vấn đề xuất khẩu khẩu trang là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp Việt. Nếu như tranh thủ được cơ hội của thị trường, nên nhìn nhận khẩu trang là mặt hàng thiết yếu để duy trì sản xuất, mở rộng thị trường, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu trong mùa dịch, rồi lại đóng cửa các phân xưởng, dây chuyền.

Tuy nhiên, ông Hải lưu ý, với khẩu trang vải, vải kháng khuẩn thì không cần đầu tư nhiều, nhưng với khẩu trang y tế thì cần có dây chuyền riêng, cho nên việc đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng, tránh đầu tư dàn trải.

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, năng lực sản xuất khẩu trang của riêng 50 doanh nghiệp báo cáo về cơ quan này, là 8 triệu chiếc một ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Với khẩu trang y tế, doanh nghiệp cũng có thể sản xuất được cả chục triệu chiếc một ngày nên có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu tới 415 triệu chiếc khẩu trang cho hàng chục nước trên thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật