Sơn La: Chuyện khởi nghiệp của chàng trai người Mông trên Sống lưng khủng long

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
30 tuổi đời, 9 năm tuổi Đảng – người đảng viên trẻ, Bí thư Đoàn xã Háng Đồng (Bắc Yên) Thào A Lo luôn đau đáu làm thế nào để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo.
Sơn La: Chuyện khởi nghiệp của chàng trai người Mông trên Sống lưng khủng long
Anh Thào A Lo hướng dẫn học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Háng Đồng ôn luyện kiến thức.

Từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, anh đã phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch kết hợp với trải nghiệm văn hóa truyền thống. Với tư duy và cách làm mới, hiệu quả hơn nhiều so với tập quán sản xuất truyền thống đã tạo sức lan tỏa đối với người dân vùng cao Háng Đồng. Năm 2018, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lý Tự Trọng dành cho cán bộ Đoàn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động và công tác.

Vượt khó đi học

Sinh ra và lớn lên ở bản Chống Tra, xã Tà Xùa (nay thuộc xã Háng Đồng), huyện Bắc Yên – một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Yên. Thời còn nhỏ, mỗi lần đến trường học con chữ hay trở về nhà vào dịp cuối tuần, cậu bé Thào A Lo và các bạn đồng trang lứa phải đi bộ cả ngày đường, qua nhiều ngọn núi từ bản Chống Tra sang bản Tà Xùa.

Nghèo đói là tình trạng chung của người dân các bản vùng cao Háng Đồng trước đây, vì vậy học sinh bỏ học để ở nhà đi làm nương giúp bố mẹ khá phổ biến. Gia đình Lo cũng không ngoại lệ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại đông anh em, nên anh Lo từng có ý nghĩ nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng bố mẹ anh không đồng ý, mà động viên anh tiếp tục đến trường học chữ. Ở thời điểm mà ai cũng nghĩ làm sao có đủ cái ăn, cái mặc, nhưng cha mẹ anh Thào A Lo đã có niềm tin rằng, chỉ có cách cho con đến trường học chữ, thì cuộc sống của các con sau này mới khá lên được.

Không phụ sự tin tưởng và những hy sinh của cha mẹ, anh Lo học tập tốt trong suốt thời gian cắp sách đến trường. Sau khi hoàn thành chương trình THCS, anh Lo về xã đảm nhiệm việc hỗ trợ giáo viên vùng cao (phiên dịch tiếng Mông), 2 năm sau giữ vai trò Bí thư Đoàn xã. Trong thời gian này, anh theo học bổ túc hoàn thành bậc THPT và được cử tuyển vào học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thương mại, năm 2017, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Thời gian học đại học tại Hà Nội, là cơ hội để anh được tiếp xúc với cách làm kinh tế theo cơ chế thị trường, với nhiều hình thức kinh doanh mới cho hiệu quả kinh tế cao, cùng những kiến thức tiếp thu được trên giảng đường đại học là cơ sở để anh từng bước khởi nghiệp trên vùng cao Háng Đồng.

Hành trình khởi nghiệp 

Cách điểm du lịch nổi tiếng Sống lưng khủng long của xã vùng cao Háng Đồng không xa, chúng tôi tới homestay Y Xoa của gia đình anh Thào A Lo. Homestay được dựng như ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, với sức chứa tối đa khoảng 30-40 người. Cả khu homestay rộng chừng 200 m², đó là tâm huyết của anh Thào A Lo, với mong muốn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mang lại sự đổi thay cho quê hương. Homestay Y Xoa bước vào hoạt động đã 2 năm nay, vào mùa săn mây từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, homestay Y Xoa có thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/tháng.

Nhớ lại thời kỳ mới khởi nghiệp, anh Lo chia sẻ: Năm 2017, tôi tốt nghiệp đại học, cũng là thời điểm Thiên đường mây Tà Xùa và Sống lưng khủng long nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với “dân phượt” khi đến Tây Bắc. Nhưng khi ấy, du khách thường nghĩ rằng, Sống lưng Khủng long thuộc xã Tà Xùa, do đó, hầu hết khách du lịch đến đây khám phá đều lựa chọn ngủ lại ở Tà Xùa, họ phải mất công đi lại vài chục kilomet. Trước thực tế đó, tôi nảy ra ý tưởng: Xây dựng homestay, tạo thuận lợi cho khách du lịch được ăn nghỉ tại Háng Đồng sau khi tham quan Sống lưng khủng long và một số phong cảnh khác trong xã. Tôi luôn hy vọng, Háng Đồng sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến vùng cao Bắc Yên.

Anh Thào A Lo giới thiệu đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông cho du khách.

“Vạn sự khởi đầu nan”, ngay khi bắt tay vào việc xây dựng homestay, anh Lo gặp khó khăn về vốn. Trong khi đó, lại khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ ngân hàng, bởi phần lớn đất của gia đình anh là đất nông nghiệp, giá trị thế chấp không cao. Không nản lòng, anh Lo nghĩ cách “xoay” vốn theo hướng kêu gọi gia đình hai bên nội, ngoại hỗ trợ, đồng thời, bàn bạc với các em trai tìm nguồn vốn đầu tư. Sau vài tháng, 3 anh em trong gia đình anh Lo đã vay mượn được số tiền khá lớn của anh em bạn bè.  Ngoài ra, còn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên. Sau khi có vốn, việc làm đầu tiên đó là, san, ủi mặt bằng mảnh nương của gia đình. Để giảm chi phí xây dựng, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của đồng bào dân tộc Mông cho homestay, ba anh em đi tìm mua những ngôi nhà gỗ mà người dân trong xã không sử dụng để về tận dụng dựng lại. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng và mua nhà gỗ về dựng khoảng 300 triệu đồng. Tháng 1/2018,  homestay Y Xoa chính thức nhận và đón khách đặt phòng.

Nhiều ý tưởng sáng tạo

Để khách du lịch thập phương biết đến homestay Y Xoa và Sống lưng khủng long, cũng như các phong cảnh của quê hương, anh Lo đã chụp ảnh và ghi hình những thác nước đẹp như dải lụa, những biển mây bồng bềnh bên Sống lưng khủng long, những trò chơi dân gian dân tộc Mông để đăng trên các trang mạng xã hội, như Facebook hay Youtube. Nhờ vậy, đã có rất nhiều du khách quan tâm, chia sẻ và mong muốn được khám phá những cảnh đẹp còn nguyên nét hoang sơ ở Háng Đồng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉ sau thời gian ngắn, ngoài cung cấp chỗ ăn, nghỉ cho du khách khi đến khám phá Sống lưng khủng long, homestay Y Xoa còn giới thiệu cho khách du lịch nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, như: Măng ớt, bánh dày, rượu ngô... Ngoài ra, còn trưng bày và bán các mặt hàng thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Kinh tế gia đình khá dần lên, nhưng anh Lo vẫn trăn trở, làm sao để giúp bà con trong xã cùng thoát nghèo. Vì vậy, anh đã bàn với mấy anh em trong gia đình và đi đến một quyết định táo bạo, đó là thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp – sinh thái Khủng long Háng Đồng, chủ yếu vốn là của gia đình tự đầu tư và kêu gọi một số hộ dân trong bản Chống Tra cùng góp. Theo chia sẻ của anh Lo, HTX hoạt động với mục tiêu kết hợp làm du lịch với sản xuất, thu mua các sản phẩm nông sản, như thảo quả, măng trúc. Để tìm đầu ra cho sản phẩm thu mua, anh Lo đã nhờ một số người bạn học cùng đại học tìm kiếm, liên kết để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX hiện có 8 thành viên, tổng thu nhập của các thành viên HTX đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Anh Thào A Lo kiểm tra chất lượng măng trúc muối ớt

Trong bữa cơm tối với chúng tôi tại homestay Y Xoa, anh Lo tâm sự: Ngoài Sống lưng khủng long, xã Háng Đồng còn nhiều điểm du lịch chưa được khám phá, như đỉnh núi U Bò, những dòng thác nước, rừng chè cổ thụ ở bản Làng Sáng... Nhấp chén rượu ngô cay nồng, anh Lo trải lòng: Tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng tour du lịch khám phá phong cảnh trên địa bàn xã. Nhưng việc này cần có sự chuẩn bị chu đáo, trong đó, đào tạo người địa phương làm hướng dẫn viên trong tour cho khách là ưu tiên hàng đầu. Nếu thành công, có thể tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhất là đoàn viên thanh niên trong xã. Tôi luôn mong muốn được góp sức cùng bà con trong bản, trong xã đẩy lùi đói nghèo, có cuộc sống tốt hơn.

Cán bộ Đoàn xã trách nhiệm

Cũng trong câu chuyện của buổi tối tại Homestay Y Xoa, chúng tôi còn được biết, anh Thào A Lo đã đảm nhiệm chức danh Bí thư Đoàn xã Háng Đồng từ năm 2008, khi đó anh mới 1‌8 tuổ‌i. Đến năm 2011, anh Lo vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau thời gian đi học ở Hà Nội, trở về Háng Đồng, anh Lo tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã.  Trong hơn 12 năm trong vai trò “thủ lĩnh” của đoàn viên thanh niên vùng cao Háng Đồng, anh Lo đã cùng với Ban Chấp hành Đoàn xã thường xuyên phát động phong trào xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vận động ĐVTN tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; tổ chức nhiều hoạt động bề nổi, phù hợp với tuổi trẻ, như: Giao lưu văn nghệ, giao hữu thể thao giữa các chi đoàn bản hoặc với tổ chức đoàn xã bạn..., thu hút ĐVTN tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn và gắn bó với tổ chức Đoàn.

Anh Thào A Lo hướng dẫn đoàn viên trồng rau an toàn.

Anh Lo chia sẻ: ĐVTN trong xã tích cực tham gia hỗ trợ các bản đổ bê tông các tuyến đường; tham gia vận chuyển ống nước và vật liệu để dựng nhà lớp học cho điểm trường bản Làng Sáng… Phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, ĐVTN đã đi đầu trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, qua mô hình kinh tế của Bí thư Đoàn xã, một số đoàn viên và cả người dân các bản trong xã đã và đang học làm theo… Nhờ vậy, một số hộ gia đình ĐVTN đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 48,2% năm 2019, giảm 8,35% so với năm 2018.

Xem Video: Chàng trai người Mông làm giàu trên mảnh đất quê huơng 

//

Tạm biệt Homestay Y Xoa, chúng tôi nhớ mãi tâm sự của người đảng viên trẻ Thào A Lo: Là đảng viên thì không được đói nghèo, đó là việc làm thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và cũng thầm mong, những khát khao cống hiến và quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh của anh sẽ sớm thành hiện thực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật