Cần thiết đánh thuế đồ uống có đường
Hiện nay, các bệnh không truyền nhiễm (béo phì, tiểu đường, tim mạch…) đang là thách thức của toàn xã hội. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa lượng calo được hấp thụ và khả năng béo phì, tiểu đường. Trong đó, đồ ăn và thức uống với hàm lượng đường nhân tạo cao là nguồn cung cấp calo chính. Việc kiểm soát khối lượng đồ uống có đường nạp vào cơ thể được cho là giải pháp quan trọng hạn chế sự gia tăng tình trạng béo phì. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến lượng mua, tiêu thụ đồ uống có đường, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giá cả là yếu tố có mức độ ảnh hưởng hàng đầu, mà không phải do khẩu vị hay môi trường xung quanh.
Do đó, can thiệp tài khóa trở thành công cụ hữu hiệu để điều tiết lượng tiêu dùng đồ uống có đường. Ba phương án sử dụng chính sách tài khóa thường được sử dụng trong cuộc chiến chống lại đồ uống gây hại cho sức khỏe bao gồm: Đánh thuế đồ uống, áp dụng hạn ngạch sản xuất (hiện đã hạn chế hơn) và trợ cấp giá cho đồ uống có lợi cho sức khỏe.
Trong đó việc sử dụng chính sách thuế nhằm kiểm soát lượng tiêu thụ đồ uống là giải pháp được nhiều nước áp dụng và có những ảnh hưởng tích cực nhất. Hiện tại có nhiều nước đã áp thuế đối với đồ uống có đường. Vì vậy, nghiên cứu chính sách thuế đối với đồ uống có đường ở các nước trên thế giới từ đó xem xét khả năng áp dụng đối với Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Hiện tại, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường đang nhận được những ý kiến khác nhau. Bên cạnh ý kiến cho rằng, việc áp thuế này sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với đồ uống này thì cũng có chuyên gia nhận định, việc làm này có thể khiến người dân chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang sản phẩm tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật Thuế TTĐB năm 1998, Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2005. Luật Thuế TTĐB năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 (02 lần), 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện Luật này vẫn còn những bất cập cần bổ sung, điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.
Về đối tượng chịu thuế, Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB. Để mở rộng cơ sở thuế, đồng bộ với Pháp Luật chuyên ngành và luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, tại dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm: thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (thuốc lá điếu xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm); rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (gồm các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm).
Điều đáng chú ý trong dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với các mặt hàng trên. "Mức 10% chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng", bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nói, nêu ví dụ sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/1 chai, giá bán là 10.500 đồng/1 chai sau khi áp thuế 10%.
Đưa ra quan điểm về bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho rằng, các mục tiêu về bảo vệ sức khỏe người dân là dài hạn, không thể nói ăn uống hôm nay mà ngay ngày mai ảnh hưởng tới sức khỏe ngay được. Do đó, để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho người dân hôm nay mà con thế hệ mai sau, việc thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân là tầm nhìn dài hạn.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, nhờ đó nhiều ngành hàng đã giảm lượng đường tiêu thụ trong sản phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, ý thức của người dân chưa cao, nên cùng với tuyên truyền thì tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm là một giải pháp thiết thực và hiệu quả. Hơn nữa, ngưỡng để tính thuế với sản phẩm đồ uống có đường cũng là 5g/100ml, nên các doanh nghiệp cũng chỉ cần thay đổi công nghệ và điều chỉnh giảm lượng đường trong sản phẩm một chút là đã đảm bảo yêu cầu, sản phẩm không bị tính thuế, nếu không thì phải chấp nhận bị tính thuế.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, ở một số nước không áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường, song bối cảnh và tình hình ở mỗi nước khác nhau. Ở Việt Nam, chúng ta đã và đang thực hiện các giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng là một trong nhiều các giải pháp.
Đứng ở góc độ khác, khẳng định vai trò của thuế TTĐB là công cụ giúp Nhà nước điều tiết sản xuất và tiêu dùng; góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định người tiêu dùng; hạn chế sản xuất và tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ không có lợi cho nền kinh tế và xã hội; tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đặt vấn đề, với đề xuất áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, liệu có đạt được mục tiêu chính sách nhằm thay đổi hành vi và điều tiết tiêu dùng hay không?
Trích dẫn nghiên cứu thị trường năm 2018 của Decision Lab về hành vi tiêu thụ nước giải khát của người tiêu dùng tại Việt Nam nếu áp dụng thuế TTBĐ ở mức 10% đối với nước ngọt, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, có 38% số người tiêu dùng thu nhập cao (trên 14 triệu đồng/tháng) sẽ vẫn sử dụng nước ngọt như bình thường; 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang uống nước chế biến tại chỗ (bán ở chợ, vỉa hè, quán hàng trên đường phố…) có đường.
Như vậy, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, áp thuế 10% với nước giải khát có đường có thể dẫn tới nguy cơ không thay đổi hành vi tiêu dùng, khiến người dân chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang sản phẩm đường phố không bị ảnh hưởng bởi thuế TTĐB, nhưng lại tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều nước đánh thuế đồ uống có đường
Tương tự, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ đồ uống có đường cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng, nhập khẩu phải là 40%. Giải pháp này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.
Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức HealthBridge Cananda và WHO chỉ ra, nếu áp dụng mức thuế trên, thu ngân sách là khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng. Còn nghiên cứu được tiến hành bởi Trường Đại học Y tế Công cộng cũng ước tính mức thuế suất 40% sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và giảm được 2% tỷ lệ thừa cân, 1,5% tỷ lệ béo phì, phòng tránh được hơn 81.000 ca đái tháo đường type 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu USD chi phí y tế.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, cũng cho biết cơ quan y tế Liên Hợp Quốc khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét đưa ra lộ trình tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đến năm 2030 là 40% nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm này.
Số lượng quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng nhanh trong 15 năm qua, từ 35 quốc gia (năm 2009) lên 104 quốc gia (2023), trong đó, có 6 quốc gia ở Đông Nam Á, bao gồm: Thái Lan, Philippines, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei.
Ở Thái Lan, sau 2 năm thực hiện chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, mức tiêu thụ mặt hàng này hàng ngày trung bình đã giảm gần 3%; mức tiêu thụ nước có gas giảm tới gần 18% . Ở Mexico, mức tiêu thụ đồ uống có đường giảm 6% trong năm đầu tiên (2014) và giảm 10% ở năm tiếp theo.