Bí ẩn những văn bia cổ trong động Phong Nha

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong động Phong Nha thuộc Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), trên một vách đá nằm sâu trong hang còn lưu giữ nhiều dòng chữ cổ được cho là của người Chăm.
Bí ẩn những văn bia cổ trong động Phong Nha
Ảnh minh họa

Sau hàng trăm năm chưa giải được nghĩa; đến nay, những dòng chữ cổ ấy vẫn làm bao thế hệ người Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới tò mò muốn biết.

Những dòng chữ cổ này được nhà truyền đạo người Pháp là Léopold Cadière phát hiện ra cách đây gần 130 năm, trong một lần ông được người dân bản địa đưa vào hang này để khám phá. Những dòng ký tự này được viết trên vách đá ở hang Bi Ký, nằm sâu trong động. Ban đầu, người ta chỉ thấy một cụm chữ vài dòng ngay phía bên ngoài một vách đá; sau đó phát hiện ra nhiều dòng chữ khác nằm phía sau vách đá. Nội dung của các ký tự đó hiện vẫn là một sự bí ẩn đối với các nhà ngôn ngữ học, khoa học trong và ngoài nước.

Từ đó đến nay, nhiều nhà sử học, khoa học xã hội, ngôn ngữ học… trong, ngoài nước đã đến hang Bi Ký nghiên cứu và mong muốn giải được ý nghĩa của những dòng chữ này, nhưng chưa có đoàn nào đưa ra được lời giải đáp thuyết phục nào. Từ ngày 11 - 14/7/2015, một nhóm chuyên gia về ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient, Pháp) đã tham quan động Phong Nha và lên chương trình nghiên cứu các văn bia của người Chăm ở trong khu vực hang Bi Ký. Qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu, Giáo sư Arlo Griffiths (trong nhóm nghiên cứu này) cho biết, hiện vẫn chưa thể biết được chữ viết trên văn bia có nội dung gì. Giáo sư Arlo Griffiths khẳng định là chữ viết ở văn bia này là chữ của người Chăm. Ông nhận định văn bia được viết vào những năm đầu của thế kỷ XI (cách đây khoảng 1.000 năm). Đây là lần đầu tiên văn bia trong hang Bi Ký của động Phong Nha được xác định niên đại với số liệu khá cụ thể, so với những nhận định trước đó đều có khoảng cách khá dài là từ thế kỷ IX - X hoặc từ X - XI.

Sau khi đã khảo sát khá kỹ càng, kết thúc chuyến nghiên cứu này, các nhà ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ chỉ chụp ảnh văn bia để đưa về Pháp nghiên cứu dịch nghĩa và cam kết sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, nhằm giới thiệu cho du khách tham quan được biết có một nền văn hóa nằm sâu trong động Phong Nha. Tuy nhiên,  cho đến nay, nhóm của giáo sư Arlo Griffiths vẫn chưa có được được một bản dịch nghĩa cụ thể nào để đáp ứng được phần nào sự cho sự mong đợi bao năm qua của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Như vậy sau gần 130 năm, từ ngày các ký tự ở hang Bi Ký được phát hiện trên vách đá trong động Phong Nha, đến nay, vẫn chưa ai đưa ra được đoạn dịch nghĩa nào về nội dung từ văn bia mà người xưa muốn để lại cho hậu thế, hay muốn nói, kể lên điều gì của họ trong cuộc sống xa xưa. Vì không đọc và giải nghĩa được văn bia này, đến nay nhiều câu hỏi vẫn nằm trong sự huyền bí của hang động và lịch sử của người Chăm ở Quảng Bình. Đó là họ muốn nói điều gì với hậu thế? Vì sao động Phong Nha có rất nhiều vách đá phẳng ở phía bên ngoài nhưng người Chăm lại không viết lên, mà lại phải vào rất sâu trong hang để viết? Chữ viết ở đây khác gì với chữ ở các vùng khác cũng của người Chăm?

Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX, theo nhiều nguồn tài liệu được ghi chép và trích dẫn lại (như Phong Nha - đệ nhất kỳ quan của tác giả Đặng Đông Hà sưu tầm, biên soạn và bài nghiên cứu Phong Nha - Kẻ Bàng kho tàng những giá trị khoa học xã hội và nhân văn của tác giả Trần Thanh Toàn in trong cuốn Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiềm năng và triển vọng - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xuất bản 2004), tại thời điểm cuối năm 1899, giáo sĩ Léopold Cadière đến Quảng Bình ngoài chức trách truyền giáo ở vùng dân cư Cổ Lạc và Cổ Giang thuộc thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch ngày nay, ông còn có thú ham thích khám phá. Vì vậy, trước thông tin của người dân bản địa về một hang động rất lớn và kỳ bí ở trong vùng, giáo sĩ đã tò mò tìm đến động nhằm mục đích nghiên cứu, khảo sát.

Thời đó, chỉ bằng một chiếc thuyền độc mộc của người dân bản địa, giáo sĩ Léopold Cadière đã len lỏi vào sâu trong động Phong Nha đến hơn 600 mét. Tại điểm cuối của động, ông phát hiện trên một vách đá có văn bia gồm 97 chữ và một số di tích như bàn thờ, bệ thờ, gạch nung, mảnh gốm và sành, đĩa… Sau chuyến đi đó, vào tháng 12/1899, giáo sĩ đã viết thư gửi Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ là Louis Finot để báo tin về những phát hiện quý của ông trong động Phong Nha. Thư có đoạn viết: “Những gì còn lại đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích không ít cho khoa học”. Chính từ phát hiện này của giáo sĩ Léopold Cadière trong động Phong Nha mà khu vực hang có chữ văn bia sau này mới được đặt tên là hang Bi Ký như đang gọi ngày nay.

Đến đầu thế kỷ XX, tiếp bước giáo sĩ Léopold Cadière đã có thêm nhiều nhà thám hiểm và học giả người Pháp, người Anh như Barton, Antonie, M.Bouffie, Pavi, Golonbew, Finot… đến thám hiểm và nghiên cứu Phong Nha và hang Bi Ký. Khảo sát, thăm dò kỹ càng hơn, các nhóm này tiếp tục phát hiện thêm nhiều di vật Chăm trong động Phong Nha, như tượng đá, tượng Phật, bài vị, gạch, gốm với nhiều họa tiết mang văn hóa Chăm. Điều này được ông Pavi miêu tả: “Bên phải lối vào động có một bàn thờ bằng gạch của người Chiêm Thành do người An Nam trét lại. Ngày xưa có một bức tượng đá để trên bàn thờ, cẳng chân xếp lên nhau, có hình chữ Vạn ở trước ngực, khăn cuốn đầu che kín gáy. Đi vào 600 mét rẽ bên phải là một nhánh hay hang phụ, theo nhánh ấy vào sâu khoảng 20 mét tìm thấy dấu vết của bàn thờ ngay giữa động, gần những chữ khắc trên vách đá”.

Ngày nay, du khách vào tham quan động Phong Nha, nếu chịu khó tìm hoặc được hướng dẫn viên của Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ, sẽ thấy ngay giữa nền động còn một viên gạch nâu nổi lộ lên. Đó là một trong những dấu tích quý của nền văn hóa Chăm lưu lại trong hang động đến ngày nay. Riêng với 97 chữ văn bia viết trên vách đá trong động Phong Nha, du khách vẫn chiêm ngưỡng, như đã nói đến ở trên, ngay từ chuyến khảo sát của ông Pavi thời đó, ông cũng cho rằng rất khó đọc, khó để viết phỏng lại cho chính xác và cho phép dịch ra nghĩa của các chữ viết đó. Cuối cùng ông Pavi chỉ nhận ra được một chữ mà ông cho rằng đó là chữ “capimala”. Sau này, theo Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, nếu đó đúng là chữ “capimala”, xác định có tính chất Phật giáo (tên của một vị La Hán, tổ thứ 13 trong Phật giáo). Về niên đại, đây là một vùng thánh địa Phật giáo Bắc Chăm pa, khoảng thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X.

Văn bia Chăm cổ trong động Phong Nha thu hút khá nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu trong suốt chiều dài lịch sử. Ngoài các nhà nghiên cứu nước ngoài, những ký tự trong hang Bi Ký cũng được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm. Cụ thể là vào năm 1942, ông Thái Văn Kiểm, một Việt kiều ở Pháp, từng có bài bút ký bằng tiếng Pháp “La première merveille du Viet Nam: les grottes de Phong Nha” (Động Phong Nha - đệ nhất kỳ quan của Việt Nam), bài được giải nhất trong cuộc thi do Tổng ủy thanh niên môn thể thao Đông Dương tổ chức. Ông Kiểm viết: “Cách lối vào tuỵ đạo chừng 100 thước về phía tay trái, trên một khoảng ẩm ướt, chúng tôi nhận thấy nhiều vệt ghi bằng chữ Chàm. Những chữ này phần nhiều không đọc được và bị mờ hoặc vì sự ẩm ướt thái quá của động…”.

Ông Nguyễn Hữu Thông (nguyên Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế) cho biết, vào tháng 3/2008, một đoàn nghiên cứu của các nhà khoa học của Việt Nam (gồm các Tiến sĩ Thành Phần, Trần Đình Lâm) và Nhật Bản (gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Takashima Jun, Sawada Hideo, Shine Toshihiko thuộc viện Nghiên cứu Ngôn ngữ văn hóa châu Á và châu Phi) đã phát hiện rằng những dấu tích văn tự trong động Phong Nha là theo dạng Sanskrit phối hợp với dạng chữ Chăm cổ. Trong bài nghiên cứu về “Phật giáo Chăm pa và vị trí của vùng đất Quảng Bình dưới triều đại Indrapura (thế kỷ IX-X)”, ông Nguyễn Hữu Thông cho rằng, những phát hiện mới của nhóm nghiên cứu Việt - Nhật đã hé lộ nhiều thông tin đáng quan tâm nhằm làm rõ thêm di tích Phật giáo Chăm trong thạch động thuộc Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. “Tuy nhiên, để có thể công bố bản dịch nghĩa chính xác, cần có thời gian giải mã những yếu tố Chăm cổ kết hợp trong lớp văn tự mà hiện nay không còn mấy ai hiểu thấu đáo”, ông Thông cho biết.

Cũng nói về những chữ Chăm cổ trong hang Bi Ký ở động Phong Nha, Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái (Quảng Bình) cho biết, chuyện giải mã chữ viết của người Chăm trong động Phong Nha là khá nan giải. Theo ông Thái: “Vì chuyện có những ngôn ngữ đã chết hoặc có sự biến ngữ hoặc có loại ngôn ngữ được thần thánh hóa khi viết cho bí ẩn trong tôn giáo là lẽ thường tình. Trên thế giới hay ở nước ta cũng có khá nhiều hiện tượng như vậy. Nhưng có cái giải mã được có cái không hoặc là chưa giải mã được. Chữ Chăm cổ ở trong động Phong Nha có thể là thuộc loại chữ chưa giải mã được”. Điều đáng tiếc nhất là hiện nay, trên vách đá có những dòng chữ Chăm cổ này trong động Phong Nha, đã bị ai đó viết chồng lên khá nhiều câu chữ hiện đại, khiến chữ cổ và mới lẫn lộn vào nhau, làm mờ hoặc mất đi quá nhiều nét chữ cổ, càng gây khó thêm cho công tác nghiên cứu dịch nghĩa văn bia này. 

Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho du khách trước biến thiên của địa chất, địa mạo cũng như giữ gìn, tránh sự tác động ảnh hưởng lên văn bia, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng hạn chế tối đa du khách vào tham quan khu vực này.

Ngoài văn bia với 97 ký tự, ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng còn giới thiệu 10 điểm có chữ Chăm cổ nằm sâu trong các góc khuất phía sau các vách thạch nhũ khác trong động Phong Nha.

Ông Thắng tâm sự, không chỉ cán bộ Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng mà còn biết bao con người người cùng các nhà nghiên cứu khác đều đau đáu mong ngóng sớm có một ngày sẽ giải được nghĩa trên các văn bia cổ trong động Phong Nha. Ngày đó, sẽ cho thấy thêm nhiều giá trị quý giá về một vùng đất Phong Nha-Kẻ Bàng không chỉ có đẹp về thiên nhiên di sản mà còn có cả một chiều sâu thẳm lịch sử, văn hóa, tinh thần của người xưa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật