CEO Tùng “sữa”: Từ tai nạn “thập tử nhất sinh” đến hành trình vượt dốc cuộc đời

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bị tai nạn máy nghiền đá mất 1 tay 1 chân, anh Nguyễn Văn Tùng – CEO BHG Việt Nam như rơi vào tột cùng đau khổ nhưng đã quyết đi ngược con dốc cuộc đời.
CEO Tùng “sữa”: Từ tai nạn “thập tử nhất sinh” đến hành trình vượt dốc cuộc đời
Ảnh minh họa

8 năm khởi nghiệp là hành trình kỳ diệu của CEO BHG Việt Nam Nguyễn Văn Tùng

22 tuổi gặp cú sốc tai nạn kinh hoàng khi đi thực tập, chỉ còn lại 1 chân, 1 tay. 10 năm sau, Nguyễn Văn Tùng (Tùng sữa) trở thành ông chủ của một tập đoàn sở hữu hơn 300 đại lý kinh doanh sữa và thực phẩm cho mẹ và bé khắp TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. 8 năm khởi nghiệp bắt đầu từ xe lăn, chàng trai tật nguyền giờ đã sắm được siêu xe. Chúng tôi gọi đó là hành trình kỳ diệu của một người trẻ đi ngược dốc đời.

- Lật lại trí nhớ một chút, cách đây 9 năm, tôi gặp anh ở sân vận động Đồng Nai, trong một trận đấu giữa đội chủ nhà và đội bóng Thanh Hóa quê anh. Cuộc gặp đó diễn ra trong tình cảnh rất bi đát. Anh được bạn bè đẩy xe lăn vào sân xem bóng đá. Sau đó một cổ động viên mặc áo vàng của đội Thanh Hóa đã cõng anh vượt lên từng bậc thềm của khán đài. Trước và giữa trận đấu, anh em cổ động viên đã dùng loa cầm tay để kêu gọi cộng đồng yêu bóng đá xứ Thanh quyên góp, ủng hộ tiền mua chân giả cho anh. Đó là một câu chuyện vô cùng xúc động mà đến giờ anh không thể quên phải không?

- CEO Tùng “sữa”: Chắc chắn là không thể nào quên! Thậm chí, đó là một trong những chuyện đáng nhớ nhất cuộc đời tôi đến bây giờ và cả mãi sau này. Anh biết không? Lúc tỉnh dậy sau tai nạn, điều tôi nghĩ đến đầu tiên đó là rồi đây mình sẽ không thể đá bóng được. Trước lúc gặp nạn, tôi là một cầu thủ đá phủi có tiếng tại trường và trong giới cổ động viên bóng đá Thanh Hóa khu vực phía Nam. Chính niềm đam mê bóng đá đã giúp tôi có những người bạn tốt cả trước và sau khi bị tai nạn.

Câu chuyện tôi được một người anh cõng trên sân vận động kêu gọi hỗ trợ không phải chỉ anh nhớ mà tất cả những ai quen biết tôi từ bóng đá giờ gặp lại đều kể. Dù đó là kỷ niệm chẳng vui vẻ gì nhưng mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy rưng rưng.

Tôi biết ơn những người anh trong hội cổ động viên bóng đá Thanh Hóa. Họ không chỉ giúp tôi về vật chất mà quan trọng hơn đã truyền cảm hứng để tôi đứng dậy sau cú ngã định mệnh năm đó.

Tùng "sữa" được một cổ động viên bóng đá Thanh Hóa cõng vào sân Đồng Nai kêu gọi hỗ trợ cách đây 9 năm

- Trên trang cá nhân, hằng năm cứ đến ngày 30/3, anh lại đăng một stutus kèm hình ảnh sông Đồng Nai và coi đó là ngày định mệnh. 10 năm sau tai nạn, anh vẫn còn ám ảnh nặng nề lắm phải không?

- CEO Tùng “sữa”: Đó là một ký ức kinh hoàng. Ngày 30/3/2013, nếu không có phép màu cuộc sống có lẽ đã là ngày giỗ của tôi.

Lúc đó khoảng 6 giờ chiều, tôi học năm cuối trường Sỹ quan kỹ thuật công binh ở Bình Dương đi thực tập tại công trường thi công cầu Hóa An trên sông Đồng Nai. Tan ca, tôi ở lại công trường làm thêm kiếm thu nhập. Trên công trường chỉ còn mình tôi và một bạn công nhân. Khi tôi đang gần máy nghiền đá thì bạn công nhân do không biết vị trí tôi đứng đã đóng nhầm cầu dao điện khiến toàn thân tôi bị cuốn vào guồng xích của máy.

Tôi cố gắng giãy giụa gào thét kêu cứu, nỗ lực vùng vẫy thoát ra nhưng không được. Khi cầu dao ngắt điện cũng là lúc tôi bị nghiền nát 1 tay và 1 chân.

- Quá khủng khiếp! Bây giờ ngồi nghe anh kể, tôi vẫn rợn hết cả người. Làm thế nào mà người ta có thể đưa anh từ giữa dòng sông vào bờ để cấp cứu?

- CEO Tùng “sữa”: Anh hình dung thế này: Vị trí tôi gặp nạn nằm ở trụ cầu đang thi công giữa sông Đồng Nai. Tại đó chỉ có một cái thang để lên xuống. Khi ngắt được điện thì tôi đã bị kẹt trong máy. Bạn công nhân nọ hoảng hốt gọi cứu hộ nhưng phải vài tiếng sau, một chiếc xà lan mới kịp ra để chuyển tôi vào bờ đưa lên xe cấp cứu đến bệnh viện Chợ Rẫy.

Điều kinh khủng nhất là tôi không bị ngất hoàn toàn mà chỉ có cảm giác mơ màng nên từ lúc bị nghiền nát tay chân đến khi đưa tới bệnh viện, tôi cảm nhận được hết những đau đớn kinh hoàng về thể xác. Càng đau đớn, dằn vặt hơn khi tai nạn xảy ra rất lãng xẹt, rất oan nghiệt mà không biết trách ai.

tai nạn kinh hoàng trên công trường thi công cầu Hóa An, sông Đồng Nai 10 năm trước đã khiến chàng trai 22 tuổi chỉ còn 1 tay, 1 chân.

- Có một câu chuyện tôi nghe kể lại là ngay trong đêm đó, bố anh đã nhảy xe đò từ Đắk Nông vào TP. Hồ Chí Minh mà trong túi chỉ có vỏn vẹn 300 ngàn đồng. Ông đã vét sạch những đồng tiền cuối cùng từ công việc làm thuê để vào chăm con bị tan nạn mà chưa biết sống chết thế nào?

- CEO Tùng “sữa”: Nhà tôi ở xã Tân Thọ, Nông Cống (Thanh Hóa), bố mẹ làm nông rất vất vả. Khi tôi đỗ vào hệ dân sự, trường Sỹ quan kỹ thuật công binh Bình Dương, ngành cầu đường, bố tôi đã bỏ lại ruộng vườn cho mẹ và em trai khăn gói vào Tây Nguyên làm bảo vệ cho khu xử lý nước thải nhà máy của một người chú họ.

Toàn bộ thu nhập của ông khoảng vài triệu 1 tháng đều dành chu cấp cho tôi ăn học. Lúc tỉnh dậy, nhìn thấy người cha gầy gò ngồi co ro bên giường bệnh, tôi chỉ biết quay mặt đi mà khóc. Có lẽ tôi là niềm hy vọng quá lớn với cả nhà. Nhìn thấy đứa con trai đang khỏe mạnh, đang ấp ủ nhiều ước mơ dự định nằm bất động, mất 1 tay, 1 chân, ông như đứt từng khúc ruột.

- Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?

- CEO Tùng "sữa": Đau đớn, tuyệt vọng, tôi không chấp nhận sự thật là mình bị nặng như thế. Để cứu sống tôi, các bác sỹ đã cắt 1 tay trái và 1 chân trái. Mỗi lần quay người quơ tay phải sờ sang bên trái không còn tay chân, tôi đau đớn đến tận cùng.

Tại sao số phận lại nghiệt ngã với tôi như vậy? Tôi muốn chối bỏ sự thật, chối bỏ tất cả, thậm chí muốn kết thúc cuộc sống. Nói thật với anh, lúc được bác sỹ thông báo ra viện, lẽ ra phải vui nhưng tôi lại buồn vô cùng bởi không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, đối diện với cuộc đời như thế nào?

- Tôi hiểu tâm trạng của anh và không muốn nhắc lại chuyện buồn này nữa nhưng cho phép tôi tò mò một lần nữa rằng khi đã bình tâm trở lại, anh sợ nhất điều gì?

- CEO Tùng “sữa”: Sau mười mấy ca phẫu thuật, tôi có thể ngồi xe lăn và bình tâm suy nghĩ. Điều tôi sợ nhất không phải là những cơn đau về thể xác hay sự suy sụp về tinh thần khi tương lai của cá nhân mình bị đóng sập lại mà là lo ngại mình trở thành gánh nặng cho gia đình.

Bố mẹ tôi là nông dân, nhà thuộc diện nghèo nhất làng. Anh em, bà con dù muốn giúp đỡ nhưng kinh tế không có ai khá giả. Chưa kể hàng xóm nhà tôi ở quê từng có một người bị tai nạn nhẹ hơn tôi, chỉ mất 1 chân dưới gối nhưng chứng kiến chú ấy rất khổ sở để chống chọi với cuộc sống khiến tôi và cả bố mẹ càng lo lắng. Tôi sợ sau bao năm thoát ly với giấc mơ thoát nghèo, rồi đây tôi sẽ trở về làng với một thân thể không lành lặn.

Tôi cũng chưa lấy được bằng tốt nghiệp, học hành dang dở, phải gác lại ước mơ đi xây những cây cầu. Nghèo khó lại bám riết lấy gia đình mình, bố mẹ tôi sẽ vượt qua cú sốc này như thế nào? Tôi còn một em trai lúc đó mới học lớp 3 ở quê. Cứ nghĩ đến những điều như thế chờ đợi mình ở phía trước, tôi sợ…

Sau tai nạn, điều khiến Tùng sợ nhất là trở thành gánh nặng cho gia đình. Có những lúc anh đã muốn kết thúc tất cả...

- Dù hậu quả tai nạn rất nặng nề nhưng có bao giờ anh nghĩ, việc mình sống được là may, là một sự kỳ diệu của số phận?

- CEO Tùng “sữa”: Đúng vậy! Số phận quá nghiệt ngã với tôi nhưng quả thật, việc tôi sống sót sau tai nạn kinh hoàng ấy, nhiều người chứng kiến vẫn không thể tin nổi. Sau này nghe kể lại, trên đường tôi đến bệnh viện, bạn công nhân đóng nhầm cầu dao điện trên công trường đã đi mua xôi gà thắp hương cúng tôi ngay tại vị trí xảy ra tại nạn. Có lẽ bạn ấy và nhiều người nữa nghĩ tôi không qua khỏi.

Ngoài sự tận tình cứu chữa của các bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy, sự kêu gọi ủng hộ của cộng đồng và sự may mắn của số phận như anh nói, tôi vẫn cảm thấy mình có một sức mạnh thể chất đặc biệt.

Trước khi bị tai nạn, tôi là một thanh niên rất khỏe, chơi thể thao thường xuyên. Do đó, khoảng 6 -7 tháng sau tôi dần phục hồi và tập làm quen với xe lăn.

Trước khi gặp tai nạn, Tùng là một chân sút bóng đá phủi cự phách

- Từ một người… nghiện đá bóng, rất năng nổ trong các hoạt động phong trào khi đang còn là sinh viên mà phải ngồi xe lăn, cảm giác chắc chắn rất khó chịu. Đến khi nào thì anh vượt qua được nỗi sợ và chấp nhận thực tế sau tai nạn?

- CEO Tùng “sữa”: Lúc chấp nhận ngồi xe lăn, tôi cũng chấp nhận sự thật. Tôi nghĩ, nếu như mình đau khổ một, bố mẹ mình còn đau khổ mười. Và nếu như mình không nỗ lực đứng dậy, mình than thân trách phận mãi thì gánh nặng với bố mẹ còn lớn hơn nữa.

Tôi bắt đầu đọc sách, đi lại, giao tiếp nhiều hơn với mọi người, học sách sống lạc quan hơn. Công ty nơi tôi gặp nạn lúc thực tập bố trí cho tôi một vị trí làm việc ở văn phòng. Tôi cảm ơn họ nhưng từ chối. Tôi muốn tự đứng lên bằng đôi chân của mình, dù chỉ còn… một chân.

Tùng sữa lần giờ những tấm ảnh cũ cho tôi xem khi anh còn ngồi xe lăn. Bức ảnh nào cũng thấp thoáng một nụ cười. Tùng nói vụ tai nạn đã khiến anh thay đổi rất nhiều. Nếu cuộc đời đã ném mình xuống vực sâu, không thể cứ mãi ngồi khóc với bóng tối mà phải hướng mắt nhìn lên cao, ở đó vẫn có những khoảng trời hy vọng.

Sau khi chấp nhận sự thật, Tùng luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực, trở thành người truyền cảm hứng, năng lượng sống tốt đến mọi người

- Bây giờ chúng ta không nhắc về vụ tai nạn nữa. Khép lại nó như một trang buồn của người có biệt danh Tùng “đen” lúc còn đi học, bây giờ là chuyện của Tùng “sữa”. Anh đã khởi nghiệp trên xe lăn như thế nào? Hẳn phải khó khăn lắm?

- CEO Tùng “sữa”: Sau khi tôi bị tai nạn, bố mẹ đã đóng cửa nhà ở quê, chuyển hẳn vào Bình Dương thuê nhà, đi làm thuê làm mướn chăm sóc tôi. Chẳng phải kể thì anh cũng rõ, 2 vợ chồng nông dân, 1 đứa con ngồi xe lăn, một đứa đang còn nhỏ, không nghề nghiệp chuyển vào sinh sống ở vùng đất mới. Khó khăn bủa vây tứ phía.

1 năm sau khi tôi bị tai nạn, công ty cũ nơi tôi thực tập gặp nạn bố trí cho bố tôi 1 chân làm bảo vệ ở Đồng Nai. Mẹ tôi đưa em trai lên Bình Phước ở nhờ bên họ ngoại chạy chợ bán rau. Hoàn cảnh nhà tôi lúc đó quá thảm.

Để đỡ gánh nặng cho gia đình, 1 năm sau ngày bị tai nạn, tôi quyết định một mình ở lại Bến Cát ngồi xe lăn bán vé số nhưng cũng chỉ bán được khoảng 3 ngày. Nhưng cũng từ lúc chấp nhận sự thật mình là người tàn tật, tôi quyết định làm lại tất cả, không cho phép mình gục ngã. Tôi bắt đầu tập làm quen với chân giả 2 tháng tại một trường khuyết tật. Đúng vào lúc đó, tôi gặp một người bạn học cũ đến thăm. Tình cờ bạn ấy kể có người em gái sắp mở một Shop chuyên về sữa ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đầu tôi chợt lóe lên một suy nghĩ là người Việt Nam dù nghèo nhưng rất yêu thương con cái. Bố mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc, hy sinh đủ đường nhưng không bao giờ để cho con cái thiệt thòi. Cứ nhìn cách bố mẹ tôi vất vả kiếm từng đồng lo cho tôi thì hiểu. Vì thế, ngành kinh doanh sữa chắc chắn sẽ có tương lai. Mặc dù trước đó, tôi nào có biết sữa là gì. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu tìm hiểu việc buôn bán sữa, tất nhiên là bán lẻ hoặc phân phối quy mô nhỏ. Nhưng ngay lập tức, tôi phải đối mặt với 2 thử thách cực lớn kiểu ra ngõ gặp núi.

- Và anh đã tìm cách vượt qua 2 ngọn núi đó bằng cách nào?

- CEO Tùng “sữa”: Thử thách đầu tiên là vốn. Gia đình tôi vốn đã nghèo, giờ đã khánh kiệt sau vụ tai nạn của tôi. Anh em giúp đỡ chỉ được một phần. Nhưng thử thách thứ 2 mới… cực đại. Đó là nhìn thấy tôi, một người ngồi xe lăn, không có gì để… thế chấp và cả… tín chấp, ai sẽ hợp tác, cho tôi cơ hội để làm ăn?

Tôi nhớ lúc đi tìm hiểu thị trường sữa, một người bạn chở tôi vào siêu thị, thấy tôi loay hoay chụp các nhãn hàng để về tham khảo, bảo vệ đã tới thu điện thoại. Sau đó mẹ tôi đã dành dụm chút vốn liếng nhỏ, thuê mặt bằng 4 triệu/tháng, lợp mái tôn mở cửa hàng tạp hóa ở Bến Cát (Bình Dương) nhưng bán không được mấy.

"Tôi từng khởi nghiệp trên xe lăn trong tình cảnh "ra ngõ gặp núi" nhưng chưa bao giờ nhụt chí"- CEO BHG Việt Nam Nguyễn Văn Tùng

- Một người học cầu đường chưa tốt nghiệp, không có kinh nghiệm về buôn bán sữa, lại khuyết tật, có thể thấy trước những khó khăn khi khởi nghiệp. Anh đã vượt qua những khó khăn như thế bằng cách nào?

- CEO Tùng “sữa”: Loay hoay mãi với cửa hàng tạp hóa vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, phải vay lãi ngoài, mất khoảng 3 năm, việc kinh doanh của tôi gần như chỉ tồn tại, duy trì mà không phát triển. Các đại lý không cho mình nợ vì nhìn thấy hoàn cảnh của mình họ không tin.

Đúng vào lúc đó tôi gặp một người anh chuyên phân phối sữa. Anh ấy đã đồng cảm, giúp đỡ đứng ra bảo lãnh để tôi nhập hàng trước trả nợ sau. Nhưng nói thật là vẫn chỉ làm nhỏ lẻ, lay lắt qua ngày…

- Vậy thì đâu là bước ngoặt để làm nên thương hiệu Tùng “sữa” bây giờ?

CEO Tùng “sữa”: Năm 2018, sau khoảng 4 năm bán lẻ, vừa làm vừa học, tôi quyết định thành lập công ty theo kiểu liên kết thành các chuỗi đại lý. Cứ thế từ 1 đại lý hình thành lên 5 – 7 rồi 10, 20 cửa hàng. Ban đầu chủ yếu ở khu vực thị xã Bết Cát, sau đó lan rộng ra các địa phương lân cận như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, một số tỉnh miền Tây…

Đến trước thời điểm đại dịch, trong 3 năm từ 2018 đến 2020, công ty có sự phát triển có thể nói là… phi mã cả về doanh thu lẫn số lượng đại lý. Nói thật với anh, tôi cũng không thể tin được vào tốc độ phát triển của nó. Tính đến trước đại dịch Covid-19, mỗi tháng công ty mở thêm 15-20 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên con số trên 100.

Một trong số hằng trăm đại lý thuộc sở hữu của BHG Việt Nam chuyên kinh doanh phân phối sữa và dinh dưỡng cho mẹ và bé

- Rất khó lý giải về sự tăng trưởng thần tốc này. Theo anh có yếu tố may mắn ở đây không? Bởi anh từng nói trước khi thành lập công ty khoảng 1 năm, việc kinh doanh của anh khá nhỏ lẻ, thậm chí lay lắt. Có… thần hộ mệnh nào không?

- CEO Tùng “sữa”: Chắc chắn là có may mắn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, khi mình mở công ty, hoạt động bài bản, có doanh thu, bản thân mình làm thật, sống chân thành thì sẽ được các nhà đầu tư và khách hàng tin cậy.

Nhiều người biết được câu chuyện về hành trình vươn lên của tôi, họ cũng có niềm tin, họ gửi gắm mình nên mình càng quyết tâm hơn. Một số bạn trẻ theo tôi từ những ngày đầu, giờ vẫn gắn bó như một đối tác truyền thống, hợp sức cùng mình, chung một chí hướng để chinh phục thành công.

Thương hiệu BHG của doanh nhân Nguyễn Văn Tùng luôn gắn với các hoạt động xã hội, vì cộng đồng

- Phải nói thật với anh là khi nghe kể và chứng kiến tận mắt sự phát triển “thần kỳ” của BHG Việt Nam, tôi vẫn có một chút nghi ngờ. Chỉ trong vòng 5 năm, lại mất gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh nhưng không hiểu sao từ 1 cửa hàng tạp hóa trở thành một tập đoàn với trên dưới 300 cơ sở kinh doanh, phân phối các mặt hàng dinh dưỡng cho mẹ và bé? Phải chăng có một chút gì đó mà nói như giới trẻ bây giờ là: thời đến thì cản cũng không được?

- CEO Tùng “sữa”: Không phải chỉ anh nghi ngờ mà ngay cả tôi cũng bất ngờ. Nhưng có một điều này không thấy anh thắc mắc, đó là tại sao một người học cầu đường chưa tốt nghiệp, không có kinh nghiệm về dinh dưỡng, thị trường, kế toán… lại có thể vận hành được mỗi chuỗi cửa hàng lên đến con số hằng trăm?

Tất cả đều phải tự học. Học từ những người đi trước, học từ xa theo chương trình của các trường đại học. Đặc biệt là phải tận dụng tối đá công nghệ trong quản lý. BHG Việt Nam hiện vẫn nhượng quyền đại lý nhưng không theo kiểu mua đứt bán đoạn. Tất cả các cửa hàng đều được thành lập mới, hoạt động theo mô hình chung, chứ không gửi hàng vào các đại lý sẵn có. Chỉ có làm như thế chúng tôi mới giữ được thương hiệu, phát triển được thương hiệu.

Tùng từng rất tự ti, mặc cảm khi ngồi xe lăn, đi chân giả. Nhưng giờ thì anh đã trở thành con người khác, tự tin, bản lĩnh, sáng tạo

- Cái tên BHG, tôi đã cố gắng “dịch” nghĩa mãi? Đó là các chữ cái ngẫu nhiên hay có cơ duyên nào không vậy?

- CEO Tùng “sữa”: Như ban đầu tôi kể, sau tai nạn, tôi và mẹ đã mở một cửa hàng bách hóa vào năm 2014 và luôn xem đó là mốc khởi nghiệp. Do đó khi thành lập công ty, tôi quyết định lấy tên Bachhoagroup, viết tắt là BHG. Đơn giản chỉ có vậy! Nhưng qua đó nó cũng nhắc nhở mình, BHG có được như hôm nay không bao giờ được quên những tháng ngày gian khó thời… bách hóa.

Cuộc đời đã lấy đi của mình quá nhiều nước mắt nhưng cuộc đời cũng cho mình nhiều ân nhân. Anh biết không, rất nhiều anh em cộng sự giúp tôi, quen tôi, làm ăn cùng tôi từ thời “bách hóa”, bây giờ vẫn tiếp tục đồng hành cùng BHG.

Có một câu chuyện như thế này tôi nghĩ anh muốn nghe. Đó là bây giờ khi BHG có mặt ở hầu khắp các địa phương thuộc tỉnh Bình Dương, đặc biệt là ở khu vực Bến Cát nhưng duy nhất có một nơi tôi không mở cửa hàng, cho dù đó là địa điểm kinh doanh tốt. Lý do là bởi tại đó có cửa hàng kinh doanh cùng lĩnh vực của một người anh từng giúp bảo lãnh cho mình nợ những thùng sữa đầu tiên khi khởi nghiệp. Tôi luôn nghĩ BHG Việt Nam bên cạnh lợi nhuận, tăng trưởng phải hướng đến những giá trị cốt lõi như vậy.

BHG Việt Nam do Tùng "sữa" sáng lập luôn coi trọng uy tín, thương hiệu bằng sự tận tâm, chuyên nghiệp, chân thành

- Người trẻ khởi nghiệp thành công, nhất là thành công nhanh, thành công ở điểm xuất phát… quá thấp có thể dẫn đến nguy cơ tự mãn, thậm chí dễ ngủ quên trên đỉnh. Kiểu như mình quá khổ rồi, giờ là lúc phải cho mình cái quyền được hưởng thụ để bù đắp lại những vất vả, thiếu thốn trước đây. Anh phòng ngừa… nguy cơ trên bằng những loại “vắc-xin” nào?

- CEO Tùng “sữa”: Tôi không khiêm tốn giả tạo và thừa nhận mình cũng có những thứ đáng để tự hào. Nhưng tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng: Tùng ơi, mày vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình vượt dốc đời, đích đến còn ở phía trước. Có thể tôi đã thay đổi nhiều trong cuộc sống nhưng đó là thay đổi về tư duy, ý chí, bản lĩnh trong kinh doanh, trong cách nhìn nhận về cuộc sống. Còn đời thường tôi vẫn vậy, vẫn là Tùng “đen” ngày nào.

Tính tôi ham vui, thích các phong trào, nhất là cổ vũ bóng đá. Về chuyện ngủ quên trên chiến thắng hay tự mãn, tôi nghĩ hơi khác anh. Có lẽ tôi không cần phải sử dụng một loại… vắc-xin nào để dự phòng cả. Một người từng rơi xuống vực nhưng không chết, tự anh ta phải biết cách để giữ thăng bằng, để không rơi xuống vực lần thứ hai.

"Một người từng rơi xuống vực như tôi thì sẽ tự biết cách giữ thăng bằng để không bị rơi tiếp một lần nữa" - CEO BHG Việt Nam Nguyễn Văn Tùng

- Thường thì những doanh nghiệp “một nghề” như anh sau khi phát triển thường có tham vọng mở rộng sản xuất kinh doanh. Anh đã tính toán đến việc… đa ngành để có thể tận dụng vốn, kinh nghiệm?

- CEO Tùng “sữa”: Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng của chúng tôi một phần, chủ yếu là tiến độ bao phủ các cửa hàng. Còn về cơ bản công ty vẫn hoạt động tốt, tăng trưởng khá về quy mô. Hiện, ngoài hệ thống kho bãi và đại lý, chúng tôi cũng đã đưa vào hoạt động 1 nhà máy sản xuất các sản phẩm gia công về sữa, dinh dưỡng tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Thời gian tới, BHG Việt Nam và một số đối tác đang nghiên cứu triển khai một nhà máy nữa tại khu vực phía Nam. Còn về lâu dài, tôi mơ ước sẽ có được một nhà máy sữa tại chính quê hương mình – Nông Cống, Thanh Hóa.

Như đã nói, quê tôi dù đã đổi thay nhưng vẫn đeo bám mãi với câu ca “được mùa Nông Cống sống mọi nơi”. Đó là một vùng chiêm trũng chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt. Thanh niên đến tuổi lao động chủ yếu đi làm công nhân trong các tỉnh phía Nam hoặc đi xuất khẩu lao động. Tôi muốn có một dấu ấn tại chính nơi chôn rau cắt rốn của mình, qua đó giúp cho người dân quê hương có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Khởi nghiệp từ trên xe lăn, giờ Tùng "sữa" đã sắm được siêu xe hàng chục tỷ đồng và mong muốn sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sữa ở quê mình

- Khi tôi ngồi trò chuyện với anh, thật tình cờ khi chỉ mấy hôm nữa, đến ngày 30/3 sẽ tròn 10 năm kể từ ngày anh gặp tai nạn. Mỗi năm qua đi, cuộc sống của anh bây giờ đã thay đổi quá nhiều. Sự thay đổi ở đây tôi không muốn nói nhiều đến sự nghiệp mà sự thay đổi trong chính con người anh. 10 năm, từ một chàng trai rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng, từng tự ti mặc cảm khi ngồi xe lăn, đi chân giả đến một CEO năng động và luôn truyền cảm hứng tích cực, sáng tạo đến mọi người. Nhìn lại hành trình 10 năm qua, anh có thấy cuộc đời mình như một giấc mơ?

- CEO Tùng “sữa”: Tôi nói điều này không biết anh có tin không? Đó là sau khi đã chấp nhận thực tế nghiệt ngã và đứng dậy khởi nghiệp, tôi cảm thấy như có một luồng năng lượng đặc biệt trong c‌ơ th‌ể mình. Kiểu như mình từng bị rơi xuống vực với những vách đá dựng đứng nên cách tốt nhất là tìm cách thoát khỏi nó cho dù khó khăn đến mấy. Kiểu như con người ta bị dồn đến đường cùng, nếu không có ý chí mạnh mẽ thì chỉ có chết.

Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nỗ lực gấp 5 gấp 10 lần so với người bình thường. Nói là định mệnh cũng đúng, bởi tai nạn chết đi sống lại ấy đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. Số phận lấy đi của mình 1 tay, 1 chân nhưng lại bù đắp cho mình một nghị lực mạnh mẽ. Hình như đối tác, khách hàng khi làm việc với tôi họ cũng có niềm tin hơn. Rằng ông Tùng “sữa” từng trải qua kiếp nạn khủng khiếp như thế mà vẫn vượt qua, chắc là người không bao giờ lùi bước, không bao giờ chịu đầu hàng số phận.

- Tôi cũng tin là như vậy! Cảm ơn anh đã truyền cảm hứng cho cả chính tôi trong cuộc trò chuyện rất thú vị này.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật