Trồng cây trước hái trái nay vặt đọt, ông nông dân Tiền Giang tưởng làm bừa mà thắng to

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dứt tình với nghề trồng sả cơ cực, giá bán không ổn định, anh Năm Được (Huỳnh Văn Được, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) chuyển sang trồng dừa lấy củ hủ (cổ hủ dừa). Vụ cổ hủ dừa đầu tiên thu hoạch, anh Năm Được tính thu lời khoảng 200 triệu đồng.
Trồng cây trước hái trái nay vặt đọt, ông nông dân Tiền Giang tưởng làm bừa mà thắng to
Anh Năm Được (Huỳnh Văn Được, xã Phú Thạnh, Tân Phú Đông, Tiền Giang) bỏ trồng sả chuyển sang trồng dừa lấy củ hủ. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, anh Năm Được trồng dừa lấy củ hủ với 5ha. Anh là người tiên phong trồng dừa lấy củ hủ ở huyện cù lao Tân Phú Đông.

Dễ như trồng dừa lấy củ hủ

Củ hủ dừa, còn gọi là tàu hủ dừa, đọt dừa hay cổ hũ dừa. Đây chính là phần lõi non nằm trên ngọn thân của cây dừa.

Tôi còn nhớ, mỗi lần về thăm anh bạn ở cù lao Tân Phong (Tiền Giang) hay được anh đãi món khoái khẩu củ hủ dừa trộn thịt ba chỉ với tôm. Để làm món này, chắc chắn anh phải mất một cây dừa trong vườn. Vì thế, vừa ăn món củ hủ dừa trộn, vừa tiếc hùi hụi cái cây.

Theo đó, trước tiên anh phải chọn một cây dừa già hay bệnh rồi trèo lên cây cắt ngang ngọn lấy phần đọt dừa. Phần đọt dừa này sẽ được gọt bỏ lớp mo xơ bên ngoài, làm lộ ra phần non trắng bên trong, đây chính là củ hủ dừa. Củ hủ dừa có độ giòn cao và vị ngọt nhẹ.

Giờ thì không còn cảnh tiếc hùi hụi khi ăn món củ hủ dừa nếu ghé vườn dừa của anh Năm Được. Bởi anh trồng dừa lấy củ hủ bạt ngàn. Muốn ăn món củ hủ dừa trộn hay hầm thịt chỉ nửa giờ sau là có. Không ai tiếc thương cây dừa nữa để mất vui trong bữa tiệc.

Theo anh Năm Được, 2 năm trước anh bắt tay trồng dừa lấy củ hủ. Giống dừa anh được một cơ sở thu mua củ hủ dừa đưa giống và bao tiêu sản phẩm củ hủ dừa.

Anh Năm Được (Huỳnh Văn Được, xã Phú Thạnh, Tân Phú Đông, Tiền Giang) đi kiểm tra vườn trồng dừa lấy củ hủ. Ảnh: Trần Đáng

Anh Năm Được chia sẻ, trồng dừa lấy củ hủ rất dễ, ít tốn công, phân thuốc. Nhưng, quan trọng là giống dừa phải tốt. Đặc biệt, giống phải là giống dừa ta để cây phát triển nhanh, củ hủ to.

Không ngờ, đất ở cù lao Tân Phú Đông do phèn nặng nên lâu nay bà con nông dân chỉ chuyên canh trồng sả và trồng mãng cầu ta nay rất phù hợp để trồng cây dừa lấy củ hủ.

"Do phèn nên đất ở đây rất giàu Kali. Kali sẽ giúp cho nước và củ hủ dừa ngọt hơn nơi khác", anh Năm Được thổ lộ.

Bên cạnh đó, anh Năn Được cũng cho biết, do đất ở đây chưa trồng dừa nên giờ trồng nên bây giờ trồng không gặp cảnh sâu bệnh phá hoại. Vì thế, anh trồng dừa rất ít tốn phân, thuốc.

"Sau khi trồng được 1 tháng, nông dân nên bón phân ure cho cây dừa", anh Năm Được chia sẻ.

 Về kỹ thuật trồng dừa lấy củ hủ, anh Năm cho biết, do đất cao nên anh không cần phải lên mô, lên liếp. Anh trồng cây cách cây 2m. Sau khi cây dừa được 1 tuổi, cứng cáp, anh lại trồng xen giữa 2 cây một cây dừa mới.

"Kỹ thuật trồng dừa lấy củ hủ là vậy để sau này luân phiên mỗi năm thu hoạch củ hủ dừa một đợt", anh Năm Được bộc bạch.

Sau khoảng 2 năm trồng dừa lấy củ hủ, nông dân sẽ thu hoạch củ hủ để bán cho thương lái. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, trên mảnh đất 5ha, anh Năm Được trồng dừa lấy củ hủ với 25.000 cây. Dừa trồng 18 – 20 tháng là có thể thu hoạch củ hủ. Thời điểm này, hoành gốc dừa 90 - 100cm. Vài tháng trước khi thu hoạch lấy củ hủ dừa, bà con nông dân thúc phân để cây cho củ hủ to, non.

Trồng dừa lấy củ hủ cơ hội và thách thức

Theo anh Năm Được, hiện trên địa bàn huyện cù lao Tân Phú Đông, ngoài anh ra đã có một số nông dân trồng dừa lấy củ hủ.

Anh Năm Được cho biết, khoảng 3 tháng nữa anh sẽ thu hoạch đợt đầu với 4.000 cây dừa. Với giá củ hủ bao tiêu là 6.000 đồng/cái, anh Năm Được dự tính sẽ thu lời khoảng 200 triệu đồng.

"Chi phí trồng dừa chiếm 30% doanh thu, tính ra trồng dừa lấy củ hủ lời rất tốt", anh Năm Được chia sẻ.

Theo anh Năm Được, trước việc trồng dừa lấy củ hủ được bao tiêu, có lời tốt, anh dự định sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích.

Với việc trồng dừa lấy củ hủ đày đặc thế này được cơ quan chức năng cảnh báo rủi ro cao. Ảnh: Trần Đáng

Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cao, bà con cần tỉnh táo cân nhắc thiệt hơn khi trồng dừa lấy củ hủ. Do dừa được trồng với mật độ dày rễ dừa sẽ đan kín mặt đất, việc cải tạo đất để trồng cây khác rất khó khăn sau này.

Bên cạnh đó, trồng dừa lấy củ hủ với mật độ dày sẽ phát sinh nhiều sâu bệnh như đuông, bọ cánh cứng hại dừa, bệnh thối đọt, bệnh đốm lá...

Trong trường hợp không có người thu mua, nhà vườn sẽ mất cả chì lẫn chài, vì với mật độ dày đặc dừa không thể cho trái được. Việc cải tạo lại vườn dừa để lấy trái hay trồng cây khác sẽ tốn nhiều công sức và thời gian.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật