Năng lực tác chiến của UAV Lancet và UAV TB2 trong xung đột ở Ukraine

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi Ukraine chưa tìm được cách vô hiệu hóa mối đe dọa từ Lancet-3 thì Nga được cho là đã có những biện pháp đối phó hiệu quả với Bayraktar TB2.
Năng lực tác chiến của UAV Lancet và UAV TB2 trong xung đột ở Ukraine
UAV Lancet của quân đội Nga. Ảnh: Defense Express

Máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của Nga được cho là hoạt động rất hiệu quả trên chiến trường khi phá hủy một số lượng lớn phương tiện của Ukraine. Không giống như UAV Shahed-136 do Iran sản xuất được Nga sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, Lancet là vũ khí chiến trường chủ yếu chống lại các mục tiêu quân sự.

Phiên bản đang được triển khai ở Ukraine là Lancet-3M nặng 15kg, tốc độ khoảng 112km/h. UAV này có một camera ở mũi cho phép người điều khiển tìm kiếm và xác định mục tiêu, sau đó tăng tốc và lao nhanh với tốc độ 305km/h để tấn công bằng đầu đạn xuyên giáp nặng 5kg. Phạm vi tấn công tối đa của Lancet vào khoảng 40km và máy bay không người lái trinh sát sẽ xác định vị trí của mục tiêu trước khi Lancet được triển khai.

Các cáo của Oryx cho biết, các mục tiêu chính của Lancet là hệ thống phòng không và pháo binh có giá trị cao của Ukraine, UAV Lancet được cho là đã phá hủy 10 khẩu pháo kéo, 7 khẩu pháo tự hành, 6 bệ phóng tên lửa đất đối không và 4 phương tiện radar, cùng với một trạm chuyển tiếp vô tuyến dùng để vận hành UAV Bayraktar TB2 của Ukraine. Ngoài ra, UAV này cũng nhiều lần tấn công chính xác vào xe tăng, xe bọc thép chở quân và nhiều phương tiện bọ thép hạng nhẹ khác.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích của Oryx – một trang blog chuyên theo dõi thiệt hại chiến tranh, UAV này cũng có một số hạn chế nhất định. Theo đánh giá của Oryx, Lancet có một số lần nhắm trượt hoặc phá hủy mục tiêu không thành công. Sau khi Nga đăng hình ảnh về cuộc tấn công của Lancet vào một lựu pháo, Ukraine đã công bố video về thiệt hại do vụ tấn công gây ra. Các binh sỹ Ukraine cho biết, UAV Lancet chỉ làm hỏng một bánh xe và chỉ cần thay thế bánh xe, lựu pháo này lại có thể hoạt động.

Mặc dù Lancet-3 không phải vũ khí “tấn công bách phát bách trúng’, nhưng vẫn được coi là một trong những UAV lợi hại và hiệu quả nhất trong kho vũ khí của Nga khi chuyên tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao với độ chính xác cao.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là Nga có thể cung cấp bao nhiêu UAV Lancet cho tiền tuyến. Vào tháng 10 vừa qua, nhà sản xuất Rostec của Nga cho biết, họ có khả năng sản xuất đủ UAV Lancet để đáp ứng nhu cầu của quân đội nhưng vẫn chờ đơn đặt hàng. Ông Oleg Katkov, Tổng biên tập trang Defense Express cho rằng, các biện pháp trừng phạt có thể khiến Nga không thể sản xuất một số lượng lớn UAV Lancet. Nhiều máy bay không người lái của Nga được chế tạo từ những linh kiện điện tử nhập khẩu tử Trung Quốc, Mỹ và Pháp. Nga được cho là đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn cung thay thế cho những bộ vi xử lý được dùng cho một số thiết bị quân sự kể từ khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Một số nhà phân tích lưu ý, so với UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, UAV Lancet vẫn có phần vượt trội hơn về mức độ hoạt động. Trong khi Ukraine chưa tìm được cách vô hiệu hóa mối đe dọa từ Lancet-3 thì Nga được cho là đã có những biện pháp đối phó hiệu quả với Bayraktar TB2.

Bayraktar TB2 từng được cho là “vũ khí lý tưởng” đối với Ukraine khi tập kích nhiều mục tiêu quân sự của Nga giai đoạn đầu cuộc xung đột. Nhưng hiện giờ, UAV này ngày càng vắng mặt trên chiến trường.

Sự sụt giảm tần suất hoạt động của UAV TB2 trên chiến trường và rất ít thông tin về nó trên các phương tiện truyền thông đã làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của UAV này. Nhiều nhà phân tích đang nỗ lực lý giải nguyên nhân khiến TB2 nhanh chóng mất ưu thế.

Một số người cho rằng, việc Nga củng cố hệ thống phòng thủ, áp dụng chiến thuật gây nhiễu là một trong những lý do khiến UAV TB2 mất tác dụng. Ông Samuel Bendett – chuyên gia về các hệ thống không người lái và robot lưu ý rằng, năng lực tác chiến điện tử và năng lực phòng không của Nga đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Theo chuyên gia này, các lực lượng Nga đã sử dụng radar cảnh báo sớm để xác định vị trí của UAV, sau đó sử dụng các thiết bị điện tử để gây nhiễu và cản trở đường truyền của chúng. Bên cạnh đó, Moscow cũng triển khai nhiều loại vũ khí, gồm súng máy và hệ thống phòng không như hệ thống tên lửa Tor để bắn hạ máy bay không người lái của đối phương.

Trong một bài bình luận trên Eurasian Times, ông Ashish Dangwal – chuyên gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quốc phòng và địa chính trị nhận định, trong chương mới của cuộc xung đột, UAV của Ukraine đang hoạt động kém hiệu quả hơn, trong khi những UAV mà Nga đang sử dụng như Lancet-3 và Sahed-136 (có nguồn gốc từ Iran) vẫn giữ được lợi thế.

Liên quan đến sự sụt giảm của UAV TB2 trên chiến trường, truyền thông Nga suy đoán rằng, thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trong những yếu tố chi phối. Từng có báo cáo cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Ankara ngừng chuyển giao máy bay không người lái cho Ukraine như một điều kiện để duy trì thỏa thuận khí đốt giữa hai bên. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là không thực hiện bất cứ đợt chuyển giao mới nào cho Ukraine. Một nguồn tin ở Kiev mới đây cho hay, tập đoàn Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ đã rút lại quyết định thành lập một nhà máy sản xuất máy bay không người lái tại Ukraine

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật