Nơi ít du khách biết ở Hà Giang

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không giới hạn mình ở những điểm dừng chân hút khách, đi bộ rèn luyện sức khỏe và chinh phục vách đá trắng hoang sơ là cách mà Trần Văn Sơn (1997) trải nghiệm Hà Giang.
Nơi ít du khách biết ở Hà Giang
Chinh phục vách núi cao giúp bạn ngắm nhìn hết tất cả những gì đang diễn ra xung quanh mình.

Hà Giang, thuộc vùng Đông Bắc, là một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Thiên nhiên ban tặng nơi đây cảnh quan hoang sơ với hệ thống sông, núi, cao nguyên đá hùng vĩ và những cung đường đèo uốn lượn.

Trong muôn vàn cách để tận hưởng nơi địa đầu Tổ quốc, nếu là người ưa khám phá, mạo hiểm và check-in góc lạ, bạn có thể tìm cho riêng mình một cảm hứng mới ở nơi ít ai đến tại mảnh đất "hoa nở trên đá".

Đến Hà Giang một mình

Văn Sơn (hiện sống và làm việc tại Hà Nội) vừa trải qua hành trình xuyên Việt cách đây không lâu.

Văn Sơn phượt độc hành.

25 ngày độc hành bằng xe máy qua chặng đường gần 5.700 km, Sơn đã đặt chân đến 30 tỉnh, thành trên khắp Việt Nam.

"Công việc trước đây của mình là quay phim. Sau chuyến đi xuyên Việt, bao vùng miền tươi đẹp đã để lại cho mình rất nhiều ấn tượng. Cũng từ đó, mình quyết định trở thành travel vlogger", Văn Sơn tâm sự.

Chàng trai 25 tuổi mong muốn chia sẻ nhiều hơn nữa hình ảnh về đời sống con người, bản sắc văn hóa của những vùng đất từng đến, đồng thời ghi lại các thước phim về mỗi địa danh đã đi qua.

Tiếp tục đam mê ấy, Sơn quyết định một mình đặt chân đến Hà Giang - nơi rẻo cao phương Bắc vào tháng 11 vừa qua.

Chinh phục vách đá trắng

Vách đá trắng - nơi thu hút những tâm hồn yêu thích phiêu lưu.

"Ở Hà Giang có nhiều địa danh đẹp thu hút rất đông người, song mình muốn tìm không gian riêng tư, yên tĩnh hơn và được đi bộ để hằn dấu chân lên mảnh đất tươi đẹp nên quyết định chinh phục vách đá trắng", 9X bày tỏ.

Vách đá trắng là lưng của một ngọn núi thuộc đỉnh đèo Mã Pí Lèng - một trong những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam.

Theo người dân địa phương, khi chưa có con đường Hạnh Phúc, đường men theo vách đá trắng là lối đi lại chính giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Vách đá trắng cũng là nơi Vua Mèo cùng đoàn tùy tùng đi qua và thường dừng chân nghỉ ngơi trước đây. Con đường mòn với những bậc thang bằng đá dẫn lên đây đã có từ rất lâu.

Mảng đá vôi lớn màu trắng nổi bật giữa mây ngàn, gió núi.

Từ Bảo tàng Con đường Hạnh phúc, Văn Sơn bắt đầu di chuyển xe máy đi qua khu vực mỏm đá tử thần, xuống một thung lũng và tiếp tục đi lên cho đến đài vọng cảnh. Trải qua khoảng 3 km đi xe máy trên con đường đầy thử thách với một bên là vách đá, một bên là vực sâu, Sơn đến được đoạn đường đi bộ để bắt đầu khám phá vách đá trắng.

Con đường men theo triền núi chỉ vừa cho một người đi, có những bậc thang bằng đá cùng hàng rào sắt bảo vệ an toàn cho người du lịch trải nghiệm.

Với kiến tạo kỳ diệu của địa chất, khu vực vách đá trắng có một vách đá hõm vào, tạo nên khoảng trống đủ để một vài người có thể cắm trại qua đêm ngắm sao hay đón ánh bình minh khi thức giấc.

Cây cô đơn bên vách đá trắng.

"Đi thêm một đoạn nữa, mình bắt gặp những luống cải xanh tốt đang nở hoa vàng cả một vùng, được trồng phía dưới của vách đá trắng. Trước mắt còn có cụm 3-4 cây, mình chưa rõ tên gọi tuy nhiên hầu hết trong đó đã chết khô, chỉ còn mỗi một cây nên mình tạm gọi là cây cô đơn", Sơn nói. Văn Sơn đánh giá địa điểm này cao nhất ở khu vực và cũng là nơi chụp ảnh đẹp nhất.

Từ độ cao này, phượt thủ có cơ hội phóng tầm mắt ra xa ngắm vẻ đẹp đan xen giữa mây và núi, của dòng sông Nho Quế, hẻm Tu Sản, nhìn đoàn người đi phượt nối tiếp nhau trên con đường Hạnh Phúc...

"Để trở về, bạn có thể di chuyển hết đường ven núi sẽ có lối nhỏ dẫn xuống con đường Hạnh Phúc, hoặc quay lại điểm đi bộ ban đầu", Văn Sơn bật mí.

Trước khi khám phá vách đá hiểm trở

Theo Văn Sơn, để bắt đầu chuyến đi du lịch chúng ta cần chuẩn bị nhiều thứ. Tuy nhiên, sức khỏe là điều quan trọng nhất.

Hành trang cần gọn nhẹ nhất có thể.

Với địa hình đèo dốc thay đổi liên tục ở Hà Giang hay quãng đường đi bộ xa như chặng đến vách đá trắng, bạn cần tham khảo địa hình khu vực bao gồm cả đường đi, lối về. Đặc biệt, tín đồ mạo hiểm cần theo dõi tình hình thời tiết, đồng thời quan tâm đến yếu tố an toàn, thuận lợi, khó khăn trước lúc xuất phát.

Quãng đường chinh phục vách đá khá xa, bên cạnh việc bổ sung nước uống và thức ăn nhẹ, đồ dùng mang theo cần gọn nhất có thể. Trang phục thoải mái, đủ độ co giãn để dễ vận động. Áo khoác gió chống nước nhẹ là gợi ý lý tưởng cho thời tiết nhiều sương mù. Giày thể thao đế bám sẽ phù hợp trekking ở các địa hình trơn trượt, khó đi.

Ngoài ra, nếu có dự định qua đêm, bạn cần chuẩn bị đầy đủ áo ấm cũng như lều, trại, đồ dùng cá nhân.

Điều cần lưu ý là không vứt rác bừa bãi, không khắc tên, viết chữ, vẽ lên vách núi.

"Chúng ta đến đây tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, thước phim đẹp và đừng để lại gì ngoài những dấu chân", phượt thủ bày tỏ.

Phá bỏ giới hạn, đi đến nơi mình muốn

Mỗi hành trình đều có ý nghĩa riêng, mang đến đầy đủ cung bậc của cảm xúc.

"Những chuyến đi là cách giúp mình làm mới tâm hồn, khơi nguồn cảm hứng cho công việc", chàng trai 25 tuổi chia sẻ.

Với Sơn, điều thú vị nhất trong mỗi chuyến đi không chỉ là tận hưởng thiên nhiên, được tìm hiểu thêm về văn hóa và lịch sử dân tộc mà còn là cơ hội trò chuyện, gặp gỡ nhiều bạn mới trên những cung đường.

Dẫu ban đầu xa lạ, nhưng nhờ sở thích chung đã kết nối mọi người xích lại gần nhau hơn. Mỗi người mang đến một câu chuyện, đó là cách mà chàng trai trẻ tìm kiếm sự mới mẻ cùng năng lượng tích cực cho bản thân.

Mỗi chúng ta đều mang trong mình một sự tò mò và khám phá. Nếu có thể, bạn hãy dành thời gian lên lịch một chuyến đi. Dù dài hay ngắn, mỗi hành trình sẽ làm bạn thêm yêu cuộc sống và đất nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật