Nên cúng lễ như thế nào vào ngày Rằm tháng Bảy?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày Rằm tháng Bảy, bạn nên cúng lễ cho tổ tiên, thực hiện các bước dâng hương, cung kính, thành tâm khấn vái và có thể cúng cô hồn, phát tâm công đức.
Nên cúng lễ như thế nào vào ngày Rằm tháng Bảy?
Mâm cơm chay ngày lễ Vu Lan. Ảnh: Vnexpress Mai Nghĩa

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Rằm tháng Bảy âm lịch

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tháng Bảy âm lịch không phải là tháng cô hồn như nhiều người vẫn tưởng. Tháng Bảy âm lịch là tháng của đạo hiếu, là Tết Trung nguyên Địa quan xá tội, ngày chư Phật hoan hỷ, chư tăng ni mãn hạ, tổ chức lễ Vu Lan cúng dường Tam bảo để được công đức vô lượng, cứu được cha mẹ, tổ tiên bảy đời...

Đạo giáo cho rằng Rằm tháng 7 là ngày Địa quan và các vị thánh xét duyệt, phân biệt thiện ác, định rõ sổ bạ kiếp số của quỷ và con người, xá tội cho các vong hồn. Chúng quỷ đói bị giam cầm lúc này được giải thoát, hết thảy đều no đủ, xa lìa nỗi khổ, được sinh làm người... Vì thế vào ngày Rằm tháng Bảy các gia đình cúng lễ, đốt vàng mã, quần áo mã cho anh linh gia tiên, gia tộc mình.

Phật giáo có lễ Vu Lan (Vu Lan bồn) nghĩa là giải cứu cảnh khốn khổ cùng cực, là nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời. Cúng dường chư phật và chúng tăng để tưởng nhớ, báo ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ sinh ra mình và cha mẹ bảy đời. Kinh này ghi chép sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên thiết đàn cúng dường trai tăng vào ngày mãn hạ, tức ngày Rằm tháng Bảy và cúng "thí thực" cứu mẹ thoát kiếp ngạ quỷ, vì vậy còn gọi là lễ "Vu Lan báo hiếu".

Theo Hòa thượng Thích Nguyên Tâm, Lễ Vu Lan còn gọi là Hoan hỷ hội (ngày hội vui vẻ) hay Hồn tế (cúng tế vong hồn). Vào ngày Rằm tháng Bảy, người ta dựng một "nhà vong linh" (lập đàn) rồi triệu thỉnh vong linh ông bà, tổ tiên về tại đó; lại mời chư tăng ni đến tụng kinh cầu nguyện. Gia chủ cúng dường cơm chay và các vật phẩm cho chúng tăng để tích lũy công đức và hồi hướng công đức đó cho ông bà, tổ tiên mình. Vì thương tổ tiên, muốn anh linh ông bà cha mẹ ở lại với mình lâu hơn nên người ta kéo dài kỳ lễ (dài nhất từ ngày 13/7 đến 16/7 âm lịch). Tháng Bảy được coi như là tháng Vu Lan bồn. Ở nông thôn, do mùa vụ nên lễ hội này có khi kéo dài đến Rằm tháng Tám.

"Phật tổ thống ký" ghi lễ Vu Lan được tổ chức lần đầu tiên vào năm 538, vua Lương Vũ Đế đích thân thiết lễ cúng dường trai tăng tại chùa Đồng Thái. Tại Nhật Bản, lễ Vu Lan được tổ chức lần đầu tiên vào năm 606. Đến thời Liêm Thương (1185 – 1333), lễ Thí thực (chẩn tế âm linh, cô hồn) được tiến hành trong dịp lễ Vu Lan. Phật giáo Nhật Bản tổ chức lễ Vu Lan với nghi thức "bông hồng cài áo". Năm 1962 nghi thức này được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giới thiệu và một số chùa ở nước ta hiện nay khi tổ chức Vu Lan bồn có thực hành "bông hồng cài áo".

Hiếu nghĩa là đạo đức lớn nhất trong vũ trụ, là đạo lý của trời đất, muôn loài đều có tình mẫu tử. Từ ý nghĩa đẹp đẽ của Tết Trung nguyên - Rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan, tao nhân mặc khách từ xưa đã có nhiều văn, thơ ca ngợi; tăng ni, phật tử khắp nơi phụng hành, ca tụng.

Cách thức thực hiện lễ cúng tổ tiên

Ngày nay, vào dịp Rằm tháng Bảy các gia đình tổ chức cúng lễ tổ tiên, các chùa tổ chức lễ Vu Lan.

Lễ tổ tiên có thể cúng bất kỳ ngày nào trong tháng Bảy, nhưng tốt nhất là vào ngày Rằm, với nghi thức như các lễ cúng trong dịp Tết Nguyên Đán: Dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sạch sẽ, trang nghiêm, ấm cúng. Lễ vật chủ yếu gồm cơm canh, rượu nước, hương đèn (nến), hoa quả, vàng mã, gạo muối, quần áo mã. Nếu có điều kiện, bạn làm cỗ chay, phóng sinh.

Người chủ lễ phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo chỉnh tề; không uống rượu bia, không nóng giận, không nói tục, tập trung tinh thần vào lễ cho thật trang nghiêm. Thực hiện các bước dâng hương, cung kính, thành tâm khấn vái như các lễ cúng khác. Con cháu, người thân tham gia lễ cúng phải ngồi đúng thứ tự, ngay ngắn. Không nên vừa cúng vừa nói chuyện riêng, không gây ồn ào, mở nhạc hoặc để con cháu, người xung quanh làm mất trật tự...

Có thể khấn Nôm, nêu rõ ngày giờ, tên tuổi, địa chỉ gia đình và mục đích cúng lễ. Điều quan trọng nhất là phải thực sự cung kính, nghiêm trang, tin rằng tổ tiên đang nhìn mình. Người cúng và các con cháu tưởng nhớ, hình dung lại hình ảnh đẹp đẽ của tổ tiên, cha mẹ lúc còn sống. Tất cả tình cảm, tâm sự hướng về tổ tiên, cầu mong anh linh tiên tổ được bình an, siêu độ; đồng thời tâm niệm về những điều sai quấy của bản thân trong cuộc sống, thầm hứa với tổ tiên rằng mình sẽ khắc phục, sửa đổi. Đừng cầu vọng, kêu xin, mặc cả cho mình hoặc gia đình điều này điều nọ. Không lễ vật nào lớn hơn tình cảm và lòng sám hối của người cúng lễ.

Năm nay, nếu chọn ngày thì nên cúng vào các ngày giờ sau: 13/7 từ 9h đến 11h; 15/7 từ 7h đến 9h, 11h-15h hoặc 17h-19h; 16/7 từ 9h đến 11h; 17/7 từ 7h đến 9h, 11h-15h; 25/7 từ 9h đến 11h, 15h-17h; 26/7 từ 7h đến 11h, 13-15h; 28/7 từ 9h đến 11h.

Cúng cô hồn (hàng tháng vào ngày mùng Hai và ngày 16 âm lịch) gồm các bước như sau:

Việc cúng cô hồn, phát tâm công đức nên thông qua nhà chùa. Oan vong, cô hồn, ngạ quỷ (quỷ đói) là những đối tượng khốn khổ, cần được giúp đỡ, tế độ. Tuy nhiên, do bài cúng rất dài, có tụng kinh niệm phật và trì chú nên không phải ai cũng biết để tự cúng.

Đạo Phật với quan niệm "chúng sinh phụ mẫu" (chúng sinh đều là cha mẹ) nên các chùa hàng ngày hoặc định kỳ cúng cô hồn, ngạ quỷ vào buổi chiều tối hoặc hai bữa sáng và tối. Lễ cúng đơn giản là cháo trắng, bỏng ngô, bánh kẹo, gạo muối, quần áo mã, hương hoa, nước lã... Thiếu bát đĩa thì múc cháo ra những chiếc lá đa để cúng.

Bày lễ tùy tâm, thường là cháo (12 bát), gạo muối, tiền vàng, bát nước lã, đèn nến, bánh kẹo, có khi miếng thịt luộc, con tôm con cá, quả trứng... Bày lễ ngoài cổng, ngoài cửa vào khoảng 16 giờ.

Người cúng phải biết tên các vị phật, bồ tát, các bài kinh, khẩu chú. Trước tiên phải quần áo chỉnh tề, phát tâm thương xót, chắp tay kính lễ chư phật mà niệm.

Sau đó lần lượt trì đọc (Ba lần) các chú: Khai yết hầu, Tam muội da giới, biến thực chân ngôn, Cam lộ thủy chân ngôn, Nhất tự thủy luân chân ngôn, Nhũ hải chân ngôn. Tiếp theo, tụng danh hiệu Thất phật (Ba lần), đọc thần chú gia trì pháp thí thực, Thí vô giá thực chân ngôn, Phổ cúng dường chân ngôn. Tụng một lần Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh và cuối cùng là Vãng sinh chú.

Khi hương tàn, vãi gạo muối, hóa vàng mã, vẩy nước bốn phía, bỏ những đồ cúng ra ao hồ, sông suối. Không nên sử dụng những đồ cúng cô hồn.

Với ý nghĩa, nghi thức và bài cúng cô hồn như nêu trên; nhân dịp Vu Lan chúng tôi cho rằng bạn đọc nên cân nhắc khi gọi tên tháng Bảy. Nếu có lòng xót thương, muốn bố thí chúng sinh, cô hồn, ngạ quỷ thì nên nhờ nhà chùa. Lễ không quản nhiều ít, quan trọng là thành tâm bố thí, cúng dàng.

New Volume Lash by Bonna Beauty: Sydney Best EyeLash Extension near Bankstown Revesby Campsie.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật