Gói hỗ trợ lãi suất 2%: ‘Phao cứu sinh’ của doanh nghiệp và người dân

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho khách hàng.
Gói hỗ trợ lãi suất 2%: ‘Phao cứu sinh’ của doanh nghiệp và người dân
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu và chri đạo tại Hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại.

Hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai chính sách, hướng dẫn hạch toán kế toán và đôn đốc các ngân hàng thương mại khẩn trương đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các ngân hàng thương mại sớm triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Riêng đối với các câu hỏi liên quan đến đối tượng được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp và có các văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng giải đáp cho các ngân hàng thương mại.

Là một trong những ngân hàng triển khai ngay từ khi Nghị định được ban hành và cũng là ngân hàng có nhiều đối tượng thụ hưởng nhất, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank cho biết tại thời điểm xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã chủ động tham gia ý kiến, quán triệt ngay từ thời kỳ xây dựng văn bản.

Agribank đã ban hành 4 văn bản để chỉ đạo triển khai hướng dẫn và tập huấn cho 24.000 cán bộ có liên quan, đặc biệt quán triệt nghiêm cấm cảnh báo đến toàn hệ thống vi phạm trục lợi chính sách trong quá trình triển khai chính sách.

“Thực tế khi triển khai, toàn hệ thống Agribank cũng rất lo lắng, vì gói trợ trước đến giờ vẫn chưa giải quyết xong những tồn tại cũ. Trong khi triển khai chính sách có rất nhiều vấn đề thực tiễn xảy ra,” ông Ấn chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Agribank, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khách hàng của Agribank chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhỏ lẻ, hầu như không có đăng ký kinh doanh, vì vậy hồ sơ thường không đủ giấy tờ để chứng minh.

“Với hướng dẫn sát sao của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính thời gian tới chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề phát sinh để hỗ trợ tối đa cho bà con,” ông Ấn nhấn mạnh.

“Phao vàng” giúp doanh nghiệp và người dân

Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ví von: “Gói hỗ trợ lãi suất 2% giống như cái phao vàng để giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.”

Còn ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, chính sách này là một trong những trụ cột hỗ trợ các lĩnh vực dịch vụ du lịch của Quảng Ninh, góp phần giúp tỉnh đạt được mục tiêu tăng trưởng 11% trong năm nay.

“Nhu cầu vay vốn, đặc biệt là của người lao động, mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm, tăng vốn cho Ngân hàng Chính sách tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ người lao động vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh,” ông Khắng kiến nghị.

Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng về quy trình dự toán, thanh quyết toán chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp thiết kế rõ ràng, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

“Các chính sách về hỗ trợ lãi suất ra đời thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp. Việc này còn nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế khẩn trương, cụ thể, đúng đối tượng,” ông Chi chính nhấn mạnh.

Vị đại diện Bộ Tài chính cho biết khác với các chính sách trước, các quy định về hỗ trợ lãi suất 2% lần này có thêm quy định về kiểm toán hàng năm, cũng như có quy định về thẩm định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, các bộ ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

“Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 31,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại, thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức tín dụng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật