Cú sốc lớn với thủ tướng Anh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai bộ trưởng hàng đầu đã “nhảy khỏi con tàu” của thủ tướng Anh sau loạt tai tiếng, câu hỏi đặt ra là liệu bậc thầy vượt qua bê bối chính trị có thể tiếp tục thoát nạn hay không?
Cú sốc lớn với thủ tướng Anh
Thủ tướng Boris Johnson gặp Tổng thống Ukraine. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh mẽ về chính trị vào ngày 5/7, khi hai trong số các bộ trưởng cao cấp nhất của ông từ chức trong một cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo đầy bê bối.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh Sajid Javid đã đệ đơn từ chức sau khi ông Johnson xin lỗi về vụ bê bối mới nhất liên quan đến các cáo buộc về hành vi quấ‌ּy rố‌ּi tìn‌ּh dụ‌ּc và say xỉn quá mức của một nhà lập pháp đảng Bảo thủ.

Đơn từ chức đột ngột đã gây ra sự rạn nứt trong chính phủ của thủ tướng Anh, vào thời điểm ông vốn đang chiến đấu với một "cuộc binh biến" giữa các nhà lập pháp trong đảng của mình - những người đang tức giận sau nhiều tháng chứng kiến cáo buộc đáng xấu hổ về các bữa tiệc ở Phố Downing khi giãn cách xã hội.

Ông Johnson đã nhanh chóng thông báo về những người thay thế ông Sunak và ông Javid. Điều đó cho thấy nhà lãnh đạo Anh đang cố gắng ổn định chính phủ và duy trì vị trí của mình. Tuy nhiên, vị thủ tướng vẫn đang đối mặt biến cố chính trị lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt nhiệm kỳ 3 năm đầy sóng gió ở Phố Downing.

Bước đường cùng

Các nhà phân tích và một số nhà lập pháp cấp cao của đảng Bảo thủ cho biết việc hai bộ trưởng đột ngột từ chức có thể phá vỡ bất kỳ sự ủng hộ nào còn lại trong nội bộ đảng đối với ông Johnson.

Trước đó, Trưởng cố vấn pháp lý của Vương quốc Anh Alex Chalk và một số người nắm giữ các chức vụ trong chính phủ cũng từ chức.

“Tôi không thể thấy con đường giúp ông ấy vượt qua điều này. Lần này thực sự giống như bước đường cùng”, ông Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary, London, cho biết.

Thủ tướng Boris Johnson, từ một nhà báo tự do trở thành chính trị gia, dường như luôn đứng ngoài những luật lệ bất thành văn trong giới chính trị. Ông “sống sót” qua nhiều cuộc điều tra, án phạt Hình Sự từ cảnh sát và cả một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong đảng của mình - tất cả đều liên quan đến các bữa tiệc ở Phố Downing được tổ chức trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.

Nhờ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông không phải đối mặt với thử thách tương tự trong vòng một năm tới, trừ khi các quy tắc của đảng bị thay đổi. Điều đó có nghĩa đơn từ chức từ thành viên nội các có thể là phương pháp hiệu quả duy nhất để gây áp lực buộc ông phải rút lui.

Vài giờ sau khi ông Sunak và ông Javid từ chức, ông Johnson đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi làm Bộ trưởng Tài chính mới của Anh, và ông Steve Barclay, Chánh văn phòng phố Downing, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế. Điều đó cho thấy nỗ lực ổn định chính phủ của nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, sự cải tổ này cũng đang làm nảy sinh những vấn đề riêng. Ông Barclay chỉ mới được tuyển vào tháng 2, sau bê bối tiệc tùng. Thủ tướng Johnson cũng chưa thể thay thế người đứng đầu đảng Bảo thủ Oliver Dowden, sau khi ông này từ chức vì thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng trước.

Những mất mát đó đang tạo nên nỗi lo sợ cho nhiều đảng viên Bảo thủ rằng ông Johnson đã mất tư cách "nhà vô địch" trong các cuộc vận động bỏ phiếu - danh tiếng được gây dựng sau chiến thắng vang dội vào năm 2019, cũng chính là điều giúp ông vượt qua mọi vụ bê bối.

Lời xin lỗi muộn màng

Gần đây, nhà lãnh đạo Anh càng chịu nhiều chỉ trích hơn khi thăng chức cho nhà lập pháp đảng Bảo thủ Chris Pincher. Tuần trước, ông Pincher đã từ chức phó lãnh đạo văn phòng kỷ luật đảng Bảo thủ, sau khi thừa nhận say xỉn và quấ‌ּy rố‌ּi hai người đàn ông khác tại một club ở London.

Đến ngày 5/7, Phố Downing thừa nhận ông Johnson đã được báo cáo về những cáo buộc chống lại ông Pincher vào năm 2019 - điều mà văn phòng thủ tướng từng phủ nhận. Sau đó, thủ tướng đã gửi lời xin lỗi trên BBC vì thăng chức cho ông Pincher, như một nghi thức quen thuộc trong chính trường Anh suốt thời gian qua.

“Dù nhận thức muộn màng, điều đó là một sai lầm. Tôi xin lỗi tất cả những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi (quyết định này)”, ông Johnson nói.

Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Anh Sajid Javid và Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: AP.

Song, nếu vị thủ tướng cho rằng hành động ăn năn đủ để giữ chân các bộ trưởng và nhà lập pháp, ông đã sai. Ông Sunak, người giữ chức vụ được coi là quyền lực thứ hai trong chính phủ, đã đệ trình một lá thư từ chức và chỉ trích thẳng thừng.

“Công chúng thực sự kỳ vọng chính phủ được tiến hành đúng đắn, có năng lực và nghiêm túc. Tôi nhận ra đây có thể là công việc cuối cùng với tư cách bộ trưởng của tôi, nhưng tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tại sao tôi từ chức", ông viết.

Trong khi đó, ông Javid viết: "Thật là một đặc ân to lớn khi được phục vụ trong vai trò này, nhưng tôi rất tiếc vì không còn có thể tiếp tục theo đúng lương tâm. Tôi thấy rõ tình hình này sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của (thủ tướng), và ông ấy cũng đã đánh mất niềm tin của tôi”.

Cả hai vị bộ trưởng đều là những nhân vật lớn trong đảng, với khả năng lãnh đạo đầy tiềm năng. Sau khi từ chức, việc liệu ông Sunak hay ông Javid có cố gắng trở thành đối thủ của Thủ tướng Johnson hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Ông Johnson đã thành công vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, một phần lớn vì không có người thay thế rõ ràng, nhưng điều đó càng khiến nhà lãnh đạo Anh dễ bị tổn thương hơn.

Hơn 40% nhà lập pháp trong đảng đã bỏ phiếu phế truất ông. Họ có thể đề xuất những người kế nhiệm tiềm năng, và thậm chí yêu cầu thay đổi các quy tắc và tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác sớm hơn.

Sự phản đối kịch liệt về việc bổ nhiệm ông Pincher và lời giải thích của Phố Downing chỉ là trường hợp mới nhất trong một loạt bê bối xoay quanh ông Johnson. Đầu năm nay, ông đã bị cảnh sát phạt vì vi phạm quy tắc phong tỏa, khi để các nhân viên tổ chức tiệc tùng tại Phố Downing.

Với những diễn biến mới nhất hôm 5/7, một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ khẳng định họ tin ông Johnson sẽ không có sự trở lại.

“Tôi đã bỏ phiếu chống lại (Thủ tướng) Boris Johnson trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm gần đây và sự việc đầu ngày hôm nay (5/7) nhắc lại những lo ngại của tôi”, Laurence Robertson, một nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Bảo thủ, viết trên Twitter.

“Việc từ chức của các bộ trưởng trong nội các cho thấy họ đồng tình rằng các vấn đề nảy sinh trong những tháng qua tạo ra sự xao nhãng với những thách thức mà đất nước phải đối mặt. Thủ tướng phải từ chức ngay bây giờ”, ông nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật