Hình ảnh biến chủng Omicron lần đầu được công bố

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà khoa học Italy lần đầu trình bày hình ảnh so sánh Omicron và Delta, cho thấy lượng đột biến khổng lồ của biến chủng mới.
Hình ảnh biến chủng Omicron lần đầu được công bố
Hình ảnh so sánh lượng đột biến giữa Delta và Omicron. Ảnh: Ansa

Hình minh họa được bệnh viện Bambino Gesu công bố ngày 27/11, chỉ ra rằng Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18. Hiện chưa có ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học về hình minh họa trên của nhóm nghiên cứu Bambino Gesu.

Biến chủng cũng chứa tới hai đột biến là P681H và N679K ở vị trí phân cắt furin (vị trí giúp virus thuận lợi xâm nhập vào tế bào). Đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận hai đột biến này trong biến chủng duy nhất.

Omicron rất có thể đến từ một bệnh nhân suy yếu miễn dịch, không đủ khả năng tự loại bỏ virus. Giả thuyết tương tự từng được đưa ra với biến chủng Alpha.

Theo các nhà khoa học, những thay đổi mới cho thấy virus thích nghi tốt hơn với con người. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định liệu các đột biến đó có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn những chủng trước đó hay không.

Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận là ‘biến thể đáng lo ngại’ ngày 27/11. Sharon Peacock, giáo sư về sức khỏe cộng đồng và vi sinh tại Đại học Cambridge, Anh, nhận định: "Có hai cách tiếp cận trong tương lai là chờ đợi thêm bằng chứng khoa học, hoặc hành động ngay bây giờ. Theo tôi, cách tốt nhất là chủ động đi trước virus thay vì ngồi chờ đợi".

Một biến chủng trở thành chủng đáng lo ngại (VOC) khi những biến đổi về bộ gene của virus mang ý nghĩa lâm sàng hoặc có những yếu tố sau: khả năng lây truyền tăng; độc lực (mức độ nghiêm trọng của bệnh) tăng; thay đổi hiệu quả vaccine (giảm hiệu quả); thay đổi hiệu quả chẩn đoán (phương pháp chẩn đoán hiện tại không còn hiệu quả)...

Hiện nhóm VOC bao gồm biến chủng Alpha, Beta, Gama, Delta. Biến chủng được quan tâm (VOI) có Lambda và Mu.

Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hôm 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.

Trước mối đe dọa từ biến chủng này, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía Nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

Israel dự kiến cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28/11, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật