Nữ tướng Lê Chân

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tương truyền, nữ tướng Lê Chân quê ở trang Yên Biên (tên Nôm là Vẻn), huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ, nay là thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Nữ tướng Lê Chân
Tượng nữ tướng Lê Chân tại An Biên, Thủy An, Đông Triều.

Theo tương truyền thì cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu. Ông Lê Đạo làm nghề thầy thuốc, có tấm lòng nhân từ, quảng đại và luôn sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khó, sa cơ lỡ vận. Những ân đức của ông làm dân chúng xa gần đều mến phục. Còn bà vợ ông là một thôn nữ thùy mỵ nết na, đôn hậu, nổi tiếng về nghề chăn tằm, dệt vải. Hiềm nỗi hai ông bà tuổi đã cao mà chưa có mụn con để sớm hôm vui cảnh tuổi già. Hai người đã đi lễ bái cầu phúc ở nhiều cửa Phật, nhưng kết quả chưa thành. Nghe bên núi Yên Tử có ngôi chùa linh thiêng, dù đường sá hiểm trở, nhưng ông bà cũng tìm đến tận nơi thành tâm khấn bái.

Đêm ấy, Lê Đạo nằm mơ thấy mình được lên Thiên cung, tai văng vẳng nghe thấy lời truyền bảo: “Nhà ngươi có phúc lớn, tiếng đến Thiên đình. Nay nhân có một tiên nữ phạm lỗi, Ngọc Hoàng sai đày xuống trần hai mươi ba năm. Cho đầu thai làm con nhà ngươi, sau sẽ làm rạng rỡ gia đình, nam nhi cũng không sánh kịp”. Biết mình gặp giấc mơ đẹp, vợ chồng ông từ giã nơi cửa Phật ra về. Sau đó, bà Châu mang thai tròn mười hai tháng thì sinh được một bé gái má phấn môi son, mày ngài mắt phượng, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Ông bà đặt tên con là Lê Chân.

Lê Chân lớn lên là một thiếu nữ có nhan sắc, giỏi võ nghệ, có tài văn chương. Một hôm Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định, tên tham quan tàn bạo, “thấy tiền thì giương mắt lên” đi kinh lý qua huyện Khúc Dương. Nghe kẻ nịnh thần tâu bày về sắc đẹp của nàng Lê Chân, Tô Định bèn dùng quyền thế ép nàng về làm tỳ thiếp, nhưng bị nàng từ chối. Tức tối, hắn cho quân sát hại cha mẹ nàng. Lê Chân phải rời bỏ quê theo Kinh Tây (kênh phía Tây của Đông Triều, sau là sông Kinh Tây, từ thế kỷ XX là sông Kinh Thầy) xuôi xuống phía Nam, tới vùng cửa biển cùng huyện (vùng đất này lúc bấy giờ chỉ là một bãi đất phù sa mới bồi lên, khá nhiều sú vẹt, mấy túp lều tranh của phường chài lưới). Thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà dừng lại lập trại khai phá.

Đền thờ nữ tướng Lê Chân tại Kim Bảng, Hà Nam.

Cùng với thân quyến và người làng mà Lê Chân đón ra, bà cho phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, đánh bắt thủy hải sản, làm nên một mảnh đất trù phú. Để tưởng nhớ cội nguồn, bà đã đặt tên nơi đây là trang An Biên. Song song với việc phát triển sản xuất, bà còn chiêu mộ binh lính luyện rèn, được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Nghĩa quân của bà được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy chiến…

Nhìn lại quá trình lịch sử kỷ Trưng Nữ Vương được Đại Việt sử ký toàn thư ghi vẻn vẹn chỉ có bốn câu với hai mươi sáu dòng. Nhưng tôi rất ấn tượng với lời bàn của nhà sử học Lê Văn Hưu (1230 – 1322) đời Trần ghi: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương, dễ như trở bàn tay, đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn một ngàn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm thần bộc cho phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà ư. Ôi! Có thể gọi là tự bỏ mình vậy”…

Bia đá ghi thần tích Nữ tướng Lê Chân tại nghè Lê Chân, quận Lê Chân, Hải Phòng.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được sự hưởng ứng của quân đội và nhân dân các nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai Bà đã lấy được 65 thành trì ở Lĩnh Nam. Trong chiến công vang dội đó có các cánh quân của nhiều tướng quân nam giới chỉ huy, còn các cánh quân do các nữ tướng chỉ huy còn gấp nhiều lần các tướng quân do nam giới đảm trách, trong đó có cả người Trung Quốc như Đô Thiên (quê Lưỡng Quảng), Sa Giang (quê Trường Sa), Trần Thiếu Lan (quê Thẩm Giang, Hồ Nam), Trần Thị Phương Châu (quê Khúc Giang, Quảng Đông)…Và một nhân vật không thể không nhắc đến, đó là Nữ tướng Lê Chân (quê Đông Triều, Quảng Ninh).

Sau khi giành chiến thắng thì triều đại Hai Bà Trưng được thành lập, Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Nữ tướng Lê Chân, được Trưng Vương phong làm Thánh Chân công chúa, giữ chức Trấn Đông Đại Tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải.

Năm Quý Mão (43) triều đại Hai Bà Trưng bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã viện đánh bại, theo sử Trung Quốc thì hai Bà đã bị chém đầu đem về Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc). Còn theo sử Việt thì vì không muốn sa vào tay giặc, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát (sông Đáy) qua đời.

Cánh quân do Lê Chân chỉ huy lui về phía Nam đồng bằng sông Hồng, chọn vùng núi rừng hiểm trở Lạt Sơn để làm căn cứ phòng thủ chặn đánh giặc và để một bộ phận nghĩa quân tiếp tục rút về quận Cửu Chân (nay từ Ninh Bình tới hết Hà Tĩnh) làm hậu cứ. So về tương quan lực lượng, không thể chiến thắng nổi đội quân do Mã viện cầm đầu. Các trận đánh ác liệt xảy ra, sau nhiều ngày đêm anh dũng chiến đấu, biết mình không đủ lực lượng đánh bại giặc, bà cho binh sỹ bí mật rút khỏi căn cứ để tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài, còn bà và số ít tướng lĩnh cùng quân sỹ ở lại tử thủ. Cuối cùng, nữ tướng Lê Chân theo gương minh chủ của mình đã tuẫn tiết tại núi Giát Dâu vào chiều ngày 13/7 năm Quý Mão (43). Hiện nay, tại đền thờ Lê Chân, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam và tại đình An Biên, ngõ 170 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, Hải Phòng đều tổ chức ngày giỗ bà vào ngày này. Còn tại nghè Lê Chân, số 53 phố Lê Chân, phường Mê Linh, quận Lê Chân do Sở VHTT Hải Phòng quản lý, và tại khu di tích Lê Chân tại thôn An Biên, xã Thủy An, Đông Triều, Quảng Ninh thì tổ chức giỗ bà vào ngày 25 tháng chạp Âm lịch.

Vì sao lại như vậy? Được biết, ngày 25 tháng chạp là ngày lễ tiễn thần, Phật đi chầu trời (chạp thần), một phong tục quan trọng với cộng đồng người Việt xưa. Nôm na là những vị thần nào không biết chính xác ngày hóa (mất) thì đều cúng giỗ vào ngày này. Thiết nghĩ, các ban quản lý di tích trên phải ngồi lại, thống nhất với nhau, cũng như các bức tượng thờ bà nên chăng phải cùng một kiểu dáng, thiết kế? Câu hỏi này dành cho những người quản lý văn hóa ở trung ương và ba địa phương Quảng Ninh, Hà Nam và Hải Phòng.

Quay lại bánh xe thời gian, sau này lớp ngư dân hậu thế ở quê bà (tương đương với hậu duệ đời thứ 50 của nữ tướng Lê Chân) thời nhà Trần đã di cư về vùng đất bên triền tả sông Hóa thuộc huyện Đồng Lợi, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, nay là xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng để khai hoang lập ấp và họ không quên nơi quê cha đất tổ của mình, đã đặt cho mảnh đất nơi đây là An Biên. Rồi khoảng 200 năm tiếp theo, vào cuối thời Lê sơ (đầu thế kỷ XV) lớp ngư dân từ quê bà (tương đương với hậu duệ đời thứ 60 của nữ tướng Lê Chân) di cư tới triền Hữu sông Tam Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương và sau đó lên bờ khai hoang lập ấp. Để tưởng nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, họ đã lấy tên ấp mới nơi đây là An Biên…

Các di tích văn hóa của xã An Biên, tổng Đông Khê, có thể thống kê lại như sau: Theo “Thiên đài trụ” (Mã hiệu số 1169 của viện Nghiên cứu Hán Nôm) và Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng xuất bản năm 1998, chùa Linh Quang (tức chùa làng An Biên) xây dựng năm Chính Hòa thứ 16 (1695) “Chùa Linh Quang, xã An Biên, huyện An Dương ở vị trí rất đẹp. Trước chùa là biển, ngày ngày nước triều lên xuống. Cảnh trí thật nên thơ”. Chùa này tọa lạc tại khu vực xứ Đồng Mạ, là một trong bốn thánh tích của trang An Biên. Quần thể di tích này bao gồm chùa An Biên, đình An Biên, đền (nghè) Lê Chân. Đến thời kỳ TP Hải Phòng bắt đầu xây dựng khu trung tâm, thì năm Thành Thái thứ 2 (1900) chùa được di dời về khu vực Trại Cau, nay thuộc phố Tô Hiệu, phường Trại Cau, quận Lê Chân, còn đình An Biên được di dời về ngõ 170 phố Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân. Còn đền Lê Chân (người Hải Phòng gọi là đền Nghè) trước kia ở cánh đồng Soi của xã An Biên (bên triền Hữu hạ lưu sông Tam Bạc), đến thời nhà Nguyễn được chuyển về xứ Đồng Mạ, nay là phố Lê Chân, phường Mê Linh, quận Lê Chân.

Tất cả các công trình nghè, chùa, đình An Biên tại bốn khu di tích (Đông Triều, Vĩnh Bảo, Kim Bảng và nội thành Hải Phòng) cho tới nay còn lưu giữ được sáu bia đá Hậu Thần gồm: Bia đặt tại chùa Vẻn ở phố Tô Hiệu, quận Lê Chân lập vào năm Bảo Đại thứ 9 (1934); Năm bia khác tại nghè Lê Chân, trong đó có bia trong đền lưu công đức lập năm Khải Định thứ 7 (1922) và ba bia để ngoài trời lập vào các năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Tự Đức nguyên niên (1849), Tự Đức thứ 19 (1866) cùng một Thiên đài trụ dựng gần đó được lập vào tháng chín năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thịnh 6 thời Tây Sơn (1798). Ngoài ra, tại khu vực Thung Bể, Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam còn lưu giữ một bia Hậu Thần năm Cảnh Lịch thứ 5 (1552) được khắc trực tiếp vào phiến đá lớn ở núi, về một căn cứ của đội tượng binh thời Lê Chân.

Chúng tôi đã kiểm tra tất cả các Thần tích, Thần sắc thời Nguyễn (1938) do hương Lý – Kỳ mục các xã An Biên, tổng Kê Sơn (huyện Vĩnh Bảo), xã Lạt Sơn tổng Quyển Sơn (huyện Kim Bảng), xã An Biên tổng Vĩnh Đại (Đông Triều) và xã An Biên tổng Đông Khê (huyện An Dương), nhưng chưa thấy ghi có sắc phong nào cho nữ tướng Lê Chân. Cũng như các sách chính sử của Việt Nam, hay của Trung Quốc, hay Đại Việt sử ký toàn thư cũng chưa nhắc tới Nữ tướng Lê Chân. Vì sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mọi tư liệu về cuộc khởi nghĩa của các võ tướng nước Việt bị triều đình phương Bắc xóa bỏ.

Sau này, nữ tướng Lê Chân được vinh danh tại nhiều địa phương, ngoài những nơi đã lập đền thờ thì tên của bà còn được đặt cho nhiều trường học tại Quảng Ninh, Hải Phòng, đặt tên đường phố tại Hạ Long, TP Phủ Lý tỉnh Hà Nam, TP Hải Phòng, đồng thời còn được đặt cho cả một quận lớn tại nội đô Hải Phòng.

Đây là nhân vật có thật, nhưng thời gian lùi quá xa (hai thiên niên kỷ), nước ta lại bị Bắc quốc đô hộ quá lâu, mọi tư liệu viết về người nữ tướng này chỉ được viết lại chủ yếu từ thời Nguyễn tới nay. Ngay những bằng chứng cổ nhất về việc xây các công trình thờ nữ tướng Lê Chân cũng chỉ có mấy tấm bia đá Hậu Thần lập thời nhà Nguyễn. Dẫu gì chăng nữa, cuộc đời ngắn ngủi của người nữ tướng tài ba này đã để lại cho hậu thế muôn đời một tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước nồng nàn, về sự hy sinh cao cả cho nền độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Cảm xúc trong tôi trào dâng và bài thơ “Làng Vẻn” được ra đời:

Hoà tiếng reo vang qua vùng sú vẹt dọc ngang. Ngược mạch thời gian hai ngàn năm về làng Vẻn. Hàng cây bương bừ thừ trước cổng làng lá nhọn lao xao vỗ bạc gió trời. Tiếng vó ngựa ngoài chân bãi dập dồn, còng còng cõng nắng thả biển khơi.

Lần theo dấu chân chiến binh tay cầm khiên mây, giáo đồng, nỏ tre gồng mình theo nhịp trống. Hồn núi sông hiện về chân sóng. Dọc triền sông mồ hôi rơi tắm mát đôi bờ. Người quăng chài vợt hạnh phúc say sưa. Người cày khói, bừa sương ươm câu hát đúm. Trong đền thiêng gặp Nữ tướng “Cá kình biển Đông” tay cầm gươm tựa vầng trăng sáng...

Cả cuộc đời Bà sàng đêm lọc những ước mơ. Gieo nụ cười vào bến ưu tư. Vượt lê‌n đỉn‌h chờ mong hái chùm mây ngũ sắc. Cấy tuổi xuân vào cánh đồng lộc biếc... Trống hội điểm rung mừng ngày vui hoa đỏ khắp nẻo đường. Cánh cửa làng mở gió bốn phương”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật