Lạ đời quán bún ‘chửi‘ Sài Gòn: vừa nghe ‘chửi‘, vừa đợi lâu, khách vẫn kéo tới ùn ùn

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiếm có nơi nào mà chỉ một người đứng bếp phục vụ cho hàng trăm thực khách mà đôi tay vẫn thoăn thoắt không sai một ly.
Lạ đời quán bún ‘chửi‘ Sài Gòn: vừa nghe ‘chửi‘, vừa đợi lâu, khách vẫn kéo tới ùn ùn
Cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền đã gắn bó với gian bếp này được hơn 20 năm.

Cái tên bún chửi ra đời như thế nào?

Quán bún nước nằm ở số 30/3, đường Nguyễn Công Hoan, Phường 14, Quận Phú Nhuận. Quán mở từ 9h30 đến 5h30 mỗi ngày trừ thứ 6. Khi được hỏi về cách chọn ngày nghỉ chẳng giống ai này, cô chủ bật cười: ‘Mình thích thì mình chọn thôi’.

Ngay từ đoạn đầu đường Nguyễn Công Hoan, nhiều khách mới đến lần đầu hẳn sẽ thấy lạ lắm khi có tiếng sang sảng từ trong hẻm vọng ngược ra. Nhưng nếu là khách quen thì sẽ biết ngay đó là giọng cô Huyền chủ quán.

Không gian nhỏ này là nơi cô phải làm việc cả ngày không ngơi tay.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền (50 tuổi) là con gái miền Tây chính gốc. Lúc lập gia đình thì mẹ chồng từ Bình Định vào nam mưu sinh, mang theo món bún nước đặc sản của quê mình. Năm 29 tuổi, chị Huyền nối nghiệp mẹ chồng, thay mẹ đứng vào quầy bếp. Quán bún nước tồn tại được gần 40 năm thì cô Huyền cũng gắn bó với gian bếp này ngót nghét 20 năm.

Bao nhiêu tinh túy của món ăn mẹ chồng đều truyền lại hết cho con dâu, chỉ là khi chị Huyền nối nghiệp, ngoài món bún nước và mì khô lừng danh, cô con dâu còn tạo thêm cho quán một nét đặc trưng không lẫn vào đâu được: tiếng ‘chửi’. Thế là nhiều người gọi đó là quán bún chửi.

Thế nhưng nói vậy thì oan cho tiếng chửi, khách tới đây chưa thấy cô chửi ai bao giờ, chỉ là cô ‘ăn to nói lớn’. Cái chất hào sảng, bộc trực của con người Nam bộ đậm nét trong cô, như chính chiếc áo bà ba cô mặc trên người.

Giọng cô vừa khỏe, vừa lớn, vừa mạnh lại vừa vang. Đứng đầu ngõ đã nghe tiếng cô bên trong quán, ai lỡ chạy xe qua đoạn ngã ba này cũng có thể nghe. Cô Huyền bộc bạch: ‘Cái tật sang sảng này là từ hồi nhỏ rồi, cái này gọi là bẩm sinh, hông phải vì mình bực ai, mình ghét ai mà mình la ó. Ở nhà cô cũng nói chuyện y vậy’.

Nhiều khách đến lần đầu đôi khi sợ cô ra mặt, thấy cô ‘có vẻ hung dữ’, ‘có vẻ xem thường mình’. Nhưng khách đã đến đây nhiều lần thì không sao ghét cô cho được, ngược lại còn khen cô dễ thương, cá tính. Cô nói chuyện lớn tiếng nhưng dùng từ lịch sự, chưa dùng bất kì từ tục tĩu nào, cũng chưa một lần gọi ái đó bằng hai tiếng mày - tao.

Quán lúc nào cũng đông đúc, ồn ào, cô thúc hối nhân viên cũng chỉ là để khách khỏi chờ lâu. Nhiều khách còn xúi cô Huyền la to hơn nữa, vì quán ồn ào quá, cô không nói to thì lúc gọi món, trò chuyện, khách không thể nào nghe thấy được.

Cũng bởi vì cô Huyền vốn tính hài hước, khách lặn lội đường xa đến ăn cũng mong được nghe cô nói vài câu hài hước góp vui.

Cô tranh thủ uống nước thật vội giữa lúc quán đông khách nhất.

    

Dù mệt mỏi nhưng cô luôn vui vẻ, nhiệt tình và lúc nào cũng nhiều năng lượng.

Ngoài giọng nói ‘sang sảng trứ danh’, đôi tay nhanh nhẹn, khéo léo của cô cũng khiến người khác phải trầm trồ. Mỗi tô bún, tô mì được mang ra cho khách phải trải qua 8 giai đoạn. Tay cô thoăn thoắt không chệch một ly vậy mà đầu vẫn nhớ chính xác từng yêu cầu nhỏ nhất của từng khách một: tô này không tiêu, tô kia không hành, tô này 2 cây chả, tô đó gói rưỡi mì…

Cô Huyền chia sẻ, cái tháo vát này thì chắc phải cảm ơn mẹ, lúc mẹ sinh ra thì cô đã như vậy rồi. Sự nhanh nhẹn này cũng là một loại bẩm sinh, như chính giọng nói của cô vậy.

‘Từ điển chuyên ngành’ quán bún nước Huyền

Người phụ nữ này có nhiều cách ví von hóm hỉnh vô cùng. Cô xưng với tất cả mọi người là Huyền với bạn, dù gái hay trai, dù già hay trẻ. Theo người người nhận xét, đây là cách gọi vừa gần gũi vừa thông minh, khách đông như hội, lúc xưng hô làm gì có thời gian nhìn từng mặt khách, xưng Huyền với bạn vừa lịch sự, vừa không mích lòng ai.

Nhiều khách đến đây còn đùa rằng cô Huyền có cả ‘từ điển chuyên ngành’ không lẫn vào đâu được. Cô gọi tô bún mình bán là ‘hình nền’: ‘Hình nền không hành, ít ớt đúng hông bạn trẻ, bạn kêu hình nào thì ra hình đó nha’. Lúc cô gọi: ‘Của bạn nào thì giơ tay lấy hình dùm đi’ thì có nghĩa là tô bún vừa làm xong là của ai thì ra hiệu để phục vụ bưng tới.

Hay cô gọi bàn ăn của khách là ‘cánh gà’, lúc món ăn hoàn tất thì là ‘kinh bài’, lúc tô bún được bưng ra khỏi bếp thì được gọi là ‘ra sân’, bàn đặt thức ăn là ‘màn hình’, bị hối thì cô than ‘sao cứ lấy dây thun búng vô mông tui hoài vậy trời’

    

Cô có cách sử dụng từ vô cùng lạ tai.

Thi thoảng, cô còn lấy hơi thổi vài câu huýt sáo. Hỏi thì nửa thật nửa đùa: ‘Nấu nóng tay quá, mình huýt sáo cho đỡ nóng’. Khách vừa ngồi ăn vừa nghe cô ‘chửi’, vừa no bụng, vừa no cả tiếng cười.

Muốn ăn phải đợi

Ngay từ khi khách gửi xe, chú giữ xe đã ‘cảnh báo’: ‘Vô trỏng nhiều khi đợi tới nửa tiếng lận đó nghe’. Nhiều khách tưởng nói đùa, ai ngờ phải đợi thật, lắm lúc phải đợi hơn cả nữa tiếng.

Chủ quán buồn nhất là những khách đến đợi không được rồi bỏ về, khách không ăn được thì người nấu phải buồn, khách mới đến lần đầu thì giận sau này không đến nữa.

Quán lúc nào cũng chật kín khách.

Khách đến đây thường thức khen rằng món ăn ở đây đậm đà, sợi mì thấm vị, thịt bò vừa trụng chín tới rất mềm, món trứng ốp la vừa được chần sơ qua chỉ cần cắm đũa vào thì bốc hương béo ngậy. Nhiều người tới đây tưởng chỉ ăn ‘chơi’ cho biết thì chuyển sang ghiền thật, tuần nào không tới đây ăn nếu không không chịu được.

Món ăn nào cũng có những công thức căn bản như nhau, hơn thua là ở chỗ người nấu. Mỗi tô bún nhỏ xíu nhưng cô Huyền chất đầy vào đó rất nhiều loại ra vị, nhưng không phải cứ cho vào là ra hương vị ấy, người nấu quen tay, người hiểu rõ món ăn mới biết cho mỗi thứ một lượng bao nhiêu là đủ.

Khách còn đợi tràn ra cả lối đi.

Bên cạnh những lời khen, khách cũng mong quán có thêm những điều thay đổi để khách đến đây cảm thấy thoài mái hơn. Nhất là khu vực khách đứng chờ có thể có thêm mái hiên che mát, nhiều khách đứng đợi 15 phút mà nắng cứ hắt trên đầu. Dưới chân bàn thì nên trang bị thêm sọt rác, để lỡ khách có bỏ khăn giấy hay vỏ chanh xuống đất cũng có thể vệ sinh hơn.

Giá cả món ăn cũng không phù hợp với tất cả mọi người, với mức giá 50 ngàn đồng mỗi tô mì gói trộn muối ớt và 40 ngàn đồng tô bún nước, thì chỉ những ai đã đi làm mới có thể ghé quán thường xuyên, còn những bạn sinh viên, học sinh thì có thể hơi hạn chế.

Mỗi tô mì gói trộn muối ớt khoảng 50 ngàn đồng.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật