Sức hút của ngôi làng giữa hai dòng sông ở Gia Lai

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nằm bên 2 dòng sông và còn giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc nhà ở truyền thống lẫn các giá trị văn hóa tiêu biểu của người Jrai vùng hạ lưu sông Ba, buôn Mlah (xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai) đang trở thành “đích ngắm” của ngành Du lịch.
Sức hút của ngôi làng giữa hai dòng sông ở Gia Lai
  Một góc buôn Mlah. Ảnh: H.N

Với kế hoạch khôi phục, xây dựng, bảo tồn, phát triển làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Jrai tại buôn Mlah theo chủ trương của UBND huyện, “ngôi làng mẫu” này sẽ giúp các thế hệ người Jrai hiểu rõ về kết cấu truyền thống từ nhà ở đến tổ chức xã hội có từ xưa của một trong 2 dân tộc bản địa lớn, sinh sống lâu đời ở vùng hạ lưu sông Ba với những giá trị văn hóa điển hình.

Làng giữa hai dòng sông

Sông Mlah bắt nguồn từ hồ nước cùng tên, trên đường đổ về dòng sông mẹ-chính là sông Ba huyền sử-dòng chảy Mlah làm một cuộc ngoạn du qua phía Tây ngôi làng Jrai xinh đẹp. Vào mùa mưa, dòng Mlah hung dữ thường cướp đi sinh mạng của biết bao con người. Nhưng vào mùa khô, sự êm đềm của dòng sông như một tấm áo quyến rũ tô điểm thêm cho bờ bãi nơi dòng chảy đi qua. Trước khi hợp lưu với sông Ba ở phía Nam buôn Mlah, 2 dòng sông tựa cái bắt tay duyên dáng, gắn kết với đồi núi điệp trùng xung quanh, biến ngôi làng thành một bức tranh mang vẻ đẹp tự nhiên diễm lệ.

Cũng chính vì giáp với 2 con sông lớn, nơi chất chứa trong mình trầm tích văn hóa, nên ngôi làng Jrai vùng hạ sông Ba vừa mang đậm dấu ấn văn hóa cao nguyên, lại phảng phất chút phong vị văn hóa của cư dân đồng bằng ven biển.

Dưới gầm những ngôi nhà dài của người dân trong buôn, người ta thường bắt gặp hình ảnh những con thuyền rất dài, úp ngược. Đây vừa là phương tiện để người dân qua sông trong mùa mưa, vừa là phương tiện đánh bắt cá dưới sông nhằm cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập. Trong lúc chờ già làng Nay Ar đi làm về, chúng tôi bắt chuyện với con trai ông. Anh nói rằng, ngôi làng liền núi liền sông này được thiên nhiên ban tặng rất nhiều sản vật: “Mùa mưa thì người ta lên rừng hái măng, nấm mối; mùa khô thì xuống sông bắt cá về cải thiện bữa ăn. Mùa khô lên rừng còn có mật ong, kiến vàng là những đặc sản rất quý ở vùng này. Ở đây còn nghèo chứ không đói, quanh năm đều kiếm được thức ăn ngon”.

… Chiều về chậm chậm trên buôn Mlah. Những ngôi nhà có chiều dài ấn tượng-kiến trúc nhà ở đặc trưng của người Jrai nơi đây-càng trở nên nổi bật trong ánh sáng cuối ngày. Người dân trồng lúa, trồng các loại rau, cà đắng, đu đủ, ớt… rất nhiều xung quanh nhà. Có cảm giác chỉ cần bước xuống khỏi cầu thang là đã có mọi thứ cần thiết cho bữa ăn hàng ngày.

Giữa những ngôi nhà dài có màu xám sẫm theo thời gian, gia đình Ma Lưới đang dựng khung cho ngôi nhà mới. Từng lóng gỗ được cưa xẻ, đóng chắc chắn đã thành hình một ngôi nhà dài. Ma Hương-người giúp Ma Lưới dựng nhà cho biết: “So với một ngôi nhà xây kiểu Thái, làm nhà dài kiểu truyền thống không tốn kém bằng nhưng vất vả gấp nhiều lần vì nguyên-vật liệu rất khó tìm. Mình làm nhà cho người Jrai vùng này 30 năm nay, chưa thấy buôn nào người dân lại trung thành với kiểu nhà dài truyền thống như buôn Mlah”. Có lẽ vì vậy mà ngay từ “văn hóa ở” của ngôi làng bên sông đã lập tức hấp dẫn con mắt khách lạ khi đến đây. Nói về nhà ở của cư dân Jrai dọc sông Ba, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã ví von rất hình ảnh: “Những chiếc nhà dài như những con thuyền dập dềnh trên sóng lúa biếc”.

Già làng Nay Ar trở về nhà khi trời đã nhá nhem, những bông hoa ven đường vào nhà đã bắt đầu khép cánh. Ông lùa nốt con bò cuối cùng vào chuồng rồi mới đi rửa tay và mời khách ngồi trò chuyện. Theo vị già làng, không chỉ gìn giữ kiến trúc truyền thống từ nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, người dân trong buôn rất coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống. “Hàng năm, buôn vẫn tổ chức nhiều lễ cúng như: cầu mùa, cầu an, cầu sức khỏe, cúng thần nước, ăn lúa mới, ăn lúa kho, mừng nhà mới… Các nghi lễ trong đám cưới, đám tang, bỏ mả vẫn giữ nguyên như từ thời ông bà. Nếu không giữ vững các giá trị truyền thống này thì văn hóa Jrai sẽ không còn”-già Nay Ar nói.

Di sản cho mai sau

“Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa truyền thống, buôn Mlah thích hợp để xây dựng, tái hiện một làng Jrai tiêu biểu phục vụ cho du lịch”-ông Phùng Anh Kiểm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa cho biết.

Huyện Krông Pa đã chọn buôn Mlah để xây dựng làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Jrai với kế hoạch, lộ trình cụ thể đến năm 2020. Dựa trên những giá trị sẵn có, huyện sẽ xây dựng một làng văn hóa truyền thống với quy mô phù hợp, kiến trúc hài hòa với điều kiện tự nhiên, cảnh quan của vùng. Về lâu dài, sẽ biến ngôi làng thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Theo ông Phùng Anh Kiểm, ngành Văn hóa huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện các thành tố văn hóa hiện có của dân tộc Jrai trên địa bàn buôn.

“Qua khảo sát, ngôi làng này vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa quý báu từ ẩm thực, trang phục truyền thống, công cụ lao động. Đó là những yếu tố rất thuận lợi để xây dựng một làng Jrai điển hình, có sức hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thời gian tới, chúng tôi tiến hành phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể đúng nguyên gốc, sưu tầm sử thi của người Jrai trước nguy cơ mai một… nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Jrai hạ sông Ba”-ông Phùng Anh Kiểm nói.

Buôn Mlah chỉ cách trung tâm huyện Krông Pa 1 km về hướng Bắc. Toàn buôn có 285 hộ với 1.060 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Jrai. Nếu được đầu tư, xây dựng thành sản phẩm du lịch, dù không phải “của lạ” bởi trước đó, du lịch Gia Lai đã có những sản phẩm du lịch tương tự như làng Ốp (TP. Pleiku), làng Phung, làng Kép (huyện Chư Pah), làng Đê Ktu (huyện Mang Yang), nhưng chắc chắn đây sẽ là một sản phẩm đủ sức thu hút du khách đến tìm hiểu những giá trị đặc biệt của ngôi làng ven dòng sông di sản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật