Chỉ với 1000m2 rau sạch, nông dân ở Sơn La thu tiền đều tay

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ với hơn 1.000m2 đất trồng rau xanh các loại nhưng được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, chủ vườn đều đặn thu hơn 60 triệu đồng mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô.
Chỉ với 1000m2 rau sạch, nông dân ở Sơn La thu tiền đều tay
Từ nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình chị Nga là từ trồng rau xanh.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) gia đình chị Chử Thị Nga "sánh duyên" với nghề trồng rau từ nhiều năm nay. Nhờ trồng rau xanh mà gia đình chị không chỉ thoát nghèo, còn vươn lên khấm khá, có thu nhập đều đặn mỗi năm.

Nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 6, những luống cải thảo xanh tốt của gia đình chị Nga đang cho thu hoạch. Ngơi tay cắt những cây cải thảo tươi ngon, chị Nga vui vẻ cho biết: "Gia đình bố mẹ đẻ tôi trồng rau đã mấy chục năm nay. Hồi còn ở với bố mẹ, tôi cũng đã biết cách trồng và chăm sóc rau xanh. Sau khi lấy chồng, gia đình nhỏ của tôi cũng sống bằng nghề trồng rau. Trồng rau tuy không vất vả là mấy, song lọ mọ cả ngày. Thu nhập từ trồng rau phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường, tuy không cao song so với trồng lúa, ngô cũng cao gấp mấy lần".

Theo chị Nga, không riêng gia đình chị mà hầu hết hộ dân trồng rau ở tiểu khu Nà Sản đều tuân thủ tốt quy trình sản xuất rau an toàn. "Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn, chúng tôi mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Người tiêu dùng bây giờ đòi hỏi khá cao về chất lượng, nếu rau không đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ khó tiêu thụ. 

Vợ chồng chị Nga tất bật cắt cải thảo bán cho thương lái.

Hơn nữa, cán bộ các phòng chuyên môn của huyện cũng thường xuyên đến kiểm tra tại ruộng rau. Khi kiểm tra, phát hiện rau không an toàn, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, cán bộ sẽ yêu cầu người trồng băm ngay tại ruộng, chứ không cho phép bán ra thị trường. Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng khi sử dụng rau xanh do chúng tôi cung cấp" – chị Nga chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên về kỹ thuật trồng rau, anh Đào Xuân Linh (chồng chị Nga) cho hay: "So với các loại cây trồng khác, thì trồng rau không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Sau khi thu hoạch xong, tôi cho đất nghỉ ít ngày, sau đó cày đất tơi xốp và đánh luống, xuống giống. Tôi sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón lót cho rau. Khi cây rau bén rễ thì cho ăn phân hóa học, liều lượng phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của chúng. Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, nếu phát hiện sâu bệnh thì phải kịp thời phun thuốc diệt trừ, không để lan ra diện rộng. Gia đình tôi chỉ dụng thuốc trừ sâu sinh học để phun phòng trừ sâu bệnh phá hoại, chứ không dùng thuốc trừ sâu hóa học".

Mỗi năm, gia đình chị Nga sản xuất 4 vụ rau xanh các loại.

Qua câu chuyện với vợ chồng chị Nga, chúng tôi được biết, gia đình chị Nga cũng như nhiều hộ dân khác ở tiểu khu Nà Sản trồng rau xanh quanh năm. Cứ mùa nào thức ấy, khi thì gia đình chị trồng xu hào, bắp cải, lúc lại trồng cải thảo, hành, rau thơm các loại như: tía tô, mùi... Cứ cách khoảng 2 tháng, gia đình chị Nga lại thu hoạch một lứa rau.

"So với các loại rau xanh, rau thơm, thì trồng hành là vất vả nhất và cũng khó ăn nhất, song lại dễ bán nhất và cho thu nhập cao hơn hẳn. Trồng hành không bao giờ lo ế so với các loại rau xanh khác. Trong quá trình sinh trưởng, cây hành xuất hiện nhiều loại bệnh, vì vậy cần phải thường xuyên thăm nom, chăm sóc" – chi Nga bảo vậy.

Mỗi năm, gia đình chị Nga trồng 4 vụ rau xanh các loại. Thương lái đến tận ruộng để mua rau, chứ gia đình chị không phải mang bán ở chợ. Đều đặn mỗi năm, gia đình chị Nga thu hơn 60 triệu đồng từ bán rau xanh ra thị trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật