Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Công tác tuyên truyền của BĐBP đối với ngư dân bám biển đạt hiệu quả như thế nào? Câu trả lời được thể hiện cô đọng bằng cụm từ “bám đảo” trong hành động của nhiều ngư dân. Ở tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân chuyên bám biển Hoàng Sa, mỗi khi ra khơi đánh bắt thì các thuyền viên không nhắc chuyện đi đánh cá, mà luôn nhấn mạnh đến nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi
Ảnh minh họa

                      Xem Video: Tin Tức 24h: Ngư dân Nghệ An tự tin bám biển, vươn khơi
                         

Bám đảo

Những ngày đầu Xuân, trên vùng biển Hoàng Sa đã xuất hiện những chiếc tàu vỏ gỗ sơn màu xanh, hằng ngày chạy quanh các đảo nổi để đánh cá. Có thể dễ dàng nhận ra tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định qua bề ngoài của chiếc tàu có ca bin thấp, sơn màu xanh da trời.

Thuyền trưởng Phạm Quang ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, phiên biển làm nghề đánh lưới chuồn năm nay, ông cho tàu vào tận bãi cạn ở đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam quây giàn lưới dài khoảng 12km để đánh cá chuồn. Cá chuồn đánh bắt ở các vùng biển khác thì rất nhỏ, nhiều xương, ngư dân gọi là cá chuồn rắc. Còn cá chuồn ở biển Hoàng Sa là cá chuồn cồ, to như cổ tay, thịt màu trắng, ít xương, là món nướng tuyệt hảo trong các nhà hàng.

Ông Quang cho biết thêm, nghề lưới chuồn phải thả lưới sát đảo, ở những nơi có triền sóng, mực nước không quá sâu. Câu chuyện mà ông Quang kể đã gợi nhắc lại hình ảnh con cá chuồn bay là là trên mặt biển và được rất nhiều văn nghệ sĩ ở Quảng Ngãi đưa vào thơ ca. Những câu hát thường được ngư dân cất giọng vào đêm giao thừa ở giữa biển khơi như: “Nhớ mùa cá chuồn nhảy dây ăn trứng, thương mẹ vai gầy một gánh hai sương...”.

Cờ Tổ quốc trên biển

Tại cảng cá Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, khi không khí đầu Xuân chộn rộn khắp mọi nhà thì cũng là lúc các ngư dân trang hoàng lại con tàu để chào đón năm mới. Nhìn rừng cờ Tổ quốc trên nóc tàu bay phấp phới trong gió Xuân, thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn, người có thâm niên hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa kể về những năm tháng ra khơi.

Ông Tẩn lấy ra cuốn sổ có mép giấy đã nhàu nát để rà lại các tọa độ được lưu giữ trong hơn 30 năm qua. Những tọa độ đó là nơi con tàu đều lần lượt tới thả thợ lặn. Khi con tàu ở đó, treo lá cờ Tổ quốc thì giống như một cột mốc chủ quyền giữa biển khơi. Cứ vào dịp đầu năm, vùng biển Hoàng Sa tràn ngập những chiếc tàu treo cờ Tổ quốc của ngư dân Việt Nam. Do ý thức được nghĩa vụ của mình, vì vậy, trong phiên biển, nếu phát hiện ra vấn đề gì trên biển thì ngư dân thường điện báo ngay cho BĐBP.

Những ngư dân làm nghề bám biển Hoàng Sa có mặt tại cảng cá Tịnh Hòa ngước nhìn rừng cờ Tổ quốc được treo trên các con tàu và cho biết, có rất nhiều lá cờ được BĐBP tặng ngư dân trong Chương trình “Vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Một số ngư dân kể lại, mỗi khi ra Hoàng Sa, có tàu treo một lá cờ trên nóc, nhưng có tàu treo đến 3 lá cờ. Một số ngư dân còn thể hiện tinh thần bám biển bằng cách mặc áo màu đỏ in sao vàng trên những con tàu vươn khơi.

Thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn và các ngư dân ca ngợi chương trình BĐBP tặng 200.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân là cách động viên rất thiết thực, giúp bà con kiên cường bám biển, giữ đảo, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Bởi, có những chuyến đi, tàu vào sát các đảo nổi ở quần đảo Hoàng Sa để đánh cá. Với ngư dân làm nghề lặn đêm thì đêm xuống cho tàu vào sát đảo thả thợ lặn, đến sáng thì cho tàu lùi ra xa. Cuộc mưu sinh khó khăn trong màn đêm, nhưng ngư dân cảm giác được tiếp sức, mỗi khi nhắc đến chuyện được BĐBP tặng cờ Tổ quốc.

Biển khơi nhiều hứa hẹn

Sáng mùng 6 Tết, tại cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền trưởng Phạm Sách cho tàu mở biển, trực chỉ hướng về Hoàng Sa bám đảo. Thuyền trưởng Phạm Sách và máy trưởng Phạm Tấn Nhâm là anh em ruột, cùng đồng hành trên con tàu. Thuyền trưởng Phạm Sách cho biết, hiện nay, sản lượng cá chuồn cồ ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa sụt giảm sâu so với trước đây, nhưng do giá cá tăng cao (60.000-75.000 đồng/kg), nên ngư dân dù đánh bắt mỗi phiên chỉ được 3-4 tấn cá vẫn đủ chi phí chuyến biển và tiền chia cho bạn chài.

Ngư dân làm nghề lặn đêm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Ngồi bàn tính về tương lai làm sao có thể ra khơi bám biển Hoàng Sa bền bỉ và mỗi khi ra vùng biển này thì bạn chài phấn khởi vì thu nhập cao, thuyền trưởng Phạm Sách quyết định đầu tư thêm 1.500 chiếc rập cua để làm cùng một lúc 2 nghề. Trong phiên biển giáp Tết Nguyên đán, chiếc tàu này quăng 1.500 chiếc rập cua xuống vùng biển sát đảo Linh Côn, thu về được 4 tạ cua huỳnh đế. Đây là loại hải sản mà dân nghèo không dám mua về ăn, vì vậy, các ngư dân hò reo mừng vui vì ngư trường Hoàng Sa vẫn còn nhiều hứa hẹn.

Nhắc chuyện cua huỳnh đế, vợ thuyền trưởng Phạm Sách cười tươi, nói vui hết cỡ: “Giá cua loại 1 (2,5 lạng/con) bán 700.000 đồng/kg, gấp 10 lần cá chuồn. Nếu chồng em thu nhập khá thì không cần nhắc, mới vào bờ bạn chài đã hối thúc sớm đưa tàu quay trở lại bám biển Hoàng Sa”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật