Giây phút sinh tử của 2 công dân dũng cảm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn kéo, giật áo vị Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê và kêu khóc “ca nô đâu, tại sao không bơi ra cứu người!?”. Ngoài biển, bóng 2 người đang giơ cao bàn tay ra hiệu không tìm thấy cháu nhỏ, không thể bơi ngược vào bờ. Và 1 trong 2 người đã vĩnh viễn nằm lại biển sau hành động dũng cảm.
Giây phút sinh tử của 2 công dân dũng cảm
Chị Lê Thị Hồng Tâm đã lao ra biển, khi nghe tiếng các em học sinh kêu cứu. (ảnh: Facebook)

Xem Video: Quên mình cứu người đuối nước

Tiếng gọi nơi trái tim

Cánh tay của anh Phạm Văn Phó (SN 1977) giơ cao khi dòng nước xoáy đẩy anh dạt về phía đông, cách bờ biển khoảng 70m và chị Lê Thị Hồng Tâm bị đẩy dạt về hướng Tây. Mọi người trong bờ đứng nhìn ra và la hét khản cổ khi chứng kiến cảnh 2 đồng nghiệp ra cứu các em học sinh bị đuối nước và đã đến giây phút sinh tử. Em Nguyễn Trần Gia Khang (học sinh lớp 10 ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) bị nước cuốn trôi ra biển, khi anh Phó bơi ra chạm được vào người em thì cũng là lúc dòng nước xoáy đánh mỗi người bật ra một hướng.

Sáng ngày 20/2, nghe tiếng gọi giật giọng của các em học sinh về việc có bạn bị đuối nước, nhà hàng Mỹ Khê nằm sát biển lập tức vang lên tiếng chân rầm rập, cùng âm thanh hét toáng. Anh Phó trên người mặc chiếc áo đồng phục màu đỏ không kịp cởi áo, lao ngay xuống biển. Chị em phụ nữ, là nhân viên của Công ty cổ phần Nhà hàng khách sạn Mỹ Khê (Công ty cổ phần du lịch Quảng Ngãi) rầm rập chạy theo sau. Mọi người sực nhớ đến áo phao nên quay ngược vào nhà kho và lôi ra các loại áo phao tròn, phao bụng, áo phao, phao có buộc dây.

Buổi sáng hôm đó có 9 em học sinh ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa rủ nhau xuống biển chơi, có 3 em bị sóng cuốn trôi nhưng tự kéo nhau lên bờ, còn 1 em bị sóng đẩy dạt ra xa và anh Phó đã lao xuống, sải tay bơi. Nhưng khi bơi ra được chừng 15m thì sóng xô ngược anh vào bờ. Anh Phó khoác áo phao và tiếp tục bơi về phía có cánh tay nhỏ nhắn đang giơ lên tuyệt vọng, giữa tiếng khóc gọi cha, mẹ của các em học sinh đang đứng trên bờ.

Trong lúc các nhân viên của Công ty cổ phần nhà hàng, khách sạn Mỹ Khê run lẩy bẩy và la hét “Phó ơi, coi chừng Phó ơi, lực lượng cứu hộ sao điện mãi không thấy tới…ủa sao tới nhưng không chạy ca nô…”, thì chị Lê Thị Hồng Tâm (SN 1977), nhân viên của công ty vừa chạy ra, cởi phăng áo khoác rồi tiếp tục lao xuống biển. Từ khi chị Tâm nhảy xuống biển, tiếng la hét của chị em đồng nghiệp lại càng dữ hơn.

Xả thân cứu người

Những đồng nghiệp gần gũi với anh Phó cho biết, vợ anh Phó là cô Phạm Thị Bích Thành, giáo viên Trường THCS Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, vì vậy anh cũng là người thỉnh thoảng gần gũi với các học trò, nghe tiếng các em kêu cứu thì trong lòng anh như lửa đốt, không thể nào ngồi yên, khoanh tay nhìn các em bị nạn. Trước đây, thỉnh thoảng thấy các em học sinh tới trước Nhà hàng Mỹ Khê tắm biển, nhưng thấy sóng hơi lớn là anh Phó tỏ ý nóng ruột, ra nhắc nhở các em như một nhân viên bảo vệ ở bãi tắm.

Ngôi nhà của gia đình anh Phó ở tại thôn Đông Bình, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi. Ngôi nhà chị Lê Thị Hồng Tâm ở cách Khu chứng tích Sơn Mỹ khoảng 500m, theo trục đường về hướng đông. Sau khi được đội cứu nạn đưa vào bờ, chị suýt rơi vào tình trạng hôn mê sâu và bác sĩ tiên lượng bị tổn thương não, nên chị được đưa ra bệnh viện đa khoa TP Đà Nẵng để điều trị. Chồng chị đóng cửa tiệm sửa xe để ra TP Đà Nẵng chăm sóc vợ. Bà Trần Thị Năm, mẹ chồng của chị Tâm suýt xoa thương con dâu: “công nhận là nó bơi giỏi, con thì hay thương người, có người tới sửa xe máy mà nói nhà chưa có tiền thì cho nợ ngay”.

 Trong ngôi nhà ám đầy khói hương và màu tang tóc, cô Phạm Thị Bích Thành, vợ anh Phó ôm cậu con trai bé nhỏ (học lớp 4) vào lòng, cô chia sẻ nỗi buồn ngổn ngang vì mất chồng, bên cạnh đó là công việc giảng dạy tại một trường học nằm cách nhà rất xa (mỗi ngày cả đi lẫn về là 40 km). Cậu con trai còn quá nhỏ, chưa cảm nhận hết được sự sập đổ trong lòng mẹ, nỗi chông chênh khi mất cha; cậu vẫn nhìn mọi người với ánh mắt ngây thơ.

 Ông Chiến, chủ quán Quyết Chiến ở bãi biển Tịnh Khê, người hùng từng cứu sống 20 người đuối nước nhận xét với nét mặt có vẻ hơi căng thẳng “hôm đó tôi cũng chạy tới, nhưng mà thấy sóng to thiệt, hôm đó anh em ra cứu người thì quả là nguy hiểm”. Ông Chiến cho biết, khi chị Tâm và anh Phó đuối sức thì chị Tâm nằm bơi ngửa, vì vậy còn thời gian để ra cứu, còn anh Phó thì bơi úp nên cầm cự không được lâu.  

 Nhiều tổ chức và cá nhân ủng hộ, động viên cho 2 gia đình công dân dũng cảm. (ảnh: VC)

  Ông Nguyễn Chúng, một người dân ở xã Tịnh Khê, khi nghe tin về vụ chết đuối đã la to “chết miết, năm nào cũng chết vài vụ, cứ tết là chết một đợt, mùng 5 tháng 5 một đợt nữa”. Ông Chúng giải thích, bãi tắm Tịnh Khê có dòng nước xoáy nên khu vực 2 đầu có hũng sâu, đi hụt chân là nước cuốn. Hũng này còn gọi là lòng chảo, lòng chảo liên tục thay đổi, nên lực lượng bảo vệ phải cắm bảng cảnh báo. Ngày xảy ra đại nạn, sóng lớn cồn cào, điểm anh Phó và chị Tâm ra cứu nạn là nơi có lòng chảo nước xoáy, nhưng họ vẫn lao ra khi nghe tiếng hét “cứu cháu với!”.

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi - Hà Hoàng Việt Phương cho biết, đau lòng trước những mất mát, nhưng cũng rất khâm phục tấm lòng, hành động của 2 công dân dũng cảm, dám xả thân để cứu người, một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. UBND TP sẽ đề nghị công nhận danh hiệu Công dân tiêu biểu cho anh Phó và chị Tâm. Nếu vợ anh Phó có nguyện vọng xin chuyển công tác về gần nhà để chăm sóc con nhỏ thì sẽ được xem xét giải quyết.

Trong những ngày qua, nhiều tổ chức và cá nhân đã ủng hộ gia đình 2 công nhân dũng cảm. Facebook Huong Ha (Hà Thiên Hương) ở Bình Định gửi tiền hỗ trợ (được đăng tải trên báo) cùng lời chia sẻ “cầu Trời, Phật giúp cho chị Tâm sớm bình phục”; facebook Phước Thịnh Đình gửi tiền hỗ trợ cùng lời nguyện cầu gia đình anh Phó vượt qua khó khăn; nhiều công ty như Trung Tây Nguyên, VCB Quảng Ngãi, Công ty CP BĐS Nam Khang miền Trung đã huy động trong tập thể ủng hộ 2 công dân dũng cảm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật