Rộn ràng hoa, cây cảnh

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thị trường hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu đang bắt đầu sôi động.
Rộn ràng hoa, cây cảnh
Ảnh minh họa
                            Xem Video: Thị trường Hoa lan sôi động trở lại sau dịch COVID19
                            ’Nữ hoàng địa lan’ giá cao ngất ngưởng

Tại Nam Định, phong trào phát triển hoa, cây cảnh những năm qua liên tục nở rộ, nhất là phục vụ dịp Tết Nguyên đán. 

Vườn Địa lan Hoàng Vũ của nhà ông Trần phi công. Ảnh: Mai Chiến.

Địa lan hoàng vũ được người yêu hoa đánh giá là “nữ hoàng địa lan”, là đỉnh cao trong các loài hoa, bởi loài lan này đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, cho đến màu sắc, hương thơm… nên được nhiều khách hàng, nhất là giới “đại gia” săn lùng vào mỗi dịp Tết.

Ở Nam Định, người sở hữu nhiều chậu lan hoàng vũ nhất phải nói đến ông Trần phi công, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc. Ông có niềm đam mê với dòng lan này đã hơn 10 năm nay.

Hiện ông đang sở hữu 1.500 chậu lan hoàng vũ, trong đó có hơn 700 chậu hoa giống, còn lại là hoa bán thương phẩm. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình ông chỉ xuất bán ra thị trường hơn 100 chậu, với giá bán dao động từ 15 - 20 triệu đồng/chậu.

Thời điểm này, thị trường hoa lan hoàng vũ ở Nam Định đã bắt đầu sôi động. Nhiều người yêu hoa lan hoàng vũ ở các tỉnh đã tìm về vườn lan nhà ông Công để chiêm ngưỡng và đặt hàng.

So với cây đào, cây quất, bưởi bonsai…, địa lan hoàng vũ có giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần. Vào dịp cuối năm, giá bán cao ngất ngưởng, nhưng giới “đại gia” vẫn bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu một chậu địa lan hoàng vũ về trưng bày dịp Tết.

Theo ông Công, để chơi lan hoàng vũ đúng cách trong dịp Tết, người chơi phải tinh tế, hiểu được văn hóa chơi, cũng như cái đẹp, giá trị của loài lan này. Nên bỏ chậu lan Hoàng Vũ lúc đẹp nhất (khi hoa đang nở rộ) vào nhà chơi Tết và đem ra ngoài khi lan sắp tàn.

Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, những ngồng hoa này sẽ bung nở, khoe sắc, tỏa hương thơm, đón xuân về. Ảnh: Mai Chiến.

Lan hoàng vũ thường được chơi vào những ngày Tết. Nó tượng trưng cho những gì tinh túy nhất trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, khi đưa chậu lan vào nhà phải trọn vẹn, lan đang thời kỳ nở rộ, ý muốn nói năm mới luôn đầy sức sống, mãnh liệt và khi đón Tết xong, nên bỏ chậu lan ra ngoài, ý muốn nói phải trân trọng và nhớ đến loài lan này…

Một chậu lan hoàng vũ đầy đủ ý nghĩa nhất, chơi trong những ngày Tết phải đủ 3 thế hệ, hay còn gọi là gia đình “tam đại đồng đường” gồm lan mẹ, lan con, lan cháu. Ý muốn nói sự sum họp của gia đình trong ngày Tết, thể hiện lối sống mẫu hệ, một gia đình nương tựa vào nhau mà sống. Mỗi chậu hoa nên giữ khoảng 7 - 9 ngồng hoa là đẹp nhất.

Hiện tại, những ngồng hoa lan hoàng vũ trong vườn của gia đình ông Công đã cao hơn 20cm. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, những ngồng hoa đó sẽ bung nở, khoe sắc, tỏa hương thơm, đón xuân về.

Sung bonsai “cháy” hàng

Xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) có truyền thống trồng cây cảnh từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, 10 trở lại đây, người dân đẩy mạnh phát triển cây sung bonsai (sung cảnh) để cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán và chợ Viềng (được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm tại huyện Vụ Bản, huyện Nam Trực).

Ông Tiến chăm sóc vườn sung bonsai. Ảnh: Mai Chiến.

Cây sung được người dân ưa chuộng trồng làm cảnh, đặc biệt là trưng bày trong những dịp quan trọng như ngày Tết. Bởi, theo quan niệm, cây sung mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sung túc, ước mong về một cuộc sống suôn sẻ, thịnh vượng trong năm mới.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở xóm Nhất Đê, xã Mỹ Trung đưa cây sung về trồng và tạo thế để bán làm cảnh, ông Lê Văn Tiến cho biết: Sung bonsai phát triển ở địa phương đã nhiều năm nay. Thị trường tiêu thụ rất ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua.

Vào dịp cuối năm, để đảm bảo số lượng lớn cung cứng cho thương lái, gia đình phải chuẩn bị nguồn cây ngay từ đầu năm. Trung bình, mỗi năm gia đình ông xuất bán ra ngoài thị trường 1.500 cây sung bonsai với nhiều dáng, thế khác nhau. Mỗi loại dáng, thế mang một ý nghĩa khác nhau.

Theo Tiến, hiện nay hai loại thế trực và thế long được thị trường ưa chuộng nhiều nhất. Giá bán dao động từ 200.000 đ - 1 triệu đồng/cây, tùy vào dáng, thế và sức hấp dẫn của cây.

“Vẻ đẹp của cây sung không chỉ kể đến dáng cây mà còn phải có cả quả sung, chùm quả nhỏ trên thân cây ngắn, to, thế bonsai sẽ càng giúp cây có nhiều ý nghĩa hơn vào dịp tết…”, ông Tiến chia sẻ.

Sung bonsai được thị trường đón nhận, vào dịp cuối năm luôn “cháy” hàng. Ảnh: Mai Chiến.

Gia đình ông Trần Trọng Hậu (thôn Nhất Đê, xã Mỹ Trung) cũng gắn bó với cây sung bonsai từ nhiều năm nay. Vừa qua, gia đình ông đã bán toàn bộ vườn sung bonsai cho thương lái để họ kịp đưa đi bán ở các tỉnh trong cả nước.

Sau khi thương lái thu gom toàn bộ số cây thương phẩm trong vườn, gia đình ông Hậu bắt đầu xuống giống mới, cắm cọc, uốn tạo thế cho cây khi chúng còn đang ở độ tuổi phát triển để chuẩn bị nguồn hàng cho những năm tiếp theo.

Theo các chủ vườn, sung bonsai được thị trường đón nhận, nên nhiều lúc nguồn cung không đủ cầu, vào dịp cuối năm luôn “cháy” hàng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật